Nghi thức tuyên thệ được tiến hành vào trưa 20.1 (giờ địa phương, tức khuya cùng ngày, giờ Việt Nam) trước tòa nhà quốc hội Mỹ tại Đồi Capitol dưới trời mưa lất phất. Với tân Đệ nhất phu nhân Melanie, nền nã trong bộ váy màu xanh cắt theo kiểu cổ điển, đứng bên cạnh, ông Trump trang trọng tuyên thệ bằng cuốn Kinh thánh từng được Tổng thống thứ 16 Abraham Lincoln sử dụng.
Theo CNN, buổi lễ được chủ trì bởi Chủ tịch Ủy ban Quốc hội đảm trách các lễ nhậm chức Roy Blunt còn nghi thức tuyên thệ do Chánh án Tòa tối cao John Roberts điều hành. Trong sự kiện trọng đại này, ca sĩ 16 tuổi Jackie Evancho, nổi tiếng từ chương trình America’s Got Talent (Tài năng nước Mỹ), vinh dự được chọn hát quốc ca. Sau lễ tuyên thệ là hàng loạt hoạt động chào mừng tân tổng thống như diễu hành, dạ tiệc và hòa nhạc kéo dài đến tận đêm (trưa nay 21.1, giờ Việt Nam).
tin liên quan
[Chùm ảnh] Ngày nhậm chức của ông Trump: Người cũ đón người mới"Tất cả bắt đầu từ hôm nay", ông Donald Trump viết lên Twitter trước thời khắc tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Mỹ ngày 20.1.
Nỗ lực đoàn kết đất nước
Trước khi đến Đồi Capitol, vợ chồng Tổng thống Trump đã đến Nhà Trắng để dự tiệc trà, cà phê thân mật với người tiền nhiệm Barack Obama tại sảnh North Portico. Hình ảnh trực tiếp trên truyền hình cho thấy, ông Obama và bà Michelle tươi cười đứng đón ông Trump và bà Melanie. Sau đó, hai bên cùng đi chung đoàn xe để đến địa điểm diễn ra những nghi thức chính. Điều đáng chú ý là từ lúc đó, hơn 90 nhân viên chính thức của Nhà Trắng chỉ có gần 6 tiếng đồng hồ để tất bật dọn dẹp, trang trí lại 132 phòng để chào đón gia đình tân tổng thống, theo CNN.
Mặt khác, sau khi kết thúc lễ tuyên thệ của người kế nhiệm, gia đình ông Obama đến căn cứ quân sự Andrews ở Maryland để có bài phát biểu chia tay, chính thức trở lại đời sống của những công dân bình thường.
Theo thông lệ, các cựu tổng thống thường tham dự lễ nhậm chức, nhưng điều này không bắt buộc. Bên cạnh vợ chồng ông Obama còn có sự hiện diện của các cựu tổng thống Bill Clinton, George W.Bush và Jimmy Carter. Cựu ngoại trưởng Hillary Clinton, người thất bại trước ông Trump trong cuộc bầu cử hồi tháng 11.2016, cũng có mặt. Trong khi đó, hơn 50 hạ nghị sĩ đảng Dân chủ tẩy chay lễ nhậm chức của ông Trump. Một số người tuyên bố thay vào đó, họ sẽ tham gia cuộc biểu tình Women’s March diễn ra vào ngày 21.1, dự kiến thu hút tới 200.000 người.
Trước đó, mở màn chuỗi sự kiện lễ nhậm chức, ông Trump đã cùng Phó tổng thống Mike Pence tới đặt vòng hoa tại Nghĩa trang quốc gia Arlington và dự buổi hòa nhạc mang tên “Biến nước Mỹ vĩ đại trở lại”, vốn là khẩu hiệu tranh cử của ông, tại Đài tưởng niệm Lincoln. Tờ The Washington Post dẫn lời ông phát biểu vào cuối buổi hòa nhạc rằng chiến thắng của ông xuất phát từ mong muốn của người dân về “sự thay đổi thật sự”. Ông Trump cũng khẳng định mình có thể đoàn kết đất nước sau thời gian dài chia rẽ trong chính trường lẫn xã hội.
|
An ninh tối đa
Theo ước tính sơ bộ, khoảng 800.000 - 900.000 người đổ về trung tâm thủ đô Washington D.C để chứng kiến lễ nhậm chức của ông Trump. Từ mờ sáng, người ta đã xếp hàng dài tại các điểm kiểm soát an ninh quanh tòa nhà quốc hội bất chấp thời tiết lạnh giá. “Đây là một khoảnh khắc lịch sử. Tôi muốn sau này có thể kể lại rằng tôi là một trong những người đầu tiên có mặt”, một người ủng hộ Tổng thống Trump tên Carl Beams háo hức nói với Reuters. Ông cũng bày tỏ niềm tin tân tổng thống sẽ có thể gắn kết đất nước và đang nỗ lực để hiện thực hóa những thông điệp của mình.
Tuy nhiên, cũng có không ít người tập trung để phản đối tân chủ nhân Nhà Trắng vì những quan điểm chính sách gây tranh cãi mà ông đã thể hiện thời gian qua. Giới chức an ninh Mỹ ước tính có khoảng 100 tổ chức khác nhau đã lên kế hoạch biểu tình ủng hộ hoặc phản đối ông Trump. Theo tường thuật của Reuters, nhiều thành viên nhóm Disruptive J20 bị cảnh sát chống bạo động áp giải đi sau khi họ cố đứng chặn trước các chốt an ninh để ngăn khán giả vào xem buổi lễ. Ngoài ra, khoảng 500 người ném đá vỡ cửa kính một số cửa hàng nhưng nhanh chóng giải tán khi lực lượng an ninh đến nơi.
