Ở nơi lần đầu học sinh từ lớp 1 được học tiếng Anh

Tuệ Nguyễn
Tuệ Nguyễn
18/12/2023 22:35 GMT+7

Nếu như ở thành phố lớn, trẻ vừa biết nói đã có thể được học tiếng Anh thì ở H.Mù Cang Chải (Yên Bái), địa bàn gần như 'trắng' giáo viên tiếng Anh, học sinh tiểu học chỉ biết đến môn học này nhờ một dự án dạy tiếng Anh trực tuyến.

Mang tiếng Anh đến với trẻ vùng cao 

Những ngày trung tuần tháng 12, chúng tôi có mặt tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Khao Mang (H.Mù Cang Chải) vào đúng giờ học tiếng Anh. Vừa bước vào hành lang, chúng tôi đã nghe không khí lớp học rộn ràng, tiếng cô hỏi bài, tiếng học trò hào hứng trả lời…

Ở nơi lần đầu học sinh từ lớp 1 được học tiếng Anh  - Ảnh 1.

Học sinh Trường Phổ thông dân lập bán trú tiểu học Khao Mang hào hứng trong giờ học tiếng Anh trực tuyến

TUỆ NGUYỄN

Bước vào lớp mới thấy, cô giáo dạy tiếng Anh thực ra là ở trên "màn ảnh nhỏ" treo trên bảng cùng với sự hỗ trợ của một giáo viên vốn vẫn dạy toán, tiếng Việt hằng ngày. Tuy nhiên, không vì thế mà học sinh cảm thấy cách xa, nhàm chán. Cô "ở trong ti vi" vẫn tổ chức các trò chơi, các hoạt động và cách mà học trò làm theo hướng dẫn của cô, cách các em trả lời câu hỏi, không có nhiều khác biệt so với một lớp học trực tiếp.

Đây là một trong 117 lớp với gần 3.600 học sinh tại 16 trường tiểu học của H.Mù Cang Chải học tiếng Anh từ ngày 10.1. Giáo viên chính tại Hà Nội dạy trực tuyến qua ứng dụng Zoom và bài giảng số tới tất cả các điểm cầu trên khắp H.Mù Cang Chải, tại đó các đồng giảng là giáo viên địa phương sẽ hướng dẫn học sinh học với một thao tác duy nhất là… bấm nút.

Đây là hoạt động của Dự án iLINK của iSMART thuộc Tập đoàn giáo dục EQuest, thực hiện tại một trong những địa bàn được coi là khó khăn nhất của cả nước về giáo dục, trong đó nổi lên vấn đề thiếu giáo viên môn tiếng Anh. Dự án kéo dài 5 năm và hoàn toàn miễn phí.

Trong cuộc trò chuyện với PV Thanh Niên về việc đưa tiếng Anh vào giảng dạy, khi được hỏi học sinh được học tiếng Anh từ bao giờ, bà Phạm Thị Minh Hằng, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Khao Mang, cho biết từ năm học trước, học sinh từ lớp 1 ở đây mới biết đến môn học tiếng Anh. Trước đó, vì không có giáo viên nên dù là môn tự chọn trong trường tiểu học nhưng nhà trường không thể tổ chức cho học sinh được chọn học tiếng Anh.

Cũng vì nhà trường chưa từng dạy học tiếng Anh bao giờ nên theo chia sẻ của bà Hằng, ban đầu khi tiếp cận dự án này, dù hoàn toàn miễn phí và cam kết hỗ trợ trong 5 năm nhưng nhà trường cũng rất nhiều băn khoăn.

Theo yêu cầu của mô hình này, tại mỗi lớp học phải có giáo viên đồng giảng để hỗ trợ kỹ thuật tại chỗ. Vì hầu như chính giáo viên cũng không biết tiếng Anh lại chưa thông thạo về kỹ thuật nên bị tâm lý sợ hướng dẫn các em làm sai.

Tuy nhiên, bà Hằng cho hay, qua các đợt tập huấn, 10 giáo viên đồng giảng có thể sử dụng cơ bản các phần mềm và tương tác phối hợp được với học sinh, thầy cô cũng được tiếp cận mô hình giáo dục mới trong dạy và học cũng như mô hình chuyển đổi số trong phương thức dạy học tiếng Anh.

Ở nơi lần đầu học sinh từ lớp 1 được học tiếng Anh  - Ảnh 2.

Học sinh Trường Phổ thông bán trú tiểu học Khao Mang chăm chú làm theo hướng dẫn của giáo viên ở điểm cầu Hà Nội

TUỆ NGUYỄN

Bà Hằng chia sẻ niềm vui: "Một năm qua, điều chúng tôi nhận thấy rõ nhất là các em rất hào hứng, thích thú mong đợi các tiết học tiếng Anh, tương tác ngày càng tốt với giáo viên và các điểm cầu khác trong các hoạt động trò chơi và chọn đội trả lời nhanh, đúng nhất.

Điểm sáng nhất đối với với học sinh sau 1 năm là các con đã nhận diện được từ vựng ở cả dạng mặt chữ và hình ảnh, đặc biệt nhiều con đã có thể nghe và hiểu các từ, câu tiếng Anh đơn giản thông qua trò chơi, hoạt động nhóm".

