Khi quân đội Mỹ tiến hành can thiệp quân sự ở Iraq và Syria trong cuộc chiến chống IS, Lầu Năm Góc chủ yếu dựa vào các tay súng địa phương trong hầu hết các cuộc giao tranh trực tiếp trên bộ.
Chiến lược này nhằm giảm thương vong đến mức thấp nhất cho các đơn vị Mỹ tham chiến ở Trung Đông.
Tuy nhiên, nhiều binh sĩ Mỹ khi về nước vẫn xảy ra những chấn động và thương tổn tâm lý, theo tờ The New York Times hôm 5.11.
Báo Mỹ cho hay tình trạng sang chấn tâm lý xảy ra sau khi các binh sĩ Mỹ bắn đại bác về phía các mục tiêu IS. Hàng chục ngàn quả đạn pháo đã được khai hỏa trong suốt cuộc chiến chống khủng bố. Tờ The New York Times ước tính, trong cuộc chiến chống IS, mỗi binh sĩ bắn nhiều đạn pháo hơn bất kỳ cuộc giao tranh nào kể từ chiến tranh ở Việt Nam.
"Khẩu đại bác tống ra một lực đẩy khủng khiếp để đưa một quả đạn pháo trọng lượng 45 kg vượt qua quãng đường 24 km. Và mỗi đợt bắn tạo ra sóng xung kích xuyên qua cơ thể những người lính, làm rung chuyển khung cơ xương khớp, tạo áp lực tống thẳng vào phổi, tim, đồng thời quất một cú cực mạnh với tốc độ của tên lửa hành trình vào cơ quan nhạy cảm nhất của cơ thể, đó là bộ não", The New York Times đưa tin.
Việc thường xuyên bị sóng xung kích tấn công được cho góp phần khiến hơn phân nửa thành viên của một đơn vị pháo binh của lính thủy đánh bộ Mỹ xảy ra tổn thương não.
Trả lời phỏng vấn của The New York Times, một người khi quay về nước thấy "hồn ma của một cô gái đã chết" trong phòng bếp nhà mình. Những người khác bắt đầu nghe thấy tiếng nói trong đầu.
Thậm chí nhiều quân nhân thuộc các đơn vị pháo binh từng chiến đấu chống IS kể lại cảm giác mang theo sự "nguyền rủa" khi về nước.
Vẫn chưa có kết luận chính thức về những trường hợp trên.
Bình luận (0)