Hôm nay 19.6, tại Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) đã diễn ra tọa đàm chủ đề "Tác động của các chất ô nhiễm hữu cơ đến hệ sinh thái và sức khỏe con người: thách thức và giải pháp".
Tại đây, các nhà khoa học quốc tế và Việt Nam, những người chuyên nghiên cứu về độc chất học, hóa học môi trường… đưa ra những cảnh báo về tác động của các chất ô nhiễm hữu cơ đến môi trường và sức khỏe con người.
Nguồn phát thải độc chất có sẵn trong mỗi nhà
Một trong những nội dung đáng chú ý của tọa đàm là những chia sẻ của PGS Từ Bình Minh, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội), về tổng quan kết quả nghiên cứu các hợp chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy trong 2 thập kỷ vừa qua ở Việt Nam.
PGS Từ Bình Minh cho biết, trong giai đoạn từ giữa những năm 1980 đến giữa những năm 2000, nhiều nghiên cứu đã được thực hiện nhằm làm sáng tỏ hiện trạng ô nhiễm và mức độ phơi nhiễm của các nhóm chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy cổ điển như dioxin (từ chất độc da cam), thuốc trừ sâu clo hữu cơ và chất chống cháy... Có rất nhiều nỗ lực từ nhiều phía nhằm xử lý giảm thiểu ô nhiễm dioxin từ chiến tranh.
Tuy nhiên, các nghiên cứu gần đây cho thấy, các khu vực thu gom tái chế thủ công chất thải rắn, như chất thải điện tử, nhựa và phương tiện giao thông cũ, là nguồn phát thải đáng kể của các chất chống cháy PBDEs và nhóm PAHs (tên viết tắt của các hợp chất hữu cơ có độc chất) với hàm lượng cao trong mẫu môi trường và mẫu sinh phẩm người.
Trong giai đoạn từ đầu những năm 2010 đến nay, các nghiên cứu về sự phân bố và phơi nhiễm các chất EDCs (chất gây rối loạn nội tiết) đã được thực hiện, cung cấp hiểu biết đáng kể về sự xuất hiện, hành vi và tác động của chúng đối với sức khỏe con người, đặc biệt là trong các môi trường vi mô trong nhà.
Một số kết quả quan trọng của các nghiên cứu này, bao gồm việc phát hiện hàm lượng cao của các nhóm chất EDC như phthalate ester, siloxane, paraben, bisphenol A trong mẫu bụi và không khí trong nhà ở và tiệm làm tóc so với các môi trường vi mô trong nhà khác.
Điều này chứng tỏ nguồn phát thải của chúng từ việc sử dụng các sản phẩm chăm sóc cá nhân và các sản phẩm tiêu dùng hàng ngày của chúng ta. Liều lượng hấp thu của các nhóm chất này đối với trẻ em cao hơn so với người lớn do trọng lượng cơ thể thấp, cho thấy mức rủi ro phơi nhiễm cao hơn đối với nhóm trẻ em.
Việt Nam cần thiết lập và thực thi các quy định
Trao đổi với báo chí bên lề buổi tọa đàm, PGS Từ Bình Minh giải thích: "Trẻ em có trọng lượng cơ thể thấp hơn nên thường hấp thụ lượng hóa chất cao hơn khi tính theo miligam trên mỗi kg trọng lượng cơ thể mỗi ngày. Điều này khiến trẻ em trở thành một nhóm nhạy cảm với việc tiếp xúc hóa chất. Đặc biệt, tiếp xúc trước khi sinh có thể làm tăng nguy cơ sinh non. Nghiên cứu đã tìm thấy mối liên hệ giữa việc tiếp xúc với một số hóa chất nhất định, như phthalate hoặc PCB, với sinh non ở phụ nữ".
PGS Từ Bình Minh cho rằng, để giảm thiểu rủi ro, điều quan trọng là phải thiết lập và thực thi các quy định đối với EDC ở Việt Nam dựa trên dữ liệu cơ bản toàn diện. Nhưng để làm được điều này cần tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ việc hợp tác quốc tế để các nhà khoa học Việt Nam được tham gia các dự án lớn mang tính toàn cầu.