Hướng đi mới trong "khó khăn tưởng như bế tắc"

Ông Nguyễn Anh Thủy, Trưởng phòng GD-ĐT H.Mù Cang Chải, chia sẻ: "Toàn huyện hiện nay chỉ có 1 giáo viên tiếng Anh biên chế cấp tiểu học, năm nào cũng tuyển dụng giáo viên cho môn học này mà không có người ứng tuyển, có những lúc khó khăn tưởng như bế tắc".

"Tuy nhiên, nhờ có 2 cụm từ mà tôi rất thích, một là "thích ứng linh hoạt" và hai là "trực tuyến kết hợp trực tiếp" thời điểm ứng phó với dịch Covid-19 đã giúp chúng tôi mở ra một cách làm mới. Do gần như trắng giáo viên nên lãnh đạo Phòng GD-ĐT cũng phải tìm kiếm mọi giải pháp và may mắn đã có "cơ duyên" tiếp cận và được dự án này hỗ trợ bài bản sau khi được sự đồng ý rất nhanh chóng của Sở GD-ĐT Yên Bái và UBND H.Mù Cang Chải", ông Thủy nói.

Để học trực tuyến, UBND huyện và một số quỹ thiện nguyện đầu tư cho các lớp học đầy đủ thiết bị, tối thiểu phải có tivi, màn hình, camera và kết nối mạng internet đến từng lớp.

Năm học 2022 - 2023 dự án triển khai cho toàn bộ 117 lớp với khoảng 3.600 học sinh. Còn sang năm học 2023 - 2024 này thì đang triển khai 114 lớp với hơn 3.900 học sinh khối 2 và khối 4. Trước mỗi học kỳ, ban quản lý dự án đều lên kiểm tra, tập huấn cho các thầy cô mới và triển khai các nội dung mới, mô hình mới liên quan đến phần bài giảng thiết kế. Đây đang là một trong những mô hình góp phần giải quyết vấn đề thiếu giáo viên.

Ở nơi lần đầu học sinh từ lớp 1 được học tiếng Anh  - Ảnh 3.

Giờ học tiếng Anh trực tuyến dưới sự hỗ trợ của giáo viên đồng giảng tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Mồ Dề (H.Mù Cang Chải)

T.N

Theo ông Thủy, đến hết năm học vừa qua, kết quả kiểm tra đánh giá ban đầu được xem là vượt xa mong đợi. Dù đều là học sinh dân tộc, vốn nhút nhát nhưng nhờ thiết kế bài giảng trực quan, sinh động, nhiều hình thức học thông qua trò chơi, nhân vật hoạt hình nên học sinh rất hào hứng, chịu khó tương tác và mong muốn đến tiết học tiếng Anh để được học.

Ông Thủy cũng thẳng thắn cho rằng đến thời điểm này thì khó khăn vẫn còn, bởi giáo viên đồng giảng ở các trường không có chuyên ngành giảng dạy tiếng Anh nhưng có nhiệm vụ phải hỗ trợ trong giờ tiếng Anh nên không tránh khỏi những lúng túng.

Vậy nên, các thầy cô phải dành thời gian rất nhiều để đầu tư học tiếng Anh. Nhưng nhờ khắc phục khó khăn ấy mà hiện nay và sắp tới chắc chắn sẽ có nhiều thầy cô có thể được học tiếng Anh cùng học sinh.

Ông Hoàng Đình Quế, Giám đốc Dự án iLINK, cho hay: "Để vận hành được tất cả chương trình mà mọi người nhìn thấy là đội ngũ hơn 20 thầy cô luôn nghiên cứu tối ưu cho từng bài giảng, làm sao để phù hợp nhất với các em học sinh vùng cao, chưa từng được tiếp xúc với tiếng Anh, làm sao để các thầy cô giáo không biết tiếng Anh nhưng có thể dễ dàng quản lý lớp, tương tác với học sinh, đánh giá hiệu quả"...

Trưởng Phòng GD-ĐT H.Mù Cang Chải chia sẻ: "Mù Cang Chải gần như không phát triển công nghiệp nhưng đang phát triển về công nghiệp không khói, công nghiệp xanh, công nghiệp du lịch nên vấn đề tiếng Anh cho nhân dân là một trong những vấn đề rất cần thiết. Chúng tôi hy vọng sau này gần 3.700 học sinh được học chương trình này sẽ nguồn nhân lực tiếng Anh khá lớn cho huyện. 

Đấy cũng là một trong những điều mọi người mong muốn, kỳ vọng về hiệu quả lâu dài của dự án này. Dự án kéo dài 5 năm là một trong những động lực, động viên khá lớn, là giải pháp tháo gỡ khó khăn khá hiệu quả cho giáo dục vùng cao, đặc biệt nhất là đối với môn tiếng Anh".

Thông tin từ Tập đoàn EQuest cho biết: việc triển khai mô hình này ở H.Mù Cang Chải đã mang lại kết quả ấn tượng. Năm học 2022 - 2023 có 3.691 học sinh tham gia, trong đó có 1.827 học sinh lớp 1 và 1.864 từ lớp 3 cùng với 146 giáo viên đồng giảng ở Mù Cang Chải. Có 2.564 học sinh hoàn thành chương trình khoa học tiếng Anh, chiếm 69,6% số học sinh tham gia, trong khi có 2.853 học sinh (77,6%) hoàn thành xuất sắc chương trình toán tiếng Anh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.