(TNO) “Không có bằng cấp, học vấn thì ngoài công việc này chúng tôi còn có thể làm gì với số vốn ít ỏi”, anh Phùng Thanh Thắng chia sẻ việc đến với nghề mua bán phế liệu để nuôi giấc mơ đổi đời.
Thay vì mua vật liệu mới đắt tiền người đàn ông này đang chọn mua vật liệu cũ còn tốt - Ảnh: Phan Giang
|
Khóc – cười với... rác
Nhà đông anh em, không được học hành đến nơi đến chốn, sau khi lập gia đình, anh Phùng Thanh Thắng (ngụ quận 11, TP.HCM) với có chút vốn từ tiền mừng đám cưới, anh cùng vợ mở một vựa thu mua phế liệu để mưu sinh.
Vốn không cần nhiều như mở các hàng quán buôn bán nhưng rủi ro trong công việc này cũng rất cao. “Năm 2008 kinh tế khủng hoảng. Năm đó mua sắt cũ 8.000 đồng/kg, đang thấy lời chúng tôi mua vào rất nhiều. Đùng cái, sắt mất giá xuống còn 1.500 đồng/kg khiến chúng tôi lỗ nặng với hơn cả tấn sắt thu mua được. Đó cũng là lần gia đình tôi lao đao vì vừa mất tiền, vừa phải trả nợ và đối mặt chuyện chạy chợ từng bữa”, anh Thắng kể.
“Lúc mởi mở chỗ thu mua phế liệu, ít người tới bán cho tôi lắm vì không quen. Rồi đến quản lý phường, công ty môi trường đến kiểm tra, nhắc nhở, bắt tháo bỏ cái này, cái kia khiến chúng tôi nhiều lúc muốn bỏ nghề. Nhưng nghĩ đi nghĩ lại, không có bằng cấp, học vấn thì ngoài công việc này chúng tôi còn có thể làm gì nữa với số vốn ít ỏi”, anh Thắng tâm sự.
Bà Nguyễn Thị Biểu cặm cụi tính toán sau một ngày buôn bán - Ảnh: Phan Giang
|
Còn câu chuyện của bà Nguyễn Thị Biểu, chủ tiệm thu mua ve chai ở quận 11 lại khác. Là một gia đình làm nông nghèo ở vùng quê Quảng Ngãi, cuộc sống quanh năm ruộng đồng không thể nào đủ nuôi 3 người con lần lượt vào đại học. Theo lời của một số người quen, bà vào Sài Gòn làm nghề thu mua ve chai.
Thời gian đầu mưu sinh ở Sài Gòn, bà Biểu làm thuê cho nhiều tiệm phế liệu khác nhau, vừa làm vừa tích góp mãi vẫn không đủ tiền nuôi con ăn học. Bà đánh liều, mở một tiệm thu mua ve chai, với hy vọng thu lợi cao hơn việc đi thu mua nhỏ lẻ. “Đi mua lẻ thì không có lời, làm cả nửa năm trời, tích góp lắm mới có được 5 triệu. Sau đó tôi quyết định mở một tiệm thu mua. Vốn mình có 5 triệu đồng, vay mượn bà con được 3 triệu nữa thì tôi mở được chỗ này. Làm dần rồi thấy cũng khấm khá hơn lúc đi thu mua lẻ. Tôi trụ với nghề này cũng được 10 năm rồi”, bà Biểu kể.
Người đàn bà khắc khổ với làn da rạm đi vì nắng, đôi mắt đượm buồn nhưng lại luôn tràn đầy hy vọng về một tương lai đổi đời cho các con của bà.
Đổi đời nhờ ve chai
Đồng vốn bỏ ra ít, thu lợi nhuận trên từng loại phế liệu không nhiều nhưng nếu cố gắng bám trụ và buôn theo số lượng lớn thì lợi nhuận khá cao. Anh Phùng Thanh Thắng chia sẻ: “Thu nhập theo tháng thì tôi không ước lường được vì có tháng làm nhiều, tháng làm ít nhưng tính bình quân một năm thì lợi nhuận từ 500 – 700 triệu đồng. Có năm làm ăn được thì trên 700 triệu đồng…”.
Sau nhiều năm làm nghề thu mua phế liệu anh Phùng Thanh Thắng đã “tậu”
được những chiếc xe tải để chuyên chở phế liệu đi tái chế - Ảnh: Phan Giang |
Với khoản thu nhập cao như vậy, không chỉ anh Thắng, bà Biểu mà còn nhiều chủ tiệm thu mua ve chai khác có cơ hội đổi đời. Sau nhiều năm kiên trì trụ lại với nghề, hiện nay anh Phùng Thanh Thắng đang là chủ của một đại lý thu mua ve chai lớn ở quận 11, có 4 xe tải chuyên vận chuyển phế liệu đã được phân loại bán cho các nhà máy và cơ sở tái chế.
Những thứ tưởng chừng vứt đi đấy, nó không có giá trị với người này nhưng lại có ý nghĩa với người khác và thậm chí đã trở thành cơ hội không chỉ để mưu sinh mà còn có thể làm giàu. Từ việc mở đại lý thu mua phế liệu, họ đã vượt nghèo và làm giàu từ những thứ bỏ đi.
“Khi kiếm được một số vốn kha khá hơn, tôi sẽ chuyển sang nghề cho thuê xe vận chuyển hàng…”, anh Thắng nói về mong ước của mình.
Bình luận (0)