Để thực hiện các giải pháp hiệu quả đòi hỏi năng lực đo đạc và quan trắc chính xác các chất này, yêu cầu thiết lập một mạng lưới phòng thí nghiệm mạnh mẽ có khả năng phân tích các mẫu môi trường như không khí, nước và bụi với chất lượng và độ chính xác nhất quán. Khi có một cơ sở dữ liệu toàn diện, chúng ta có thể phát triển các biện pháp can thiệp có mục tiêu.
Tính đến thời điểm hiện tại, nghiên cứu của nhóm nghiên cứu mà PGS Từ Bình Minh đang triển khai chỉ giới hạn ở một số khu vực nhất định ở miền Bắc, trong khi các nhà khoa học cần có thêm dữ liệu để có một bức tranh hoàn chỉnh trên toàn quốc.
Vì vậy, bước đầu tiên là tăng cường khả năng giám sát trên toàn quốc. Khi đã hiểu rõ mức độ ô nhiễm, chúng ta có thể thực hiện các giải pháp hệ thống, chẳng hạn như kiểm soát khí thải nghiêm ngặt hơn đối với các ngành công nghiệp, cải thiện hoạt động quản lý chất thải và các chiến dịch nâng cao nhận thức cộng đồng về những rủi ro của EDC.
"Thông qua sự kết nối của VinFuture, chúng tôi trông đợi cơ hội hợp tác với GS Kenneth Leung từ ĐH Thành phố Hồng Kông (Trung Quốc), người đứng đầu chương trình Giám sát cửa sông toàn cầu (GEM). Chương trình này liên quan đến việc thu thập các mẫu trầm tích và nước từ các cửa sông trên toàn thế giới, với hơn 100 quốc gia tham gia.
Những hợp tác quốc tế này rất quan trọng vì chúng đảm bảo các phương pháp thu thập và phân tích dữ liệu nhất quán trên các địa điểm khác nhau. Bằng cách sử dụng các quy trình tiêu chuẩn hóa, chúng ta có thể tạo ra dữ liệu đáng tin cậy để so sánh mức độ ô nhiễm và đánh giá hiệu quả của các chiến lược quản lý. Điều này đặc biệt quan trọng đối với việc theo dõi các chất gây rối loạn nội tiết, vì quy định và hiểu biết về chúng vẫn đang phát triển", PGS Từ Bình Minh chia sẻ.
Tọa đàm "Tác động của các chất ô nhiễm hữu cơ đến hệ sinh thái và sức khỏe con người: thách thức và giải pháp" là hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện kết nối khoa học công nghệ InnovaConnect 2024, do Quỹ VinFuture tài trợ.
Tọa đàm có sự tham gia của 2 nhà khoa học đến từ các trường ĐH ở Hồng Kông (GS Kenneth Leung, GS Ming Hung Wong) và 1 nhà khoa học của Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội (PGS Từ Bình Minh). Cả ba nhà khoa học đều là những chuyên gia đẳng cấp quốc tế nghiên cứu về độc chất học, hóa học môi.
InnovaConnect là sáng kiến của Quỹ VinFuture, tiếp nối chuỗi sự kiện "Đối thoại khám phá tương lai VinFuture" từ mùa giải VinFuture 2023.
Năm 2024, các sự kiện InnovaConnect được Quỹ VinFuture phối hợp với các trường ĐH và viện nghiên cứu hàng đầu Việt Nam. Với InnovaConnect 2024, các giáo sư, chuyên gia hàng đầu thế giới và Việt Nam sẽ trao đổi các thông tin về công nghệ tiên tiến nhất; thảo luận bàn tròn, tư vấn, định hướng… nhằm tìm ra những ý tưởng và giải pháp mới, có tính thực tiễn cao.
Bình luận (0)