"Hành hạ" nhân chứng
Như chúng tôi đã thông tin, án sơ thẩm lần đầu bị hủy để điều tra xét xử lại, CQĐT khẳng định: Hùng không vận chuyển ma túy vào ngày 25.7.2002 mà vận chuyển vào ngày... 24.7.2002, nhưng chi tiết này đã gặp sự phản kháng quyết liệt của người nhà bị cáo Hùng, cụ thể là chị Nguyễn Thị Hằng - vợ Hùng. Vì thời điểm ấy chị Hằng cùng chồng dự sinh nhật của chị Thuyến. Nhưng "bữa tiệc sinh nhật" cuối cùng vẫn bị bác bỏ và Hùng bị kết án tử hình lần thứ 2. Còn những người dự tiệc sinh nhật và tham gia tố tụng với tư cách người làm chứng thì bị kiến nghị "xử lý hình sự".
Nhớ lại những tình tiết éo le tại phiên tòa sơ thẩm lần hai lúc ấy, chị Thuyến vẫn chưa hết bức xúc. Chị nói: "Tại phiên tòa tôi đã bật khóc vì bị xét hỏi theo kiểu áp đặt quá. Tôi là giáo viên mà tòa nói là tôi bịa đặt ra chuyện đó để bênh vực cho Hùng. Họ nói với tôi như vầy: Chị là một người giáo viên, đào tạo cả một thế hệ mà đi khai báo như vậy à?... Ý tòa nói rằng tôi là giáo viên mà khai báo như vậy thì khi dạy học trò sẽ không tốt. Rồi tại CQĐT tôi cũng đã bật khóc vì họ cho rằng nhân chứng đặt điều để nói, chứ sự thật là không có như vậy".
Chưa hết, chị Thuyến đã bị CQĐT triệu tập rất nhiều lần và đến nay vẫn còn bị ám ảnh. "Anh xem thử coi, tôi là giáo viên phải đi dạy mà CQĐT mời tôi làm việc trong 2 ngày liên tục, cả sáng và chiều thì sao tôi chịu nổi, trong khi theo quy định của ngành giáo dục thì nghỉ lễ hay nếu có cưới hỏi tôi chỉ được nghỉ 3 - 4 ngày để tổ chức. Chịu không nổi nên có lần tôi đã thay đổi lời khai để mong được yên thân. Nhưng sau đó thấy trong lòng cắn rứt quá nên tôi đã có văn bản tường trình lại toàn bộ vụ việc giống như ban đầu, tức là Hùng có dự sinh nhật tôi vào ngày 24.7".
Khi được hỏi lúc bị Hội đồng xét xử của TAND tỉnh Tây Ninh đưa vào bản án kiến nghị xử lý hình sự, cảm giác của mình thế nào, chị Thuyến thành thật: "Tôi cảm thấy rất bức xúc trước những lời kiến nghị của cơ quan xét xử. Bản thân tôi cũng là một cán bộ Nhà nước mà lại đối xử như vậy. Tôi khẳng định có cái gì thì nói cái đó. Nếu sau này sự việc rõ ràng, tôi muốn họ phải có lời xin lỗi những nhân chứng".
Nhân chứng Nguyễn Tuấn Bình (28 tuổi, hiện là cán bộ Công ty khai thác khoáng sản Tây Ninh) cũng bất bình không kém: "Tôi gặp Hùng thì nói là gặp Hùng nhưng không hiểu sao, CQĐT vẫn làm tôi mất thời gian nhiều quá. Lúc đầu thì điều tra viên nói chuyện thấy được, nhưng sau đó thấy gắt gỏng quá. Tôi thấy vậy phản ứng lại rằng: Tôi là nhân chứng mà sao mấy anh đối xử như vậy? Nhưng các điều tra viên cứ ép tôi nói theo hướng phản lại những lời khai ban đầu của tôi. Rồi các anh công an mặc sắc phục vào tận cơ quan tôi gửi giấy mời. Ở đây là ở quê mà nhiều người trong cơ quan cứ nghĩ tôi là tội phạm gì hay sao mà công an cứ mời tôi hoài".
Giọng anh Bình bức xúc: "Tụi tôi đều là nhân viên Nhà nước chứ đâu phải dân đầu đường, xó chợ đâu mà họ muốn làm sao thì làm?".
