Chính biến xảy ra ngay sau khi ông Boris Yeltsin ký sắc lệnh số 1400 về việc “từng bước cải cách hiến pháp” vào ngày 21.9.1993, giải tán Xô viết tối cao và Đại hội đại biểu nhân dân. Việc Tòa án hiến pháp phán quyết tổng thống vi hiến và công nhận đó là cơ sở để có thể bãi nhiệm tổng thống, trao quyền lực tạm thời cho phó tổng thống Aleksandr Rutskoy là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến cuộc giao tranh đẫm máu.
Những khoảnh khắc lịch sử
Ngay trong đêm 21.9, sau khi Tòa án hiến pháp công nhận tổng thống Boris Yeltsin có hành vi vi hiến và ông Rutskoy nhận chức danh quyền tổng thống, các đường dây liên lạc từ bên ngoài với Nhà Trắng (tòa nhà Quốc hội Nga) đã bị cắt đứt. Theo lời ông Rutskoy, khi đó trong Nhà Trắng có khoảng 10.000 người, kể cả những nhân viên phục vụ và điều hành tòa nhà.
“Chính biến 1993” là cụm từ người Nga gọi cuộc đụng độ đổ máu đầu tháng 10-1993 tại Matxcơva, giữa một bên là những người ủng hộ tổng thống LB Nga lúc ấy là Boris Yeltsin và bên kia là quốc hội, gồm chủ tịch Xô viết tối cao Ruslan Khasbulatov, phó tổng thống Aleksandr Rutskoy. |
Thế nhưng lời kêu gọi của giáo trưởng không làm dịu bớt sự căng thẳng. Ngược lại, ngày 3.10, khoảng 10.000-15.000 người tham gia mittinh trên quảng trường Đỏ đã cướp một số xe cơ giới của lực lượng Bộ Nội vụ. 15g15 cùng ngày, bắt đầu diễn ra cuộc dỡ bỏ các chướng ngại vật giăng hàng quanh Nhà Trắng. Sau đó, từ bancông Nhà Trắng, phó tổng thống Rutskoy ra lệnh tấn công tòa thị chính thành phố và chiếm tháp truyền hình Ostankyno. 16g14: xảy ra trận đụng độ lớn bên ngoài tòa thị chính và khách sạn Hòa bình. Sau đó, hai điểm này đều bị chiếm.
Lập tức, tổng thống Nga phản công. Vào 18g, ông Yeltsin tuyên bố tình trạng khẩn cấp, bãi nhiệm Rutskoy khỏi chức vụ phó tổng thống. Cuối ngày, toàn bộ các kênh truyền hình, trừ kênh Rossia, ngừng hoạt động.
Những khoảnh khắc bị bỏ lỡ
Hồi tưởng lại 15 năm trước, cựu chủ tịch Xô viết tối cao Ruslan Khasbulatov cho biết tới đầu tháng mười năm đó, phía của ông đã “làm tất cả những gì có thể”: các khu vực nổi dậy chống Yeltsin, đòi bãi bỏ sắc lệnh trên và đàm phán. Thậm chí vùng Siberia còn dọa cúp các đường ống dẫn khí đốt và đình chỉ giao thông đường sắt. Tuy nhiên, quân đội, KGB (an ninh Nga) và Bộ Nội vụ đã đứng về phía ông Yeltsin, chưa kể tiền lương của quốc hội cũng nhận được từ kênh chính phủ.
Georgy Satarov, thành viên Hội đồng tổng thống vào năm 1993, cho rằng mọi xung đột không thể giải quyết bằng hòa bình - điều đó đã rõ ngay sau cuộc trưng cầu ý dân tháng 4.1993 (khi ấy Yeltsin giành được phần lớn sự ủng hộ của dân chúng về công cuộc cải cách cơ cấu chính phủ của mình), khi Khasbulatov và Rutskoy tìm mọi cách phủ nhận kết quả của cuộc trưng cầu. Họ phao tin: ủng hộ Yeltsin chỉ toàn những con nghiện.
