|
Ở Nepal, người ta tin rằng, loài người khỏa thân đến với thế giới, vì vậy khi mất đi, họ cũng phải trần truồng đi ngược về thế giới.
Nơi người sống... chờ chết
Raj, một anh bạn người Nepal, chỉ cho tôi căn nhà phía xa xa nấp sau màu khói ảm đạm. Đó là nơi dành cho mọi người chờ chết. Cậu kể chuyện, những người theo đạo Hindu tin tưởng rằng, cái chết phải đến tự nhiên ở một thời điểm thích hợp. Cố gượng để sống lâu hay cố chết nhanh hơn bằng sự can thiệp của y học hoặc máy móc đều là điều cấm kỵ và người chết sẽ rất khó để được tái sinh sau này.
Thế nên họ không cố tìm cách để kéo dài sự sống. Họ cũng chẳng tìm cách để cái chết diễn ra nhanh hơn. Đó cũng là lý do khi một ai đó trong gia đình yếu đi và bác sĩ bảo không qua khỏi, họ sẽ tiến hành chuẩn bị một nơi cho người bệnh chờ chết.
Nếu ở nhà, người ta sẽ đưa người bệnh đến một căn phòng, nơi có gốc cây húng quế, có một chiếc giường trải bằng cỏ khô và sàn nhà được làm sạch nhưng có chứa một ít phân bò khô vì phân bò được xem là vật linh thiêng của người Hindu. Raj giải thích, nếu người bệnh ở một nơi như thế sẽ dễ dàng thở và thanh thản trước lúc ra đi. Còn tôi thì mơ hồ nghĩ, èo, phân bò hôi thế chắc người ta sẽ vì khó thở mà chết nhanh hơn.
Thi hài đang được đưa lên giàn hoả thiêu - Ảnh: Va Li |
“Nhưng thông thường, nhiều người muốn tìm đến để chết bên con sông thiêng vì như thế họ có thể sớm lên thiên đường” - Raj nhấn mạnh vậy. Đó là lý do, nhánh sông Bagmati nằm trong khu vực đền Pashupatinath được nhiều người tìm đến. Đó cũng là lý do, ở nơi căn nhà ảm đạm phía xa xa kia có rất nhiều căn phòng cho mọi người chờ chết.
Để cái chết diễn ra nhanh hơn, người bệnh cũng có thể nhịn ăn. Tuy nhiên, họ phải thông báo với con cháu để nhận được sự chấp thuận. Những người làm nhiệm vụ chăm sóc ở đây sẽ đọc kinh và niệm chú cho người bệnh mỗi ngày để giúp họ thanh thản. Người ta tin rằng, nếu những phút giây cuối cùng của người chết mà anh ta vẫn chưa trút bỏ được hận thù hoặc phiền muộn thì anh ta sẽ bị xuống địa ngục.
Tự tay đốt lửa tiễn biệt người quá cố
Tôi cùng Raj tiến lại gần một xác chết và giữ khoảng cách vừa đủ vì đối với gia đình người chết, việc có một người lạ ở quá gần thi thể nghĩa là không tôn trọng gia đình họ.
Người chết được đặt lên gờ của các bậc thang cạnh bờ sông, những người thân bắt đầu dùng sữa và nước tắm rửa cho thi thể sau đó phủ bằng tấm vải liệm màu vàng và trang trí bằng các loại hoa, trang sức. Một ít nước thánh, bơ và long não được cho vào miệng của người quá cố vì họ tin rằng như vậy người chết sẽ dễ lên thiên đàng. Sau đó họ buộc những cây tre lại với nhau bằng dây thừng, đặt xác chết đã được khâm liệm lên.
