Với sức gió lên đến 280 km/giờ hôm 22/9, bão Rita đã được nâng lên thành cấp 5, tức cấp độ cao nhất của Mỹ chỉ dành cho những cơn bão nào có tốc độ gió từ 250 km/giờ trở lên, mạnh hơn hẳn so với bão Katrina vừa qua chỉ ở cấp 4. Trong vòng 70 năm qua, chỉ có 3 cơn cuồng phong như vậy đổ bộ vào Mỹ, đó là Andrew năm 1992, Camille năm 1969 và một cơn bão không được đặt tên tràn vào hạ Florida năm 1935. Các chuyên gia thời tiết khẳng định Rita là cơn bão mạnh thứ 3 trong lịch sử ghi nhận được tại Đại Tây Dương dựa trên áp suất trung tâm của nó. Tốc độ gió tăng lên khi áp suất bên trong của trận cuồng phong (được tính bằng đơn vị millibar) giảm, kéo áp suất không khí cao vào bên trong tâm bão vốn có áp suất thấp. Với áp suất 898 millibar, Rita chỉ xếp sau bão Gilbert năm 1988 (888 millibar) và Labor Day năm 1935 (892 millibar). Ông M.Mayfield, Giám đốc Trung tâm Bão quốc gia Hoa Kỳ, cho biết nếu tiếp tục duy trì sức gió như vậy, Rita "có thể còn dữ dội hơn Katrina". Dự báo Rita sẽ bắt đầu đổ bộ vào đất liền vào sáng sớm ngày mai (giờ địa phương), ở khoảng giữa thành phố Corpus Christi và Galveston của Texas, bang lớn thứ 2 của Mỹ, qua đó gây nguy hại đến Houston - thành phố lớn nhất bang này. Tuy nhiên, do sức gió quá mạnh và "kích cỡ" quá lớn của cơn bão (rộng 600 km), nên bão có thể ảnh hưởng đến nhiều khu vực xa xôi khác, kể cả Louisiana, nơi các nỗ lực khôi phục thảm họa Katrina chỉ mới bắt đầu.
Rút kinh nghiệm sau khi bị chỉ trích nặng nề trong "vụ Katrina", Nhà Trắng đã ban bố tình trạng khẩn cấp tại cả 2 bang Texas và Louisiana, đồng thời lệnh cho Cơ quan Xử lý tình trạng khẩn cấp liên bang đưa lực lượng cứu hộ đến 2 bang này. "Chúng ta hy vọng và cầu nguyện rằng Rita sẽ không trở thành một cơn bão tàn phá khủng khiếp, nhưng chúng ta phải chuẩn bị cho tình huống xấu nhất", Tổng thống Bush đã tuyên bố thận trọng như vậy. Giới chức liên bang đã đặt một lượng lớn xe tải, lương thực, thuốc men... trong tình trạng sẵn sàng tại Texas. Được cảnh báo đây có thể là cơn bão mạnh nhất từ trước đến nay quét qua Texas, Thống đốc R.Perry hôm qua đã yêu cầu cư dân tại các khu vực duyên hải trong bang mình bắt đầu kế hoạch di tản khẩn cấp bởi nếu chờ đến hôm nay sẽ quá trễ. Phần lớn cư dân Galveston đã ra đi, bỏ lại phía sau nhà cửa và cơ sở làm ăn. Tại vịnh Mexico, các công ty dầu khí đã di tản hơn 600 giàn khoan dầu và tạm ngưng đến 70% việc sản xuất dầu ở đây.
Xuân Anh
(Theo CNN, BBC, AFP)
Bình luận (0)