Rồi đến tháng năm, những động thái chống đối ngày càng tăng lên, kết thúc bằng sự kiện một cảnh sát bị sát hại. Theo lời Satarov, ngay thời điểm đó, giá như Yeltsin lợi dụng cơ hội ấy mà giải tán ngay Xô viết tối cao, tuyên bố bầu cử thì ông đã thắng tuyệt đối và tránh được sự kiện 4.10. Theo Satarov, việc chậm trễ và không quyết đoán của Yeltsin đã đẩy sự kiện đến việc giải quyết vấn đề bằng bạo lực.
Nikita Maslennikov, năm ấy là cố vấn thủ tướng Chernomyrdin, kể lại vào đêm nhận được lệnh tấn công Nhà Trắng, những cộng sự của Chernomyrdin đều ở lại văn phòng và hầu như không chợp mắt. Đôi khi họ ngả đầu nghỉ tạm trên những cuốn sách luật to đùng của thời Xô viết! Một người trong số họ đã thốt lên: “Nhiều năm nữa, nhớ lại ngày này sẽ rất hổ thẹn!”.
Binh sĩ từ chối chiến đấu
Anatoly Ermolin, chỉ huy lực lượng đặc nhiệm dự bị “Cờ hiệu”, kể khi Yeltsin ra lệnh cho tướng Gerasimov chuẩn bị tấn công những kẻ “nổi loạn” (theo cách nói của Yeltsin), vị tướng này đã tìm cách từ chối nhiệm vụ “đao phủ” bằng cách than vãn lực lượng quá mỏng, nhưng tổng thống không nghe. Tướng Gerasimov đành tập hợp lực lượng, đề nghị những người tình nguyện bước lên phía trước nhưng không ai làm việc đó. Cuối cùng, khi ông nói: “Chỉ có chúng ta và lực lượng Alfa mới có thể chiếm lĩnh Nhà Trắng mà không có đổ máu”, thì đến 2/3 quân số bước lên. Và trong khi tấn công Nhà Trắng, những người lính luôn miệng kêu: “Đây là Cờ hiệu, sẽ không có đổ máu!”. Sau đó, lực lượng Alfa cũng xuất hiện.
Thế nhưng, trên thực tế, trong những ngày tháng mười ấy, ở Matxcơva vẫn có đổ máu! Theo số liệu chính thức, 130 dân thường thiệt mạng, 321 người bị thương; 28 người thuộc các lực lượng vũ trang đã tử nạn, 102 người bị thương. Riêng ông Khasbulatov trả lời phỏng vấn báo Moskovsky Komsomolets lại cho rằng số người chết lên đến 1.500 người.
Và vị cựu chủ tịch Xô viết tối cao phủ nhận mọi lời buộc tội nhắm vào mình. Trong sự việc đẫm máu này, ông cho rằng Yeltsin có tội, ngay cả những người đồng chí của ông thời ấy cũng có tội, chỉ có ông là lương tâm trong sạch, hơn thế, con đường sự nghiệp công danh còn hoàn toàn bị đứt gánh giữa đường vì chính biến này (!). Nhưng cho dù con số người thiệt mạng là 150 hay 1.500 thì chính biến 1993 đối với nước Nga cũng là một sự kiện kinh khủng, và sự kiện này đã ghi vào tiểu sử của nhiều người, trước nhất là Boris Yeltsin, những dòng không mấy tự hào.
Ngày nay, rất nhiều người cho rằng trong chính biến 1993, phía đối lập với Yeltsin không phải không có cơ hội chiến thắng hay chí ít là đi đến kết cục: hòa. Và nếu điều đó xảy ra, Yeltsin khó có cơ hội tái cử vào năm 1996.
Nhưng chính trường không có chỗ cho từ “nếu”. Ngày 4.10 năm ấy, sau khi đưa xe tăng vào cuộc, quân đội phía Yeltsin đã thắng thế và những người tham gia chính biến bị bắt giam (năm 1994 họ được ân xá mà không qua xét xử). Hệ thống quyền lực ở nước Nga từ đó hoàn toàn thay đổi: nước Nga trở thành một nước mà quyền hạn tập trung ở tổng thống.
Thụy Anh/ Báo Tuổi Trẻ
Bình luận (0)