Nước mắt chốn pháp đình: Vu lan, mẹ khóc nhìn con...

Huyền Mai
Huyền Mai
18/08/2019 08:00 GMT+7

Với nhiều người, Vu lan là dịp để con tỏ lòng báo hiếu với mẹ cha. Nhưng với hai người mẹ trong phiên xử Trần Thành Nhàn tội giết người ngày 13.8, dịp Vu lan lại đầy nước mắt vì con...

Ngày 13.8, TAND TP.HCM mở phiên sơ thẩm và tuyên phạt bị cáo Trần Thành Nhàn (40 tuổi, ngụ Q.Bình Tân, TP.HCM) tù chung thân về tội “giết người”; đồng thời buộc bị cáo tiếp tục chu cấp cho con trai nạn nhân 1 triệu đồng/tháng đến khi cháu 18 tuổi. Trước đó, gia đình bị cáo đã bồi thường gia đình nạn nhân 100 triệu đồng.
Khi chủ tọa vừa dứt câu “Tuyên bị cáo Trần Thành Nhàn tù chung thân”, dưới hàng ghế dự tòa cùng vang lên tiếng nấc nghẹn của hai người phụ nữ. Đó là bà Nguyễn Thị T. (74 tuổi, ngụ Q.Bình Tân), mẹ của bị cáo và bà Mai Ngọc H. (quê Đồng Tháp), người có con bị Nhàn đâm tử vong.

Nỗi đau từ rượu mà ra...

“Hai đứa thương nhau lắm, bữa thằng Nhàn được người ta cho quả bơ, nó cũng đem qua chia nửa trái cho thằng L. Tụi nó là bạn nhậu. Hôm đó, hai thằng rủ nhau uống rượu như thường ngày, chẳng biết ma xui quỷ khiến gì, mà...”, kể đến đây, bà H. bật khóc. Suốt phiên tòa, bà liên tục đưa tay lau nước mắt. Con chết, kẻ giết con lại là đứa bạn thân, dù đã một năm trôi qua nhưng nỗi đau vẫn chẳng hề nguôi ngoai trong lòng người mẹ.
Còn bà T., bà nhớ mãi cái ngày diễn ra án mạng 19.6.2018, đúng vào mùa World Cup: “Thằng nhỏ mê coi đá banh lắm! Bữa đó, mình cũng nói con à, giờ nửa đêm rồi, thôi ở nhà coi đi. Nó nói, má ơi ở nhà coi đá banh một mình buồn không có ai, để con lại nhà mấy anh coi đá banh rồi uống rượu chung, vừa uống vừa coi mới hay”. Tới khuya, khi nghe thấy tiếng cấp cứu rình rang khắp xóm, bà mới biết tin con mình đã trở thành kẻ giết người.
Tại phiên tòa, nhìn bị cáo được dẫn vào, nhiều người cảm thấy xót xa. Sau một năm bị tạm giam, Nhàn gầy rộc đi, tóc bạc trắng cả mái đầu. Đâu ai tin được, người đàn ông ấy năm nay chỉ vừa tới tuổi 40.
Bằng giọng trầm buồn, Nhàn kể lại tội ác mình gây ra sau khi uống vài chén rượu. Hôm ấy, Nhàn tụ tập cùng bạn bè, trong đó có anh Nguyễn Hữu L., để cùng xem bóng đá. Rượu vào, L. nổi hứng rủ Nhàn bắt kèo.
“Bị cáo nói mình bắt đội nào cũng được nhưng anh L. không đồng ý, nói qua nói lại rồi xảy ra mâu thuẫn”, Nhàn khai trước tòa. Sau khi cãi nhau với L., Nhàn tức giận bỏ về thì bị L. từ trong nhà cầm cái tô sứ ném sượt qua vai. Thấy cái tô rớt xuống vỡ ra nhiều mảnh, bị cáo cúi xuống nhặt một mảnh sứ rồi chạy đến đâm vào nách và vai L. Cho đến khi thấy máu chảy nhiều trên người bạn, bị cáo mới bừng tỉnh, dừng tay, cùng mọi người đưa đi cấp cứu. Nhưng nạn nhân đã tử vong do mất quá nhiều máu.

