Nước mắt của khỉ…

26/01/2011 14:57 GMT+7

Trong khi ở nhiều nơi, thiên nhiên bị tàn sát trên diện rộng, đôi khi các chiến sĩ kiểm lâm phải đổ máu mà vẫn bất lực trước cảnh máu của rừng và thú rừng vẫn cứ chảy…, thì có một nơi, rừng được bảo vệ quá tốt, đám gấu, khỉ sinh sôi đông đàn dài lũ đến mức chúng lại tràn về trêu ghẹo người, phá dỡ lều lán, ăn tiệt hoa màu của bà con.

Bà con đã giao hết súng săn tự chế và bẫy thú cho ngành kiểm lâm và công an tiêu hủy, bà con đã hiểu giết vượn, gấu, khỉ là vi phạm pháp luật…, vậy thì ai sẽ “xử tội” động vật rừng đang quay lại xâm hại con người đây? Sự việc ở 3 xã giáp biên huyện Trùng Khánh đang làm bà con và nhiều cơ quan hữu trách tỉnh Cao Bằng cũng như các tổ chức quốc tế thật sự lúng túng. Người buồn, khỉ cũng… khóc.

Thấy “mặt đỏ” là… bỏ chạy!

Trời biên cương lạnh giá, truyền hình Việt Nam liên tục thông báo nhiệt độ ở Trùng Khánh nằm trong vài nơi lạnh giá nhất nước ta, chỉ loanh quanh ở mức... gần O độ C. Khu bảo tồn loài và sinh cảnh vượn Cao Vít Trùng Khánh hiu hắt nép mình bên các đỉnh đá tai mèo xám ngoét, sông Quây Sơn chảy từ biên thùy thác Bản Giốc về đến đây chia làm đôi, bên sông Đực, bên sông Cái.

Giám đốc Nông Văn Tạo - người Tày - sù sụ áo bông ra tiếp khách. “Ôi chao, tôi nửa đời làm kiểm lâm ở xứ này, chưa bao giờ thấy bà con khổ sở vì đàn khỉ và đàn gấu ngựa, gấu chó như bây giờ. Gấu giật đổ lều, phá hết các gác chứa ngô, “tát” vỡ tan tành lu đựng nước hay bất cứ cái gì nó gặp của bà con, của tổ tuần rừng. Diện tích ngô, sắn, khoai bị đàn khỉ hàng trăm con ăn và phá hoại liên tục tăng. Bà con kiến nghị lên xã, lên khu bảo tồn, chúng tôi báo về Chi cục Bảo vệ môi trường, Chi cục Kiểm lâm, về Quỹ Bảo tồn động - thực vật hoang dã quốc tế (FFI) cả rồi, nhưng đến nay, vẫn chưa có biện pháp nào được thực thi hiệu quả” - ông Tạo nói.

Và ngày 14.1 vừa qua, ông Tạo đã mở đầu năm mới Tân Mão bằng một bản báo cáo chưa từng có, ông kể về niềm vui khu vực mình quản lý đã cực kỳ thành công, khiến thế giới phải sửng sốt, khi bảo tồn được loài vượn Cao Vít quý hiếm, cả thế giới chỉ có hơn 90 cá thể, chỉ duy nhất có ở khu bảo tồn Trùng Khánh và một ít ở các cánh rừng giáp biên nước bạn Trung Hoa. Vui hơn là nhiều loài động vật quý có tên trong sách đỏ Việt Nam và sách đỏ thế giới đã tiếp tục “trở về” với quê hương Trùng Khánh, như: Gấu ngựa, sơn dương, cầy bay, hươu xạ, khỉ mặt đỏ... Vui một chốc, bản báo cáo chuyển ngay sang nỗi lo... chạy khỉ mặt đỏ, bọn khỉ này đẻ nhiều và hung hăng quá. Ông Tạo ký công văn gửi T.Ư và tỉnh, rằng:

Riêng năm 2010, có ít nhất 26.000m2 hoa màu của bà con bị khỉ và gấu tàn sát ở khắp các xã Ngọc Côn, Ngọc Khê, Phong Nặm của huyện Trùng Khánh - “làm thiệt hại kinh tế và gây nhiều bức xúc trong nhân dân đang sinh sống và canh tác ở trong khu vực”.