Một thi thể đã được khâm liệm nhưng người thân vẫn chưa tụ họp về đầy đủ - Ảnh: Va Li |
Những người đàn ông đi chân trần khiêng cái xác đến gần chiếc bục hỏa táng cạnh bờ sông Bagmati để bắt đầu thiêu xác. Một người phụ nữ khóc nấc lên từng cơn và có lúc như ngã quỵ. Tôi đoán đó chắc là vợ của người đàn ông đã chết. Bà ta nhanh chóng được dìu ra khu vực riêng không cho đi cùng đoàn người còn lại.
Với người Hindu, đàn bà không được phép tham dự lễ hỏa táng bởi họ thường yếu đuối, khóc lóc và nếu có tiếng khóc xảy ra trong lễ hỏa táng thì linh hồn người chết sẽ bị níu giữ không lên thiên đàng được.
Đến bục hỏa táng, tôi thấy người con trai cắt một nhúm tóc của anh ta, cầm ngọn lửa đi vòng quanh cơ thể người chết 3 vòng theo chiều kim đồng hồ. Cậu cũng giải thích, nếu người cha qua đời, con trai cả sẽ làm nhiệm vụ này. Nếu người mẹ qua đời, con trai út sẽ thực hiện. Nếu người chết không có con trai, thì chồng, anh trai hoặc thầy tế sẽ làm thay nhiệm vụ đó.
Sau khi đi đủ 3 vòng quanh thi thể người chết, người đàn ông, có lẽ là con trai của người quá cố, bắt đầu đốt ngọn lửa đầu tiên từ sợi dây thừng đặt ở miệng của người chết để bắt đầu hỏa táng. Với người Nepal, miệng là phần quan trọng nhất của cơ thể - nơi người ta nói điều thật, điều dối, điều trái, điều phải. Miệng cũng là nơi linh hồn của người chết đi ra nên ngọn lửa phải bắt đầu từ miệng.
Người con trai phải đứng canh giàn hỏa thiêu để châm củi nếu hết củi cho đến khi cơ thể người chết bị thiêu rụi hoàn toàn. Thông thường, phải mất khoảng 3 - 4 tiếng đồng hồ để thiêu rụi một thi thể. Phần tro cốt sau khi thiêu rụi được rải xuống sông Bagmati. Đó cũng là lúc người chết được hóa kiếp lên thiên đàng.
|
Raj giải thích cho tôi, cũng từ sau giây phút này, các thân nhân của người chết hoặc tất cả các con trai trở về nhà tắm rửa sạch sẽ, chỉ được ăn một lần một ngày (hoặc ăn trưa hoặc ăn tối) và chỉ nấu ăn cho chính mình. Họ phải sống trong các phòng riêng biệt mà không được chạm vào bất cứ ai, không nói chuyện với bất cứ ai. Họ phải ngủ trên sàn nhà trong một chiếc giường cỏ khô.
Nghi lễ này kéo dài trong vòng 13 ngày. Điều quan trọng nhất là họ phải mặc quần áo màu trắng cho toàn bộ một năm trong suốt thời gian để tang. Nếu người chết là chồng, thì góa phụ cũng phải thực hiện nghi lễ này. Nếu người mẹ chết, tất cả con cái của họ phải kiêng uống sữa trong một năm, nếu người cha chết, họ phải ngừng nhấm nháp sữa đông. Họ cũng không thể đi thăm bất cứ ngôi đền hoặc ăn mừng, tham dự bất kỳ lễ hội nào trong vòng một năm.
Sau một năm, người con trai quay lại dòng sông, thực hiện một buổi lễ cúng để tỏ lòng kính trọng cuối cùng với người chết và mời người thân đến tham dự, ăn uống. Kể từ sau ngày này, họ có thể mặc áo màu khác nhau và cuộc sống đi vào như bình thường, tuy nhiên, người góa phụ phải mặc một chiếc váy màu trắng cho đến khi cô chết.
Cuộc sống ở đền thiêng
Trời đã sẩm tối nhưng ngọn lửa từ những giàn hỏa thiêu vẫn mải cháy ngùn ngụt. Thật lạ là không có mùi khét của thịt người. Nhưng như thế cũng chẳng có nghĩa rằng sẽ có một mùi dễ chịu ở đây.
