Tòa án nhân dân TP Hà Nội hai ngày cuối năm xét xử liên tiếp hai vụ án, trong đó các bị cáo tuổi đời còn rất trẻ. Có bị cáo phạm tội khi mới 15, 16 tuổi. Có bị cáo ra tòa lần hai, lần ba, tiền án chưa xóa chất chồng phải thi hành án gộp.
Người mẹ đứng khóc ngất không nói nên lời trước cánh cửa phòng xử 104B. Trên tay chị nào sữa, trái cây, áo ấm mang theo cho con. Chưa tới giờ xử, đội cảnh sát bảo vệ đóng kín cửa không cho người nhà và bị cáo gặp nhau. Mẹ con chỉ cách nhau cánh cửa. Tưởng chỉ một cái với tay có thể ôm trọn đứa con tội lỗi trong vòng tay mình, vậy mà chị vẫn đứng khóc bất lực. Trong phòng xử, con trai chị ngồi co ro trước vành móng ngựa. Bị cáo với làn da trắng, khuôn mặt non nớt năm nay vừa tròn 16 tuổi. Khi gây án, cậu là học sinh vừa lên lớp 10 được một ngày.
An toàn với một con dao
Cáo trạng dài năm trang của Viện Kiểm sát nhân dân TP Hà Nội cho biết giữa bị cáo và một nhóm học sinh cãi nhau về việc giặt giẻ lau bảng, đi học về kéo hội chặn đánh nhau... Vì mâu thuẫn với bạn từ trước nên N.V.L. chuẩn bị sẵn con dao trong cặp. Trên đường đi học về, L. bị nhóm bạn chặn lại. L. sợ bỏ chạy vào nhà dân mong có người giúp nhưng không có ai. Hai người bạn đuổi theo sau. Hoảng loạn, L. rút dao đâm khiến nạn nhân T. chết, Đ. bị thương nặng.
Tại tòa, bị cáo một mực khai “trong lúc hoảng quá chỉ lấy dao khua loạn xạ chứ không có mục đích giết người”.
- Không có mục đích giết người tại sao bị cáo lại mua dao giắt sẵn trong người? - chủ tọa hỏi giọng gay gắt.
- Dạ thưa vì có dao trong người bị cáo có cảm giác an toàn hơn.
- Những ngày trong trại giam bị cáo có suy nghĩ gì về tội lỗi và tương lai của mình không?
- Thưa tòa, bị cáo không biết. Khi nào được ra tù rồi bị cáo mới tính tiếp, chứ giờ chẳng biết sao mà tính.
Trước mỗi câu trả lời của bị cáo, người mẹ ngồi phía dưới lại cúi đầu lau nước mắt. Chắc hẳn chị thấy đau lòng khi con mình chỉ thấy an toàn khi có dao nhọn trong cặp sách. Chị không hiểu tại sao L. đã ba lần trộm cắp tài sản bị xử lý hành chính, dù chị luôn chu toàn cuộc sống cho con.
Luật sư đưa ra nhiều lý lẽ để bào chữa cho bị cáo: phạm tội trong trạng thái bị kích động, tinh thần hoảng loạn, hành động tự vệ của bị cáo là phù hợp ở độ tuổi 15, nạn nhân cũng có lỗi... Bị cáo bị tuyên mức án 6 năm tù giam vì tội giết người. Phiên tòa kết thúc, mẹ bị cáo mới được lại gần ôm con. Bố bị cáo cởi áo ngoài khoác cho con khỏi lạnh. Bị cáo ngồi lặng trước vành móng ngựa, vẫn là đứa con bé nhỏ trong vòng tay của gia đình. Nếu như không có những phút giây gây án...
Vuột khỏi vòng tay mẹ
Phòng xử 104B hôm sau như một bức tranh hai cảnh tương phản: trước vành móng ngựa, 10 bị cáo ngồi cạnh nhau cười đùa, nói chuyện rôm rả. Dưới ghế người dự khán là những ông bố, bà mẹ ngồi co ro, khuôn mặt đầy vẻ đau khổ, nặng nề.
Cả nhóm bị cáo hơn chục người kéo nhau đi chơi nhưng không có tiền, nên khi Nguyễn Lương Phùng rủ “đi làm một vài vụ” thì cả bọn đồng ý. Mượn được con dao, Nguyễn Lương Phùng cùng Trần Văn Như và Nguyễn Văn Công đi cướp. Gặp hai anh H. và C. đi ăn khuya về, cả bọn cầm dao khống chế, cướp được chiếc xe Lead và 100.000 đồng tiền mặt. Cả hội kéo nhau đi chơi, ba ngày sau hết tiền lại giải tán trở về. Đến khi một vài người trong nhóm ra đầu thú thì cả nhóm bị bắt.