Đáng sửng sốt hơn là cái việc khỉ mặt đỏ và một số loài hoang thú dạn người đã phát triển quá nhanh so với diện tích rừng đang có, chúng tràn ra các xóm làng, nương rẫy, tấn công người và vật nuôi. Xin hãy tưởng tượng, với hàng chục đàn lóe chóe, hung dữ, nhe nanh khèng khẹc, mỗi đàn chừng 30-40 cá thể, khỉ mặt đỏ cứ thế đòi làm “cư dân” của các xã ven khu bảo tồn. Bà Đinh Thứ Thứ - ở Đông Si - kể, mỗi lần bà đi thả trâu, những con khỉ mốc to, có con mắt đỏ au, cứ nhe răng tấn công bà. Đặc biệt, lũ khỉ đực không sợ phụ nữ, nó cứ xốc tới trêu ghẹo, khiến phụ nữ ai ai cũng phải bỏ chạy.

Nam giới khỏe mạnh, có vũ khí gậy gộc, dao cuốc trong tay đuổi thì may ra chúng mới chạy. Khỉ mốc có cái lạ là nó thích tấn công trâu bò, khiến trâu bò không dám ăn cỏ chỗ đó nữa. Khi bị xóm làng dùng dụng cụ thô sơ đuổi thì lũ khỉ hú nhau, cả đàn lững thững đi vào rừng, một lúc sau chúng lại quay lại “nhơn nhơn trêu tức”.

Bế “Tôn Ngộ Không” vào rừng

Bà con trồng sắn, trồng khoai, trồng cái gì khỉ cũng ăn, cũng phá được. Có thứ chưa bao giờ khỉ phá, như măng tre, đỗ tương, nhưng thấy bà con bẻ măng, nhổ cây đỗ, nó cũng bắt chước nhổ từng ôm lớn, khệnh khạng đi vào rừng ngửi ngửi rồi hềnh hệch cười... và vứt bỏ. Anh Triệu Văn Ứng - Trưởng thôn Giốc Dùng và anh La Văn Lương - Bí thư Chi bộ thôn Pác Đông - thì cứ bi hài mãi cái việc mấy xóm náo loạn vì khỉ xông về cửa nhà dân “phục kích” suốt dăm bảy ngày giời ở cổng nhà ông Lực, bản Nà Tông. Một con khỉ nặng khoảng 15kg, mặt đỏ, các búi lông lờm xờm, mốc thếch về chạy khắp xóm, rồi leo lên cây xoan lớn ngồi bần thần hết ngày lại sang đêm. Tất cả bà con hoang mang, nhỡ nó đánh người thì sao?

Bọn khỉ cộc này bao giờ cũng là vô cùng độc ác. Bà con dùng gậy, dùng chó săn đuổi, dùng đá ném, lũ khỉ vẫn trâng trâng như thách thức mọi người. Nhiều người bảo giết khỉ già ấy mà thịt, nấu cao, nhiều người lại bảo nếu bắt nó là kiểm lâm và biên phòng sẽ “bắt tội” mình, thôi kệ nó. Kệ thì lại lo khỉ lớn tấn công người. Đợi lúc khỉ khát quá, xuống ao uống nước, bà con dùng gậy gộc dồn đuổi, bắt sống được con “con cháu Tôn Ngộ Không”. Khi cán bộ kiểm lâm và biên phòng vào thì “Tề thiên Đại thánh” vẫn chưa bị phạt đầu múc óc vắt chanh hay lột da nấu cao, thế là lãnh đạo xóm phải đèo nó bằng xe máy vào tít bìa rừng để thả, thế mà anh La Văn Lương còn bị nó cắn chảy máu tay.

Vài hôm sau, lại một bạn khỉ nhỏ bị tóm, xã lại lập biên bản, lại khiêng “Tôn Ngộ Không” lên núi thả. Bà con bức xúc vì xóm làng, hoa màu, sự bình an của mình bị gấu và khỉ đe dọa. Gấu lớn phá trong chốc lát là cả nương ngô ngút ngàn đổ rạp, mấy cái lều canh nương tan tành, may chưa có ai gặp “ông đen nhánh” ấy giữa đường...


Một con vượn Cao Vít tuyệt đẹp (cả thế giới chỉ còn hơn 90 cá thể).

