Chìm trong lũ dữ
Liên tục những ngày qua, người dân các xã Thạch Định, Thành Thọ, Thạch Bình, TT.Kim Tân và một số xã khác của H.Thạch Thành phải thức trắng đêm canh lũ. Ngủ làm sao được vì nước sông Bưởi thường ngày bình yên bao nhiêu thì ngày lũ về hung dữ bấy nhiêu. Nhiều tài sản, vật nuôi của người dân bỗng chốc bị hà bá “cướp” đi. Suốt 2 đêm 11 và 12.10, mỗi centimet nước sông Bưởi dâng lên là hàng vạn người dân H.Thạch Thành từ già đến trẻ nơm nớp lo sợ: sợ vỡ đê, sợ không có nơi trú ẩn, sợ rồi qua cơn lũ sẽ lấy gì ăn, lấy gì để đến trường, khi bò, lợn, quần áo, sách vở, lúa vừa gặt… bị nhấn chìm trong nước.
Ông Vũ Đức Sức (60 tuổi, thôn Định Cát, xã Thạch Định) vừa thoát chết trong cơn lũ, vẻ mặt còn chưa hết thất thần: “Thiếu một chút nữa là cả gia đình 3 người nhà tôi bị lũ cuốn trôi. Từ sáng 12.10, nước dâng ngập nhà, tôi và vợ, con trai phải vội leo lên mái nhà, chỉ kịp vơ vài gói mì tôm vừa mua hôm trước để dự phòng. Giờ thì mất hết rồi, vài tấn lúa vừa gặt chưa đầy tháng, mấy con bò và đàn lợn cho thằng con trai lấy tiền làm ăn đều trôi theo nước lũ!”.
Gạt nước mắt, ông Sức kể tiếp: “Vì nước lũ dâng nhanh, tầm 10 giờ ngày 12.10, thấy nước càng lúc càng dâng lên, tôi và con trai Vũ Anh Đức dùng chiếc thuyền đóng bằng tôn mỏng thường ngày dùng để kéo lúa, chèo ra ngoài TT.Kim Tân tìm người giúp đỡ. Nhưng chèo được nửa quãng đường thì nước chảy xiết nhấn chìm thuyền khiến hai bố con trôi theo dòng nước. May mắn đang trôi thì bám được vào đường dây điện (may đã ngắt điện) cố huơ tay kêu cứu. Khoảng 20 phút sau, hai bố con tôi gặp được thuyền cứu trợ của Ban Chỉ huy quân sự H.Thạch Thành trên đường đi cứu dân nên thoát chết”.
Cách nhà ông Sức không xa, ngôi nhà cấp 4 vừa chìm ngỉm trong nước lũ của bà Nguyễn Thị Tình (70 tuổi, ngụ tại xã Thạch Định) giờ không định hình nổi ở vị trí nào. Vừa được người dân, chính quyền địa phương sơ tán đến nhà dân ở khu vực cao hơn, tránh xa vùng lũ, bà Tình vẫn chưa hết lo sợ. Tuy trong đời từng đôi lần chứng kiến những trận lũ lớn, nhưng bà Tình cho biết chưa lần nào kinh hoàng như lần này. Theo bà Tình, bà sống một mình, quanh vườn làm hơn 1 sào nghệ, gần 1 sào trồng lá dong định bán trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới lấy tiền tiêu tết, nhưng chỉ sau vài tiếng nước lũ dâng, mọi thứ đã bị xóa sạch.
“Các con đều lập gia đình xa, cuộc sống chúng nó cũng chẳng khá giả gì, giờ nước lũ lại cuốn trôi mất nhà, vườn cây, tôi không biết phải sống làm sao những ngày sắp tới. Năm 2007, trận lũ lịch sử cũng khiến gia đình tôi mất gần hết tài sản, tuy chẳng đáng bao nhiêu so với người ta, nhưng đó là cả nguồn sống của tôi. Có con chó con hôm rồi con gái nó mới cho để nuôi trông nhà, từ trưa 12.10 không biết nó đâu nữa, chắc nước lũ cũng cuốn nó đi rồi”, bà Tình nghẹn ngào.
|
Trông lũ rút để được về nhà
Trên quả đồi duy nhất chưa bị nước lũ nhấn chìm ở phía sau UBND xã Thạch Định, người dân chạy lũ dựng từng khóm lán tạm bằng những thanh củi lụt, tấm bạt làm mái che còn loang lổ vết phù sa từ nước lũ để tá túc qua ngày. 5 người trong gia đình bà Lưu Thị Lương (47 tuổi, ngụ tại xã Thạch Định) 3 ngày qua trú ngụ trong cái lán rộng chưa đầy 5 m2 đó. Có lẽ, tài sản giá trị nhất của gia đình bà Lương là con bò đang thứng (bò ở lứa tuổi sắp trưởng thành, đang tập cày) được di chuyển trước lũ đến nơi an toàn.
