(Tin Nóng) Mỹ tiếp tục là nước tiêu thụ nhiều vang nhất thế giới, còn Ý dẫn đầu bảng xếp hạng người uống nhiều vang nhất trong năm, theo kết quả mới nhất của cuộc điều tra thị trường toàn cầu do International Wine and Spirits Research (IWSR) thực hiện.
|
Sau khi tiến hành điều tra tại 114 thị trường tiêu thụ vang và 28 nước chuyên sản xuất vang, các nhà phân tích thuộc International Wine and Spirits Research (IWSR) đã có một bức tranh toàn cảnh về thị trường vang toàn cầu.
Theo những số liệu mới nhất, năm 2014 qua, người sành điệu thưởng thức vang tại thị trường Mỹ đã uống hết 339,6 triệu thùng vang (tổng dung lượng 9 lít; 75 cl/chai; 12 chai/thùng), tổng giá trị 29,5 tỉ USD. Theo đà này, đến năm 2018, số vang tiêu thụ tại Mỹ sẽ tăng thành 377,9 triệu thùng, tổng trị giá 33,2 tỉ USD.
Xếp sau Mỹ là các thị trường Pháp (hạng nhì với 296,4 triệu thùng); Ý (hạng 3); Đức (hạng 4) và Trung Quốc (gồm cả Hồng Kông, hạng 5 với 144,8 triệu thùng, tăng 69% kể từ năm 2009).
Chương trình điều tra, thực hiện theo đơn đặt hàng của Vinexpo, một tổ chức chuyên về hội chợ, triển lãm và kinh doanh vang quốc tế, còn cho biết người dân thế giới ngày càng thích uống vang: Từ 2009 đến 2013, tổng lượng vang tiêu thụ toàn cầu đã tăng 2,7%, tức tiêu thụ nhiều hơn 31,7 tỉ chai vang.
Một trong những lý do giải thích vang tăng hấp lực nhờ được biết đây là thức uống có cồn không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe con người nếu uống thật điều độ. Dự báo từ 2014-2014, tiêu thụ vang khắp thế giới sẽ tăng thêm ít nhất 1%, người ở mọi nơi cộng chung uống thêm 32,78 tỉ chai vang.
Năm 2013, các dòng vang sủi tăm (sparkling wine) như cava (của Tây Ban Nha), prosecco (của Ý) chiếm khoảng 8% tổng số vang tiêu thụ khắp thế giới. Cũng trong năm 2013, số vang sủi tăm được gọi chung là Champagne (chỉ riêng những chai vang sủi tăm sản xuất tại vùng Champagne, Pháp mới được gán nhãn Champagne) đã giảm 1,4%, chủ yếu do tiêu thụ giảm sút tại Pháp, Mỹ và Anh, hệ lụy từ suy thoái kinh tế.
Nhưng đó là chuyện buồn của năm 2013 vì theo số liệu mới được Comité Champagne (Pháp) công bố thì năm 2014 qua, lượng Champagne đã tiêu thụ mạnh trở lại, tăng 1% so với năm 2013 với 308 triệu chai, tổng giá trị khoảng 5,2 tỉ USD (4,5 tỉ Euro). Đây là mức tiêu thụ cao thứ hai sau kỷ lục lập năm 2007 (bán được số Champagne trị giá 4,56 tỉ Euro). Bốn thị trường tiêu thụ nhiều Champagne nhất thế giới là Anh, Mỹ, Úc và Nhật. Thị trường Đức có dấu hiệu tăng trong khi thị trường Pháp tiếp tục giảm tiêu thụ năm thứ tư liên tiếp.
|
Giới chuyên ngành tin rằng do Mỹ vẫn sẽ tiếp tục là thị trường tiêu thụ nhiều vang nhất thế giới trong 4 năm tới nên các nhà sản xuất, kinh doang vang của châu Âu và của các nước Argentina, Chile, Úc, New Zealand, Nam Phi, Israel... sẽ chuyển hướng quảng bá, phân phối sản phẩm của họ nhiều hơn tại Mỹ trong năm 2015 và 2016.
Khi tính về tiêu thụ vang theo đầu người thì người Ý chính là những người yêu vang nhất thế giới. Trung bình mỗi người Ý uống hết 48,1 lít vang/năm. Sau đó là người Pháp (47 lít), người Thụy Sĩ, người Bồ Đào Nha, người Áo, người Anh (24 lít). Lượng vang tiêu thụ chia theo đầu người tại Mỹ rất khiêm tốn, chỉ khoảng 10 lít.
Thế nhưng do tác động của kinh tế, các nhà phân tích dự báo từ 2014-2018, mức tiêu thụ vang tính trên đầu người tại Ý sẽ giảm 6%. Có nghĩa là đến năm 2018, người Pháp sẽ là người thích uống vang nhất thế giới. Và chỉ trong ba năm nữa thôi, Đức sẽ vượt qua Ý mà xếp hạng ba trong số những thị trường tiêu thụ nhiều vang nhất thế giới.
Nhìn chung 55% cư dân địa cầu thích uống các dòng vang đỏ và 45% chuộng vang trắng. Đáng chú ý là vang hồng (rosé) nay bán khá chạy ở Pháp, Anh và Mỹ.
P. Nguyễn Dũng
(tổng hợp)
>> 17-19.7: Lễ hội Nho và Vang 2014 tại Ninh Thuận
>> Khi Điện Élysée bán đấu giá... vang
>> Chai vang và nút gỗ, nút kim loại
>> Úc thúc đẩy "du lịch rượu vang
>> Sống giữa “hơi thở” của rượu vang
>> Đến Adelaide thưởng thức rượu vang
Bình luận (0)