Nước nông nghiệp sao ồ ạt nhập nông sản?: Bất công và nguy hiểm

31/01/2010 22:59 GMT+7

VN nhập khẩu nông sản, nhìn tổng quan có thể là một việc hết sức bình thường trong thời kỳ hội nhập. Thế nhưng như loạt bài của chúng tôi đã phản ánh, khi đây là thị trường của VN, nông sản là thế mạnh của VN, thậm chí được xem là mũi nhọn để cạnh tranh với quốc tế, thì tình trạng nông sản VN lép vế trước nông sản ngoại ngay trên thị trường nội địa là điều bất thường và hết sức nguy hiểm. Nếu chúng ta vẫn dửng dưng trước tình trạng ồ ạt xâm lấn của nông sản ngoại thì sẽ đến lúc trở tay không kịp.

“Nước chảy chỗ trũng”

Bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế, phân tích: “Hiện nay chúng ta có khoảng 70% dân số sống ở nông thôn và dựa vào nông nghiệp nhưng đất đai dành cho nông nghiệp không nhiều, lại đang bị thu hẹp để đáp ứng nhu cầu phát triển các ngành kinh tế khác cũng như nhu cầu khác cho phát triển đất nước. Và đất đai nông nghiệp lại được phân chia cho rất nhiều hộ khác nhau, mỗi hộ có được vài ba mảnh ruộng nho nhỏ nên phải tổ chức làm ăn manh mún, nhỏ lẻ nên khó có thể áp dụng khoa học công nghệ, cơ giới hóa hoặc các phương thức khác để làm cho sản xuất phát triển mạnh mẽ hơn”.

Tiến sĩ Vũ Trọng Khải, nguyên Hiệu trưởng trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, cũng có cùng nhận định: “Việc VN nhập khẩu ồ ạt nông sản như “nước chảy chỗ trũng”, vì nông sản của ta yếu kém ở cả chất lượng và tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, nên người tiêu dùng đi tìm sản phẩm tốt hơn. Nhiều loại nông sản VN có trồng, nhưng phải nhập do chúng ta sản xuất hàng hóa không theo quy mô đáng kể. Người tiêu dùng muốn mua mà lại không có để mua. Bên cạnh chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, nông sản VN còn yếu ở khâu phân phối, công nghiệp chế biến, giá chưa phù hợp và không đủ lượng cung cấp cho thị trường. Nói chung, mọi thứ hầu như chúng ta đều không thể đáp ứng”.

“Giải pháp lâu dài là phải nâng cao chất lượng sản phẩm nông sản, tăng cường sức cạnh tranh. Nếu không làm được thì không xứng đáng là một nước nông nghiệp”.

Ông Hoàng Thọ Xuân, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương)
Trong khi đó, việc áp dụng những rào cản kỹ thuật trong khuôn khổ WTO cho phép lại chưa được các cơ quan chức năng vận dụng linh hoạt. Người nông dân nước ta đang phải đứng trước một sự cạnh tranh không lành mạnh, rất bất công và đáng lo ngại khi mà hàng hóa ngoại nhập chưa được kiểm soát chặt chẽ. Nông sản kém chất lượng ồ ạt tràn vào trong nước, có phần lỗi của các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực này và qua đó gây hại cho nông dân. Đơn cử như trong năm 2009, thịt bẩn nhập khẩu ồ ạt tràn vào VN, khiến người chăn nuôi trong nước khốn đốn. Phải đến khi các bộ ngành quản lý ban hành tiêu chuẩn ngặt nghèo thì lập tức hạn chế được nguồn thịt này.

Liên tiếp gần đây chúng ta phải chịu nhiều vụ kiện bán phá giá và những quy định mới về yêu cầu chất lượng hàng hóa của các thị trường xuất khẩu. Đây thực chất là những rào cản vô hình mà các nước đã dựng lên để bảo vệ thị trường của họ. Còn chúng ta đang quá vô tư với tác động từ hàng hóa ngoại nhập.

Phải ngăn chặn hàng lậu, tổ chức lại sản xuất

Tiến sĩ Vũ Trọng Khải nói: “Giải pháp trước mắt và lâu dài là phải tổ chức lại sản xuất. Sản xuất nông nghiệp trên quy mô lớn và dựa vào công nghệ cao sẽ giải quyết được những tồn tại hiện nay. Do đó, Nhà nước cần phải cho nông dân tích tụ ruộng đất để có được năng suất cao; có chính sách đào tạo nông dân; doanh nghiệp cũng phải tham gia vào quá trình đào tạo nông dân... để làm sao hình thành một tầng lớp nông dân có tri thức. Trong thời gian tới, các hiệp định thương mại tự do với các nước trong khu vực có hiệu lực, nông sản sẽ vào VN nhiều hơn. Nhưng để ngăn chặn tình trạng nhập khẩu nông sản tràn lan, ngoài chuyện nền nông nghiệp của chúng ta phải tự lớn lên, còn có việc VN phải xây dựng hàng rào kỹ thuật. Trái cây Trung Quốc nếu kém phẩm chất thì không cho vào. Rau củ có hàm lượng thuốc trừ sâu cao thì không cho nhập”.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Ngãi, Trưởng khoa Kinh tế (ĐH Nông Lâm TP.HCM), đề xuất: “Trước mắt phải tăng cường kiểm soát nông sản qua đường biên giới. Còn lâu dài là phải tăng sức cạnh tranh cho hàng nông sản VN, bằng cách cải tiến công tác giống cây trồng; nâng cao an toàn vệ sinh thực phẩm; công nghệ canh tác chuẩn hơn... nhằm cho năng suất cao, chất lượng đảm bảo, giá thành thấp. Nếu không làm được điều này, chúng ta sẽ tiếp tục thua. VN là nước sản xuất nông nghiệp, tiềm năng phát triển để đóng góp vào sự phát triển của kinh tế là rất lớn, nếu không khai thác được lợi thế này thì rất lãng phí”.

Ông Hoàng Thọ Xuân, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương), cho rằng biện pháp kiểm soát hàng nông sản ngoại nhập tốt nhất là làm sao để người tiêu dùng trong nước thấy sản phẩm nông sản VN ngon, bổ, rẻ hơn. Như vậy mới đánh bại được nông sản nhập khẩu. “Là một nước nông nghiệp, vậy mà nông sản nào cũng có thể nhập là một điều rất đáng hổ thẹn cho nền nông nghiệp VN”, ông Xuân nhìn nhận. Theo ông, giải pháp trước mắt là kiểm soát vấn đề buôn lậu. “Tuy nhiên, đây là một giải pháp khá khó khăn, vì buôn lậu hàng nông sản chủ yếu đi đường biên mậu, rất phức tạp. Đây là chuyện đau đầu của Bộ Công thương. Hàng nông sản nhập lậu là vấn đề rất nguy hiểm, không chỉ gây tác hại xấu tới nền nông nghiệp, mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng nếu không kiểm soát được chất lượng của sản phẩm. Còn việc kiểm soát bằng hàng rào kỹ thuật, thuế quan, đối với nông sản cũng là điều không dễ”, ông Xuân nói. 

Quang Thuần - Quang Duẩn - N.T.Tâm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.