Đã lường trước được tình hình nên giới chức siết chặt an ninh tối đa. Chính quyền sở tại dựng hàng loạt rào chắn dọc đại lộ Pennsylvania. Đây là tuyến đường mà đoàn xe tổng thống diễu hành sau lễ tuyên thệ. Tờ USA Today đưa tin có tới khoảng 28.000 nhân viên an ninh được triển khai bảo vệ lễ nhậm chức, trong đó có gần 8.000 người được điều từ Lực lượng Vệ binh quốc gia và tầm 3.000 người từ các cơ quan an ninh trên toàn quốc. Nhà chức trách cũng đã thiết lập mạng lưới máy quay an ninh rộng khắp thủ đô cũng như lắp đặt nhiều công nghệ hiện đại khác, bao gồm hệ thống chống máy bay không người lái.
Mọi tuyến đường xung quanh Đồi Capitol cũng tạm thời bị phong tỏa. Lực lượng phòng vệ bờ biển tham gia tuần tra dọc sông Potomac, trong khi trực thăng cảnh sát quần đảo liên tục trên bầu trời. Các biện pháp an ninh cũng được triển khai nhằm bảo vệ khách sạn Trump International Hotel của ông Trump mới được khai trương ở đại lộ Pennsylvania.
Về người biểu tình, cảnh sát sẽ không có động thái ngăn chặn nếu họ tuần hành ôn hòa và đúng luật. Tuy nhiên, Reuters dẫn lời quyền cảnh sát trưởng thủ đô Peter Newsham cho biết lực lượng an ninh cố gắng không để 2 phe ủng hộ và phản đối Tổng thống Trump chạm mặt nhằm tránh khích bác nhau dẫn đến đụng độ.
tin liên quan
Ông Donald Trump tuyên thệ nhậm chức Tổng thống MỹÔng Donald Trump ngày 20.1 tuyên thệ nhậm chức, chính thức trở thành vị Tổng thống thứ 45 của Mỹ. Ông phát biểu: "Nước Mỹ là trên hết".
Người được bảo vệ nghiêm ngặt nhất
Trong suốt lễ nhậm chức ngày 20.1, người được bảo vệ nghiêm ngặt nhất thật ra không phải tân Tổng thống Donald Trump hay những người tiền nhiệm mà là một thành viên được giữ kín danh tính trong nội các. Theo tờ 20 minutes, nhân vật này được lựa chọn làm “người chỉ định sống sót”, để trở thành tổng thống Mỹ trong trường hợp tất cả quan chức cấp cao đều thiệt mạng trong một vụ tấn công. Đây là nguyên tắc đặc trưng của Mỹ, được áp dụng trong các sự kiện quan trọng đòi hỏi sự tham gia của hầu hết lãnh đạo cấp cao, nhằm tránh rơi vào tình trạng “rắn mất đầu” khi có biến cố.
“Người chỉ định sống sót” thường là thành viên hàm bộ trưởng trong nội các và đảm bảo những tiêu chuẩn để có thể trở thành tổng thống theo hiến pháp. Danh tính của người này sẽ được giữ bí mật tuyệt đối đến những giây phút cuối cùng. Trong lúc sự tập trung của cả nước Mỹ hướng về Đồi Capitol và Nhà Trắng, “người chỉ định sống sót” sẽ được lặng lẽ hộ tống đến địa điểm trú ẩn bí mật.
“Tôi ngồi trước màn hình ti vi lớn trong căn phòng bí mật và theo dõi sự kiện đang diễn ra. Do quy định bảo mật, tôi không thể tiết lộ cụ thể nhưng đó là một nơi bí mật và cực kỳ an toàn”, NBC dẫn lời cựu bộ trưởng Nội vụ Gale Norton, “người chỉ định sống sót” trong lễ nhậm chức năm 2005 của Tổng thống George W.Bush kể.
Văn Khoa
|
Quy trình chuyển giao vali hạt nhân
Trong ngày ông Donald Trump trở thành tổng thống thứ 45 của Mỹ, một trợ lý quân sự mang “vali hạt nhân” đi cùng Tổng thống Barack Obama tới dự lễ nhậm chức, theo BBC.
Vào thời điểm Tổng thống Trump tuyên thệ, viên trợ lý được giữ kín danh tính này sẽ mang chiếc vali lặng lẽ di chuyển đến bên cạnh ông.
Từ giây phút đó, ông Trump sẽ là người duy nhất tại Mỹ có quyền ra lệnh phát động tấn công hạt nhân.
Theo tờ The Washington Post, bên trong vali không có nút bấm hay công tắc như nhiều người nghĩ mà chứa tài liệu liên quan để tổng thống suy xét trước khi ra quyết định và mật mã xác thực lệnh khai hỏa. Tài liệu hướng dẫn được cho là giống một cuốn thực đơn nhưng thay vì chọn món ăn, tổng tư lệnh Mỹ sẽ lựa chọn những thành phố hoặc cơ sở quân sự của nước thù địch để tấn công.
AP dẫn lời cựu giám đốc Văn phòng quân sự Nhà Trắng Bill Gulley cho biết thêm vali còn chứa tài liệu về những vị trí trú ẩn tuyệt mật cho tổng thống cũng như hướng dẫn cách vận hành Hệ thống báo động khẩn cấp.
Minh Trung
|
Bình luận (0)