Trên vai mẹ già thêm nặng gánh lo toan

Trong lúc chờ tòa tuyên án, bà T. ngồi lặng im một góc, thẫn thờ nhìn con gái đang cùng vợ của L. thỏa thuận về số tiền trợ cấp nuôi con phải trả. Mấy chục năm gồng gánh đàn con, vậy mà giờ đây, khi đã đi gần hết cuộc đời, gánh lo toan trên vai mẹ lại thêm chồng chất. Tất cả cũng chỉ vì hành động mất kiểm soát trong lúc nhậu của đứa con trai.
Chồng mất sớm, một tay bà tất tả bán buôn trên đất Sài Gòn, kiếm đồng ra đồng vào nuôi bốn đứa con khôn lớn. “Hồi đó tôi bán cơm. Hôm nào người ta mua không hết thì lại đem về, mấy mẹ con ráng vét ăn. Khổ sở biết nhường nào mới nuôi nổi năm miệng ăn mà cũng cho thằng Nhàn học hết lớp 12 đó chứ”, mắt bà ánh lên chút tự hào khi kể đến đây.
Tốt nghiệp phổ thông, Nhàn đi làm thợ điện, rồi cưới vợ, sinh con. Con dâu chê nhà chồng nghèo, ở chưa được bao lâu thì dắt theo con, ly dị. Một tay người mẹ dựng vợ gả chồng cho con, rồi sau đó nhìn gia đình đứa con trai tan vỡ. Mất vợ, con, Nhàn lao vào rượu chè, ăn nhậu bê tha, rồi cũng vì rượu mà lâm vào tù tội, để lại mẹ già ở ngoài cùng bao thứ phải lo.
“Nó vào tù, một tháng thăm được hai lần, một lần cho đồ, một lần mình được gặp mặt. Mà mỗi lần đi thăm tôi cũng giành đi hết, nhớ con quá. Khổ lắm, không biết cái gì khiến nó vậy. Thằng này hồi giờ nào biết quánh lộn là gì”, người mẹ thở dài. Lớn tuổi, chân lại đi không vững. Bốn năm trước, bà bị người ta chạy xe tông phải khiến hai chân thương tích không khỏi. Mỗi lần cần di chuyển, bà đều cầm theo cái nạng đẩy bên người. Xếp nạng vô, mở nạng ra, cứ vậy hai lần một tháng, bà T. một mình lụi hụi bắt “honda ôm” đến trại giam gặp con mình.

Hai bà mẹ, một nỗi đau

Lúc bà T. đang trải lòng thì bà H. cũng tiến đến ngồi bên cạnh. Hai người mẹ, một người mất con, một người con bị đưa ra xét xử, nhìn họ vỗ về nhau ai cũng trào nước mắt.
“Nãy tôi vô trong, thằng Nhàn nó xin lỗi tôi đó”, nói với bà T., giọng bà H. nghẹn lại. Bà trách, trách con bà nhậu vô rồi nóng tính, ném tô vào Nhàn trước, rồi mới xảy ra cớ sự. Trách cả thằng Nhàn vì say mà không kiềm nổi cơn nóng giận. Trước đó, bà H. đã làm đơn bãi nại cho Nhàn, bởi bà biết, tính thằng bạn của con mình hồi giờ đâu phải vậy. Từ đứa hiền lành trở thành kẻ giết người chỉ vì chuyện không đâu. Tất cả đều do những buổi nhậu lê thê không kiểm soát.
“Giờ thằng L. mất, gia đình tôi cũng khó xử lắm. Nó xin lỗi chị, thôi chị coi nó là con rồi tha lỗi cho nó chị ha. Tụi tôi cũng ráng bồi thường thêm cho chị. Cơ mà nghèo quá...”, nói đến đây, bà T. bật khóc khi nghĩ đến số tiền bồi thường đang đè nặng trên vai. Trước đó, bà đã phải bán nhà, vay mượn cho đủ 100 triệu nhằm khắc phục hậu quả cho gia đình bị hại. “Tôi biết mà, tôi biết mà. Nó đã xin lỗi tôi rồi, tôi không cần thêm gì hết”, bà H. ôm lấy tay bà T. cố gắng xoa dịu nỗi đau khi tòa chuẩn bị tuyên án.
Rồi cả hai người mẹ không tin vào tai mình khi nghe hai chữ “chung thân” dành cho bị cáo. Tiếng nấc hai người mẹ cố kiềm trong cổ họng bật ra kéo theo nhiều tiếng sụt sùi...
Khi bà T. loạng choạng cùng chiếc nạng ra khỏi phòng xử, bà H. đến bên, bảo: “Chị kháng cáo nha chị. Tôi cũng sẽ viết đơn xin giảm án cho thằng Nhàn”. Bà T. im lặng, lấy tay quệt giọt nước mắt trên gò má nhăn nheo. Nhìn hai người mẹ dìu nhau ra về, ai đó thở dài. “Con cái nào thấu được lòng cha mẹ. Vu lan chẳng được con báo hiếu mà phải nhìn con thế này. Cũng chỉ vì rượu bia quá chén mà ra...”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.