Nước mắt lăn theo xác gà

14/11/2005 00:14 GMT+7

Ngay đầu xã Vân Trung (Việt Yên, Bắc Giang), một chiếc barie được dựng lên với vệt vôi bột rải xuống, tấm biển bên đường mang dòng chữ: “Vùng có dịch” tạo cảm giác rờn rợn với khách lạ. Phía sau cánh cổng làng kia, bao thân phận người nông dân đang khắc khoải với giọt nước mắt lăn theo xác gà.

Vào vùng dịch

 

Ngay buổi sáng chúng tôi về Vân Trung, Việt Yên, Bắc Giang, lãnh đạo tỉnh đang triệu tập một cuộc họp khẩn cấp ngay tại xã và xuống thăm người dân bị thiệt hại do cúm gia cầm. Đám trẻ tò mò nhìn những người lạ với trang phục bảo hộ xanh nhạt kín mít từ tóc đến đế giày. Một người đàn ông trung niên đang gục mặt trên bờ tường đổ với đôi mắt thất thần nhìn ra những chiếc Camry đời mới. "Đi theo chúng tôi, các bác sẽ  thấy được thảm họa cúm gà", người đàn ông ấy dẫn chúng tôi rảo bước về phía vài nóc nhà phất phơ như những túp lều chơ vơ giữa đồng.

 


Chị Nguyễn Thị Thúy (đứng cạnh thuyền) vớt lúa bị thối từ dưới đồng cho lợn ăn

Chúng tôi đi trên con đường nhỏ dẫn ra khu gia đình tập trung chăn nuôi trong cảnh tiêu điều xơ xác, hai bên đường là những thửa ruộng lúa đổ rạp sau bão. Mùi thối khẳm từ hố chôn gà, từ thân lúa ngâm nước lâu ngày tràn đến theo từng đợt gió. Bên bờ ruộng, chị Nguyễn Thị Thúy ở thôn Trung Đồng cầm bó lúa sũng nước chỉ vào sân nhà: "Sao năm nay ông trời lại ác thế không biết! đợt bão số 8 vừa rồi đổ về, lúa đang trĩu hạt vậy mà nước dềnh lên ngập lênh láng, lúa đổ ngâm trong nước mọc mầm, thối khẳm, chỉ cố vớt về cho lợn chứ người ăn sao được! Nhà tôi gặt 2 sào mà không biết có được tám chục cân không. Ngan, gà mất hết. gặt xong đám lúa này, chắc tôi phải tính đi làm thuê ngoài Hà Nội mới mong qua được nạn đói". Nhìn vào sân xi măng bỏng rát, chúng tôi thấy có chỗ lúa mới phơi còn bốc hơi nghi ngút, những hạt thóc đen sì bùn đất. bên bờ mương, xác một chú gà choai nổi lập lờ trong đám bèo tây.

 

“Bắc Giang có 6 thôn thuộc 3 xã của 2 huyện Việt Yên và Yên Dũng có dịch. Đã có trên 97.000 gia cầm bị tiêu hủy. chúng tôi đang tiếp tục tiêu hủy hết 100% số gia cầm trong những thôn phát hiện ổ dịch. Từ tháng 1.2006, Sở NN&PTNT sẽ triển khai dự án hỗ trợ bà con chuyển đổi cơ cấu chăn nuôi” - ông Lê Đắc Tá, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bắc Giang.
Gần một tháng trước, nỗi lo mất mùa của người dân còn được bù lại bằng niềm hy vọng từ đàn ngan, đàn gà. Giờ thì niềm hy vọng cuối cùng ấy cũng tắt khi hung tin dịch cúm bùng phát ngay trong thôn Trung Đồng. Người đàn ông bị tàn tật Hoắc Trung Thiết với đôi chân chỉ muốn khuỵu xuống cố dò dẫm đi quanh ao chỉ chúng tôi xem chuồng trại trống huơ trống hoác. Ông lặng lẽ vào căn chòi chưa đầy chục mét vuông dọn nốt chỗ quần áo, tính bỏ lều vào xóm sống tạm cho qua ngày chờ hết dịch.

 

“Cháu nhất quyết không nuôi gà!”

 


Khắp các đường làng đâu đâu cũng thấy vôi bột

Bữa cơm mùa gặt của gia đình anh Hoàng Công Đạo ở thôn Trung Đồng cũng chỉ có một bát muối vừng, đĩa rau cải luộc và 5 con cá tép kho trắng hếu. Cả nhà ngồi quanh mâm cơm lặng lẽ ăn chẳng nói với nhau câu nào. Và nốt bát cơm, anh rít thuốc lào sòng sọc: "Đấy, gà ngan mất 500 con, nợ hơn chục triệu giờ chẳng biết lấy đâu mà trả. thóc thì 2 sào lúa chẳng biết có được dăm chục cân không, em đang lo mùa này đói, bác ạ!". Gia đình anh ra ở khu đồng này cũng mới được hơn 2 năm. Sau khi có chính sách dồn vùng đổi thửa để làm trang trại chăn nuôi, anh cùng gần chục thanh niên khác ra đánh vật với đồng mong làm ăn khấm khá, chẳng ngờ hy vọng đổi đời cũng tan theo dịch cúm.

Ở cuối xóm, anh Hoàng Công Huấn đang loay hoay dọn nốt chỗ chuồng gà mà ruột gan rối bời. Chị Hoàng Thị Mẫn, vợ anh đang ốm không gượng dậy được, anh bảo chị ốm cũng là vì xót của. Không xót sao được khi cả nhà anh trông vào đàn ngan 300 con, 3,5 kg/con, nếu bán rẻ cũng được hơn chục triệu đồng; đàn gà 330 con cũng cân sáu, cân bảy một con giờ đang nằm dưới hố chôn. Tiền nợ cám, tiền lãi ngân hàng chưa biết xoay đâu. Anh Huấn rầu rĩ: "Hôm trước, em chỉ dám cầm ngan  cho vào tải để các bác ấy mang đi chứ chẳng nỡ giết, đau lắm bác ạ! Em chỉ mong nhà nước giãn nợ cho chúng em, miễn cho chúng em cái lãi trong đợt này rồi hết dịch chúng em lại nuôi hoặc chuyển qua nuôi bò, nuôi lợn, vài năm tằn tiện chắc cũng đủ trả cho nhà nước".

 

Đang kể chuyện, đứa con anh tên  Hoàng Công Hiệp, 13 tuổi học lớp 7 chạy về len lén kể: "Cháu lại sắp phải đóng tiền học mà chẳng dám xin". Nói rồi, nó ngước mắt lên nhìn theo bóng bố đang lúi húi trong chuồng gà, khẳng định chắc nịch: "Sau này có làm gì thì làm chứ cháu nhất quyết không nuôi gà như bố cháu! Suốt ngày cặm cụi mà nhiều khi thèm thịt gà không dám ăn, giờ cả trăm con gà đang nằm dưới hố".

 

 

 

 Phóng sự của Káp Thành Long

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.