Tôi đảo mắt nhìn toàn bộ khung cảnh ở khu đền thiêng. Phía trên, những đoàn người đang kéo nhau nhảy nhót, khiêu vũ, đốt đèn để dâng cho chúa và các thần Hindu khác. Phía dưới, bò, quạ, khỉ, chó í ới gọi nhau kiếm tìm một vài mẩu thức ăn ở dòng sông. Cạnh bờ, một hai người phụ nữ đang đứng múc dòng nước thiêng dội lên đầu để mong trừ bệnh tật.
|
Phía xa xa, một người đàn ông đang làm buổi lễ cúng nhân dịp tròn một năm của người quá cố. Phía gần gần một người phụ nữ đang rửa chén, giặt áo tiếp tục cuộc mưu sinh. Ở đầu này, một người đàn ông buồn thương liệng tro cốt cùng mớ trang sức xuống sông tiễn người quá cố. Ở đầu kia một chàng thanh niên trẻ dùng thỏi nam châm và sợi dây cước vui mừng khi vớt được những đồng tiền và trang sức từ đáy sông. Ở chỗ mái nhà cao cao, một vài tiếng kinh vọng ra của những người đau đớn chờ chết.
Và ở đây, những vị khách du lịch như tôi, vẫn còn nán lại, để xem, để tò mò, để phán xét, để ngẫm nghĩ chuyện đời.
Nơi trở về thiên đàng Ở Nepal, người ta tin rằng, loài người khỏa thân đến với thế giới, vì vậy khi mất đi, họ cũng phải trần truồng đi ngược về thế giới. Đó là lý do khi một người chết đi, cơ thể họ được khỏa thân hoàn toàn và chỉ che phủ bởi một tấm vải có màu trắng, cam, vàng hoặc đỏ. Màu trắng là tượng trưng cho những gì thuần khiết. Màu cam, vàng tượng trưng cho sự đau buồn. Màu đỏ là màu của hạnh phúc, thánh thiện. Tùy vào từng cái chết mà gia đình sẽ chọn một màu vải thích hợp cho người quá cố. Nhưng những tấm vải liệm bắt buộc phải được làm hoàn toàn từ thiên nhiên, dệt từ vỏ cây, nhuộm bằng màu tự nhiên chứ không sử dụng hóa chất công nghiệp. Người ta cũng tin rằng, cơ thể con người được tạo nên từ 5 yếu tố: lửa, nước, đất, không khí và bầu trời. Vì vậy khi chết đi, họ cũng phải trả lại cơ thể mình cho 5 yếu tố đó. Đó là lý do người ta chọn cách hỏa táng. Đốt cháy thi thể bằng lửa nghĩa là trả họ về với lửa. Ném tro cốt xuống sông nghĩa là trả họ về với nước. Tro cốt một phần chìm xuống đáy sông nghĩa là về với đất. Khói bay lên khi hỏa táng nghĩa là trả lại cơ thể về với bầu trời, không khí. Theo phong tục của người Hindu, lễ hỏa táng diễn ra trong vòng 24 giờ sau khi chết kể cả người thân có về tụ họp đầy đủ hay không. Lý tưởng nhất là hỏa táng được thực hiện trong vòng 12 giờ sau khi chết, hoặc ít nhất là vào hôm sau trước lúc mặt trời lặn nếu cái chết xảy ra vào cuối buổi chiều. Hỏa táng càng sớm thì người chết càng được lên thiên đàng sớm hơn và dễ tái sinh hơn. |
Va Li
(từ Nepal)
>> Nepal muốn đo lại đỉnh thế giới
>> Đi máy bay ở Nepal
>> Tìm thấy kho báu khổng lồ bên dưới lâu đài Nepal
>> Ký sự trên đất Ấn - Kỳ 2: Tiếng Sitar trên sông Hằng
Bình luận (0)