Đừng để người dân phải “tự xử”

Sau 7 ngày luồn rừng, leo núi kiệt sức, xuyên qua Khu bảo tồn Trùng Khánh, chúng tôi đã trở thành nhóm nhà báo đầu tiên ở Việt Nam quay phim, chụp ảnh được một trong những báu vật thiên nhiên của loài người: Vượn Cao Vít. Nhưng cũng chính lúc đó, những thợ săn khét tiếng nhất của núi rừng Ngọc Côn, Phong Nặm bày tỏ sự thất vọng của họ trước các vấn đề đặt ra của bài toán “mâu thuẫn bảo tồn” bấy lâu nay. Nếu tình trạng khỉ, gấu “xâm hại” cuộc sống, kinh tế của bà con hiện nay không được giải quyết sớm, thì các thành quả bảo tồn kia sẽ lập tức tan biến trong chốc lát. Chỉ vài tiếng súng săn, vài cái bẫy, vài vụ bắt giết động vật hay một vụ cháy rừng là... không còn gì để nói.

Bà con ở Trùng Khánh đã theo lời kêu gọi của chính quyền và các nhà làm bảo tồn để nhường đất và rừng cho các dự án. Bà con được vận động không nuôi dê, vì dê ăn trụi lá rừng; không đun bếp củi, vì chất đốt biến mỗi người dân thành một “lâm tặc”; thậm chí không hái cây thuốc, không dùng cọn (guồng đẩy) nước bằng gỗ, không dùng nhà sàn... Tức là bà con phải bỏ toàn những thứ “truyền thống ngàn đời” của mình vì quyền lợi của rừng và hoang thú. Thế mà bây giờ hoang thú quay lại làm hại đến bà con, nếu cơ quan chức năng không nỗ lực giải quyết rốt ráo, bà con sẽ nổi giận, đổ cái bức xúc của mình lên rừng và thú rừng thì sao?

Với diện tích 1.656ha, Khu bảo tồn Trùng Khánh quá nhỏ hẹp, đấy là chưa kể, bà con vẫn tiếp tục canh tác trong khu vực bảo vệ, mà chưa có chính sách tổ chức “dịch chuyển” hợp lý; hiện nay, đàn động vật hoang dã các loại đã phát triển ở “quy mô dân số” vượt xa mức độ mà diện tích kể trên có thể “nuôi dưỡng”. Vì thế, động vật khan khiếm nguồn thức ăn, tranh giành “lãnh địa”, “xâu xé” cả diện tích canh tác và bản làng sinh sống từ ngàn đời của con người - gây ra mâu thuẫn bảo tồn. Những việc cần làm ngay lúc này là: “Đền bù”, hỗ trợ chuyển khu vực sản xuất cho bà con để mở rộng diện tích khu bảo tồn; “đền bù” cho bà con các xã bị thiệt hại hoa màu do gấu, khỉ tàn phá; đồng thời tìm sinh kế cho bà con một cách thật sự hiệu quả để những người đã và đang hy sinh quyền lợi của mình vì mục đích bảo tồn không quay lưng lại với dự án...

Anh Ứng, anh Lương, anh Trường - những thợ săn khét tiếng đã từng hạ sát quá nhiều gấu, vượn, vọoc, khỉ... giờ đang hoạt động đắc lực trong tổ bảo vệ rừng - đều kể với tôi về những cái ngày thảm họa của gấu, khỉ và vượn. Người bên kia biên giới đi săn thú lớn bị chết rục trong rừng. Những người khác làm bẫy sập (làm cái chuồng gỗ lớn có lẫy), dùng mỡ nhử có bận tóm tới 10 con voọc quý. Rồi những ngày anh Ứng bắn lũ vượn Cao Vít mà cả thế giới mỏi mắt tìm kiếm kia đem về nấu giả cầy để ăn. Rồi cái thú bắn gấu lấy túi mật và lấy hai bàn tay, hai bàn chân để nấu cháo.

Họ kể về cái ngày chưa có khu bảo tồn thì vi phạm đó là dễ hiểu. Tôi thấm thía rằng rừng mênh mông, bảo vệ được rừng và muông thú hay không là do dân. Bây giờ mâu thuẫn bảo tồn lớn thế kia, nếu để bà con bức xúc, lòng dân buồn bực, kêu lên các cấp chỉ nhận được... im lặng, thì không khéo họ phá rừng giết thú: Lúc ấy ai sẽ lo?

Theo Tiền Phong

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.