Đến luật sư cũng phải điên đầu
Luật sư (LS) Trịnh Vĩnh Phúc (bào chữa cho Hùng) thì lắc đầu ngán ngẩm nhớ lại phiên tòa sơ thẩm lần thứ hai của TAND tỉnh Tây Ninh. Ông bảo: "Trong đời mình, tôi chưa bao giờ gặp một phiên tòa như vậy".
Thực ra thì sự ngán ngẩm của LS Phúc chúng tôi cũng đã từng ghi nhận, thậm chí giờ đây vẫn còn nguyên cả đoạn băng ghi âm những "pha" gay cấn. Chẳng hạn, khi LS Phúc đang trình bày về việc thu thập chứng cứ bất nhất của CQĐT, liên quan đến một bị cáo khác là Phạm Hồng Sơn trong cùng vụ án, thì ông thẩm phán Đinh Văn Minh (người ngồi cánh gà) cắt: "LS bào chữa cho Nguyễn Minh Hùng hay bào chữa cho Phạm Hồng Sơn?". Nhưng LS Phúc vẫn từ tốn: "Thưa, chúng tôi bào chữa cho Nguyễn Minh Hùng, nhưng những lời khai của Thư và Sơn có liên quan trực tiếp đến Hùng...". Nhưng vị thẩm phán này vẫn chưa buông tha: "Tòa phúc thẩm thấy cấp sơ thẩm chưa điều tra một số tình tiết nên hủy án để điều tra lại. Nhiệm vụ của LS là bào chữa cho Hùng chứ không bào chữa cho ai". LS Phúc vẫn kiên trì: "Thực ra chúng tôi rất khó xử vì mỗi lần phát biểu thì bị Hội đồng xét xử cắt và ngay cả những lần trước cũng vậy. Trong khi chúng tôi thấy những phát biểu này là liên quan trực tiếp đến thân chủ của tôi. Quan điểm của chúng tôi có thể được tòa chấp nhận hay không chấp nhận nhưng theo quy định thì người điều khiển phiên tòa phải là chủ tọa chứ không phải là thẩm phán khác. Cả hai lần bào chữa ở đây chúng tôi đều bị thẩm phán Đinh Văn Minh cấm cản không cho chúng tôi phát biểu. Tôi cho rằng đây là điều hy hữu vì chúng tôi phát biểu trên tinh thần rất tôn trọng".
Nguyễn Minh Hùng tại tòa sơ thẩm lần 2 - Ảnh: P.N |
Nhưng vị thẩm phán bắt đầu cao giọng: "Điều tra viên, thẩm phán, kiểm sát viên là những người được quyền đánh giá chứng cứ, luật không quy định LS được quyền đánh giá chứng cứ". LS Phúc: "Tôi cho rằng LS cũng được quyền đánh giá chứng cứ còn chuyện chấp nhận hay không là quyền của Hội đồng xét xử. Thú thực chúng tôi không biết xử sự như thế nào trong trường hợp này. Chúng tôi cứ liên tục bị cắt lời bào chữa trong khi Nghị quyết 08 quy định...". Thẩm phán cắt ngay: "Đề nghị LS cho biết bào chữa hay không bào chữa?". LS Phúc: "Chúng tôi đang muốn bào chữa còn nếu thẩm phán không muốn cho bào chữa thì...". Thẩm phán dường như không còn bình tĩnh: "LS bào chữa hay không bào chữa?". LS Phúc vẫn nhẫn nhịn: "Nếu thẩm phán tôn trọng Luật Tố tụng hình sự thì để cho vị chủ tọa điều khiển. Nếu chủ tọa kêu chúng tôi ngưng, chúng tôi sẽ ngưng...".
Đến lúc ấy, chủ tọa Trần Thị Trinh, người có thẩm quyền cao nhất tại phiên tòa mới chịu lên tiếng: "Mời LS bào chữa tiếp tục". LS Phúc tiếp tục trình bày, nhưng cũng chỉ nói được một đoạn thì... bất ngờ bị thẩm phán Minh "nhảy vô miệng", cắt ngang: "Yêu cầu LS bào chữa hay không bào chữa, đừng dài dòng".
Đến lúc ấy thì LS Phúc trở nên chưng hửng, và ông thành thật một cách đáng thương trước Hội đồng xét xử mà nói rằng: "Thực sự bây giờ tôi không phải bào chữa cho bị cáo mà phải bào chữa cho bản thân tôi. Bào chữa là vì tôi đã bị xúc phạm việc hành nghề. Tôi đã hành nghề 20 năm, chưa bao giờ gặp một phiên tòa được điều khiển như thế này".
M.T
Bình luận (0)