(TNO) Nhiều câu hỏi liên quan đến nước thải công nghiệp, ô nhiễm môi trường và các dự án “treo” tại TP.HCM được các đại biểu (ĐB) đặt ra vẫn chưa nhận được câu trả lời thỏa đáng.
>> Bức xúc đua xe, rải đinh, ngập nước
Sáng nay 8.12, kỳ họp thứ 3 HĐND TP.HCM khóa 8 đã có phiên chất vấn tại hội trường về hai vấn đề: ô nhiễm môi trường xung quanh các khu chế xuất, khu công nghiệp tập trung và các cơ sở sản xuất xen cài trong khu dân cư; tình hình các dự án “treo” gây ảnh hưởng đến đời sống người dân.
Theo báo cáo của UBND TP.HCM, TP hiện có 35/37 cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đã cơ bản hoàn thành xử lý ô nhiễm. 100% các khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường 100%.
|
Tuy nhiên, nhiều ĐB cho rằng thực tế còn rất nhiều cơ sở sản xuất nằm lẫn trong khu dân cư gây ô nhiễm và bức xúc cho nhân dân.
Cụ thể, ĐB Lâm Đình Chiến chất vấn: Vấn đề ô nhiễm môi trường tại các cơ sở sản xuất nằm lẫn trong khu dân cư đã được HĐND ra nghị quyết và gia hạn nhiều lần cho Sở Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) từ nhiệm kỳ trước. Tuy nhiên, cho đến nay báo cáo của UBND về môi trường không đề cập đến việc giải quyết vấn đề này cũng như không có số liệu cụ thể nào về các cơ sở gây ô nhiễm, phải và đã di dời.
Đồng thời, ĐB Võ Văn Sen cho rằng cơ sở sản xuất phải vận hành hệ thống xử lý chất thải chứ không phải lắp ráp cho có rồi để đó. Chính vì vậy, ĐB Sen đề nghị Giám đốc Sở TN-MT phải có thông số, chứng minh được 100% hệ thống xử lý nước thải của các đơn vị sản xuất được vận hành. Sở TN-MT phải có trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc xử lý chất thải của các cơ sở sản xuất.
Các câu trả lời chất vấn chỉ nêu được vấn đề khái quát, chưa đi sâu vào ý ĐB hỏi. Việc trả lời sẽ gửi văn bản báo cáo riêng chỉ là một cách nói chứ đây không phải câu trả lời
|
|
ĐB Võ Văn Sen nhận xét trước trả lời chất vấn của Giám đốc Sở TN-MT về các vấn đề môi trường và quy hoạch |
Trước những chất vấn trên của các ĐB, ông Lê Anh Kiệt - Giám đốc Sở TN-MT cho biết: "Định hướng chung là dứt khoát, cơ sở ô nhiễm thì không thể sống chung với khu dân cư. Tuy nhiên, một số cụm công nghiệp là tự phát và lẫn trong khu dân cư nên Sở TN-MT không quản lý được vì Sở Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT) và quận, huyện cấp phép”.
"Tuy nhiên, Sở TN-MT cũng phải nhìn nhận một số khu công nghiệp chưa làm tốt việc xử lý nước thải, cụ thể như khu công nghiệp Nhân Trung có hệ thống xử lý nước thải nhưng hoạt động chưa hiệu quả vì còn nhiều doanh nghiệp chưa đấu nối vào hệ thống. Tương tự, khu công nghiệp Lê Minh Xuân cũng đáng báo động về mặt môi trường và chúng tôi đã có báo cáo", ông Kiệt thừa nhận.
Ông Thái Văn Rê, Giám đốc Sở KH-ĐT cho rằng, Sở chỉ cấp giấy phép kinh doanh cho các đơn vị khi có ý kiến của quận, huyện cho phép; nếu quận huyện không cho phép thì Sở KH-ĐT dứt khoát không cấp phép sản xuất kinh doanh.
“Vì vậy nếu có cơ sở gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn thì quận, huyện phải chịu trách nhiệm”, ông Rê nói.
|
ĐB Trịnh Xuân Thiều đánh giá, có nhiều đoàn thanh kiểm tra về TN-MT nhưng trách nhiệm quản lý, giám sát không rõ ràng và cơ sở không khắc phục.
Khi ĐB Lương Văn Nhân đề nghị Sở TN-MT cho biết cụ thể quận, huyện, địa bàn nào còn nhiều cơ sở sản xuất gây ô nhiễm thì đại diện Sở TN-MT đề nghị sẽ gửi văn bản trả lời sau.
Nhiều câu hỏi liên quan đến việc thu gom rác thải, di dời các bãi rác, các trạm quan trắc ở các khu chế xuất, khu công nghiệp và vùng giáp ranh để kiểm tra, giám sát các hoạt động môi trường,... cũng được đại diện Sở TN-MT đề nghị được gửi văn bản trả lời sau.
Quy hoạch “treo” chưa có hồi kết
Trong sáng nay, các ĐB tiếp tục đưa ra các dự án “treo” hầu như trên 10 năm tại TP.HCM yêu cầu được giải thích và có hạn định.
Danh sách dài các dự án gây bức xúc gồm: dự án cải thiện vệ sinh và nâng cấp đô thị kênh Tân Hóa - Lò Gốm, dự án kênh Tham Lương - Rạch Nước Lên (trên địa bàn các quận Bình Tân, Gò Vấp, 12), dự án mở rộng Ga Bình Triệu (Q.Thủ Đức), dự án Cầu Đỏ và đường Chu Văn An (Q.Bình Thạnh), dự án xây dựng bãi đậu xe ngầm tại Công viên Lê Văn Tám (Q.1)…
|
Theo cách trả lời của các sở ngành có liên quan thì tình hình sắp tới dự án vẫn “treo”, người dân vẫn chờ. Mặt khác, chưa có giải pháp tháo gỡ về mặt đảm bảo quyền lợi, giảm bớt khó khăn, ảnh hưởng đến đời sống của người dân trong khu vực dự án.
Cụ thể, “Quy hoạch mở rộng Ga Bình Triệu (với diện tích 200 hecta) được xem xét từ lâu nhưng do có liên quan đến đầu mối là ga đường sắt nên phải chờ ý kiến của Bộ GTVT. Đây là quy hoạch định hướng lâu dài và là dự án triển khai cấp quốc gia nên TP chỉ có thể theo dõi, cập nhật thông tin để có điều chỉnh”, ông Trần Chí Dũng, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM, nói.
Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Quyết Tâm yêu cầu các sở giải trình về việc “cử tri có nêu hiện tượng có tình trạng chủ đầu tư “xí” đất để triển khai dự án" và các giải pháp hỗ trợ đời sống người dân trong khu vực dự án “treo”.
Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM khẳng định sẽ theo dõi sát sao, đảm bảo quy trình quy hoạch đúng định hướng và đôn đốc thực hiện đúng thời hạn.
“Chúng tôi có quy trình kiểm tra, đánh giá chặt chẽ chủ đầu tư và năng lực đầu tư, khi đáp ứng đầy đủ điều kiện thì mới cho đầu tư”, Phó giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM - Đỗ Phi Hùng, khẳng định.
Nguyên Mi
Bình luận (0)