Theo bà Lương, trước khi lũ đổ về (ngày 11.10), loa phát thanh của xã thông báo liên tục cho bà con sẵn sàng sơ tán, tìm nơi cao để trú chân an toàn. Khi nước còn cách mặt đê hơn 1 m, cả gia đình bà tất tả chuẩn bị để định đến sáng sớm hôm sau sẽ sơ tán. Không ngờ lũ dâng cao, 19 giờ, nước đã tràn qua đê sông Bưởi, gia đình bà và hàng nghìn hộ dân buộc phải chạy lũ trong đêm.
“Cả nhà tôi đang ngồi ăn cơm tối thì điện mất, vừa thắp được cây nến bỗng nghe bà con xung quanh hô to “nước tràn rồi, tràn rồi”, sau đó tiếng còi rú báo động sơ tán khẩn cấp, tôi chạy ra đê cách nhà chừng 30 m thì thấy nước xối xả tràn qua đê. Vài phút sau, nước luồn qua cổng rồi dâng lên nhanh chóng. Vợ chồng tôi cố đưa các con lên đồi cách nhà chừng 300 m. 3 ngày nay bữa thì ăn mì tôm được người ta cứu trợ, bữa ăn cháo nấu từ gạo lụt”, bà Lương thở dài.
Dưới nền sân ẩm ướt của Trường THCS Thạch Định, một nhóm phụ nữ đang hì hục thổi lửa nấu cơm từ những ống gạo ướt vì nước lũ. Vo nắm rơm quây quanh nồi cơm để ủ cho chín, chị Trương Thị Ngoan (38 tuổi, ngụ xã Thạch Định gần 20 năm nay), cho biết các gia đình đều ăn ở chung với nhau những ngày qua. “Chúng tôi góp lại. Nhà nào có gạo, có nồi niêu, bát đũa thì gom lại sử dụng chung. Có bữa còn phải nhường nhau, chia bữa ăn thành từng đợt, chấp nhận người ăn trước, người ăn sau mới đủ bát đũa ăn. Nước thì hứng nước mưa, một phần được hỗ trợ từ chính quyền địa phương và các đoàn thể. Mọi người cùng cảnh ngộ nên giúp đỡ nhau, bữa ăn cháo, ăn cơm, bữa ăn mì tôm, chờ ngày nước rút để về nhà”, chị Ngoan chia sẻ.
Cơn lũ khủng khiếp
Đến ngày 13.10, may mắn lũ dữ chưa gây thiệt hại về người tại H.Thạch Thành, nhưng thiệt hại về kinh tế thì rất nặng nề. Ông Lê Văn Trinh, Chủ tịch UBND H.Thạch Thành, cho biết đây là lần đầu ông chứng kiến cơn lũ khủng khiếp như vậy, kể từ khi chuyển về huyện này công tác. Theo ông Trinh, huyện đã huy động lực lượng các xã không bị ảnh hưởng của lũ đến ứng cứu 6 xã nằm dọc đê sông Bưởi, đặc biệt là các xã Thạch Định và Thành Thọ. Cũng theo ông Trinh, ít nhất
3 ngày tới, người dân vùng ngập nặng chưa thể quay về nhà mình vì phải chờ nước lũ rút. Vì vậy, chính quyền huyện đã tiếp tế khẩn cấp lương thực, nước uống, đảm bảo người dân không bị đói, khát khi chạy lũ.
Đại úy Nguyễn Văn Hùng, Phó tham mưu trưởng Ban Chỉ huy quân sự H.Thạch Thành, cho biết 4 ngày qua, hàng trăm chiến sĩ của đơn vị ngày đêm túc trực giúp dân di chuyển tài sản, sơ tán người đến nơi an toàn. “Nhiều gia đình chỉ có hai ông bà già, chúng tôi không quản mưa gió để đến đưa ra khỏi vùng lũ. Chúng tôi hiểu, những lúc lũ lụt như thế này, người dân rất cần sự giúp đỡ, chung tay của cộng đồng”, đại úy Hùng nói.
Chúng tôi rời Thạch Thành khi nước trên sông Bưởi vẫn đang mấp mé mặt đê. Con đê này sau cơn “đại hồng thủy” năm 2007 đã được nhà nước đầu tư nâng cấp chắc chắn hơn, cao hơn, nhưng trước sức tàn phá ghê gớm của lũ dữ, không biết nó sẽ chịu đựng được đến lúc nào. Cuộc sinh tồn chung với lũ của người dân quả là gian khổ. Ngắn thì vài năm, dài thì mươi năm, họ lại phải chịu đựng một đợt lũ kinh hoàng như thế này. Cứ gượng dậy sau cơn lũ một thời gian, rồi một ngày nào đó, có thể lại bị cơn lũ khác tràn về cuốn sạch!
Bình luận (0)