Cả chục bị cáo chưa ai học quá lớp 12, phần lớn sinh năm 1990, 1992... Gần phân nửa bị cáo đã có tiền án tiền sự. Nhiều bị cáo ngơ ngác khi biết mình phạm tội “tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có” vì đi chơi cùng Phùng. Phần thẩm vấn của hội đồng xét xử kéo dài từ sáng tới chiều, thỉnh thoảng bị ngắt quãng bởi tiếng khóc của những bà mẹ.
“Tôi đến đây làm người đại diện cho hai bị cáo là con trai và con dâu. Trước đây hai đứa yêu nhau, tôi cấm vì các cháu còn quá nhỏ nên hai cháu mới bỏ nhà đi theo hội của Phùng. Khi cháu về, sợ quá nên tôi cho hai đứa làm đám cưới. Từ ngày nhận được giấy triệu tập của tòa, tôi chẳng đêm nào ngon giấc. Hôm qua trước khi lên tòa, sợ con bị giam tù, tôi dành tiền mua con vịt về nấu thật ngon cho hai đứa ăn. Mong tòa rộng đường xem xét vì các cháu còn dại quá, con dâu tôi lại đang mang bầu sắp sinh”...
“Tôi là mẹ bị cáo N.. Bố nó bỏ mẹ con tôi đi lấy vợ đã bốn năm nay, tôi phải xa nhà đi gánh gạch thuê ròng rã nên không có thời giờ dạy con. Cháu nó ở với ông bà rồi bị bạn bè xúi dại. Từ khi con bị bắt, tôi thui thủi một mình. Mẹ con tôi nghèo khó, cả năm cấy ruộng gặt được gần tấn thóc mà bán không đủ tiền để đi thăm nuôi con vài lần.”...
“Tôi là mẹ cháu H., năm nay cháu học lớp 11. Bố cháu bị xơ gan vì rượu chè suốt ngày, còn tôi đã cắt mất nửa lá phổi, nay ốm mai đau không có thời gian dạy dỗ con”...
Mỗi người mẹ có mặt tại tòa đều xin có ý kiến để xin giảm tội cho con. Đó là những bà mẹ quê đen đúa, khắc khổ. Khuôn mặt ai cũng tím tái, xác xơ giữa cái lạnh mùa đông Hà Nội.
Nguyễn Lương Phùng bị tuyên án 8 năm 6 tháng tù giam, Công 14 năm tù, Như 14 năm tù, N. 12 năm tù... Các bị cáo còn lại mỗi người chịu từ 8-15 tháng tù treo.
Suốt phiên tòa và cả khi nghe bản án, Phùng luôn tỏ thái độ vững vàng của một “thủ lĩnh”, thỉnh thoảng còn mỉm cười nhìn đồng phạm khi nghe đại diện viện kiểm sát đọc cáo trạng. Kết thúc phiên tòa, Phùng được mở còng để gặp vợ và bế con. Bị cáo mới 20 tuổi mà đã có vợ và hai con. Đứa con gần 2 tuổi, xa bố lâu ngày, nhìn người đàn ông mặc bộ đồ kẻ sọc rồi bất chợt khóc thét vùng vẫy khỏi vòng tay của bố. Một giọt nước mắt chảy tràn trên má Phùng. Đó là phút giây hiếm hoi thấy Phùng biểu lộ cảm xúc.
Xe tù chở bị cáo ra khỏi cổng tòa án, một phụ nữ lao theo sau xe, vừa chạy vừa khóc thét: “Con ơi, con ơi”... Chiếc xe chở người đi mất hút, đôi tay bà chới với trong không trung. Vai bà như oằn xuống trong chiếc áo bông dày cũ sờn.
Bà là mẹ của bị cáo N.. Sau phiên tòa ấy, tôi biết bà sẽ trở về với lò gạch cũ ở quê, hằng ngày oằn lưng gánh gạch kiếm từng đồng xu một, sẽ chạy vạy vay tiền ngân hàng, rồi nhờ người bán đất để kiếm tiền đi kháng cáo và thăm nuôi con. Mẹ của Phùng sẽ chạy từng bữa chợ để một nách thay Phùng nuôi cả vợ và con thơ. Và bao nhiêu nước mắt, tủi cực của người mẹ khi con vướng vào vòng lao lý là điều không thể nào đong đếm. Tôi nhớ hoài lời của mẹ bị cáo Tiến và Mai trong buổi xét xử hôm ấy: “Sinh con ra, mừng rớt nước mắt khi con bước được những bước đi đầu tiên, không ăn không ngủ được khi con lên cơn sốt, hạnh phúc vô cùng khi con lớn từng ngày. Rồi con đua đòi với bạn bè, con gây ra tội lỗi, bố mẹ xấu hổ với xóm giềng, đi về lầm lầm lũi lũi nào có dám nhìn mặt ai...”.
Theo Tuổi Trẻ
Bình luận (0)