Rất nhiều du khách đến Đà Nẵng thời gian qua đã rất thích thú và hài lòng với sản phẩm du lịch mới này. Bởi, không quá vội vã như taxi hay phương tiện giao thông khác, ô tô điện du lịch chỉ vừa đủ chậm rãi để du khách có thể vừa ngắm nhiều cảnh đẹp Đà Nẵng mà vