Nuôi con bằng sữa mẹ

05/08/2009 10:58 GMT+7

(TNTT>) Từ ngày 1 đến 7-8, tuần lễ nuôi con bằng sữa mẹ được phát động trên toàn thế giới một lần nữa nói lên tầm quan trọng của nguồn sữa mẹ quý giá và không gì có thể thay thế.

Hiện nay, dù chị em phụ nữ đã ý thức được phần nào tầm quan trọng của sữa mẹ với các em bé, đặc biệt là trẻ mới sinh nhưng vì lý do này lý do kia, vẫn có những em bé không được bú mẹ hay chỉ được bú mẹ trong thời gian quá ngắn.

Trăm lý do để Không cho con bú mẹ

Chị Lan Anh (27 tuổi) vừa sinh bé Bi được hơn 2 tháng nhưng đã nhất quyết cai sữa con. Lý do được chị đưa ra là có rất nhiều loại sữa tốt trên thị trường có thể cung cấp đủ dinh dưỡng cho bé, nhiều em bé “chẳng bao giờ được bú sữa mẹ nhưng vẫn lớn lên khỏe mạnh, mập mạp đó thôi”. Nhưng nguyên nhân chính là chị muốn cai sữa con sớm một chút để tiện việc ăn kiêng lấy lại vóc dáng mảnh mai trước kia, chị sợ cho con bú nhiều sẽ ảnh hưởng xấu đến vòng 1. Dù rất không vừa lòng nhưng chồng chị cũng chẳng có cách nào thay đổi quyết định của vợ.

Khác với chị Lan Anh, chị Hoa cho con bú liên tục trong suốt thời gian nghỉ thai sản và cũng không muốn con mình phải cai sữa quá sớm. Thế nhưng, khi bắt đầu đi làm lại, công việc tại một văn phòng đại diện của nước ngoài đã chiếm quá nhiều thời gian của chị. Có những ngày, chị đi làm từ 8 giờ sáng đến 8, 9 giờ tối mới về. Bé Bông – con chị khóc đòi sữa mẹ, vậy là người thân ở nhà đành cho bé bú sữa bình. Tìm một công việc mới cũng không phải là điều dễ dàng nên suy đi nghĩ lại, chị cai sữa cho con khi bé mới 6 tháng tuổi.

Nhiều bà mẹ khác thì cho rằng sau 6 tháng, sữa mẹ đã nhạt đi, có cho bé bú thêm cũng chẳng mang lại lợi ích gì nhiều nên khi các bé được khoảng 6 tháng đến 1 tuổi, họ đã tiến hành cai sữa cho con.

Ý nghĩa của việc nuôi con bằng sữa mẹ

Nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong sáu tháng đầu đời và tiếp tục cho bé bú đến ít nhất 2 năm tuổi sẽ mang lại nhiều lợi ích về sức khỏe, bảo vệ cho trẻ tránh các bệnh như: suy dinh dưỡng, viêm phổi, tiêu chảy... Theo Tổ chức Y tế Thế giới, sữa mẹ cung cấp 100% nhu cầu dinh dưỡng cho trẻ trong giai đoạn 6 tháng đầu; rồi 50% nhu cầu ấy cho giai đoạn từ 6 đến 12 tháng tuổi. Trong năm thứ hai, sữa mẹ vẫn còn có thể cung cấp 33% nhu cầu dinh dưỡng cho trẻ.

So với tất cả các loại sữa khác, sữa mẹ là sản phẩm tự nhiên hoàn hảo nhất, dồi dào nhất, an toàn nhất và rẻ tiền nhất cho trẻ thơ. Cho con bú còn thể hiện những cử chỉ âu yếm yêu thương thiêng liêng mà mọi người phụ nữ có con nhỏ nên thực hiện. Đó là chưa nói đến việc những người mẹ cho con bú có thể giảm rất nhiều khả năng mắc bệnh ung thư vú, cho dù họ ở độ tuổi nào đi nữa.

Hỏi: Con tôi mới 3 tháng rưỡi tuổi nhưng bà ngoại đã giục tôi phải tập cho bé ăn dặm. Có những lúc bà ở nhà một mình với cháu, bà còn xé thịt gà cho bé tập nhai hoặc đưa cả cái xúc xích để bé gặm. Ý bà là làm thế để bé quen với nhiều loại thức ăn và biết nhai sớm. Còn tôi thì muốn đợi khi bé 6 tháng mới tập cho bé ăn dặm, còn trước 6 tháng, bú mẹ là đủ dinh dưỡng cho bé rồi. (Mẹ bé An, thyan…@yahoo.com)

Đáp: Chị cố gắng thuyết phục bà ngoại là theo tự nhiên đến 6 tháng thì em bé mới mọc chiếc răng cửa đầu tiên, lúc đó mới nên tìm cách cho cháu làm quen với thức ăn khác và cũng nên cẩn thận kẻo có thể gây “rối loạn tiêu hóa” cho em bé, vì răng thì chưa đủ, bao tử chưa tiết ra dịch vị đủ để tiêu được thịt…

Người ta thường tập cho trẻ biết mùi vị thịt, cá từ 6 tháng tuổi trở đi, coi như lúc đó bao tử mới tiết ra đủ dịch vị để có thể tiêu hóa được những thực phẩm “nguồn đạm”, nhưng cần tiến hành làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 6 – 8 tháng nên tập cho ăn thức ăn động vật dễ tiêu “ít máu” gồm có sản phẩm từ sữa đặc sệt như yaourt, phô-mai, trứng luộc hồng đào, lòng đỏ còn chảy, thịt “trắng” như thịt ức gà, phi-lê cá (loại bỏ kỹ xương).

Giai đoạn 8 – 10 tháng giới thiệu làm quen nhiều loại thịt hơn, loại có máu màu hồng hay đỏ như thịt heo, thịt bò mỗi bữa ăn đặc không quá 35 gr tương đương với 1 quả trứng.

Bác sĩ Nguyễn Lân-Đính (Chuyên viên dinh dưỡng)

Nguyễn Lý

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.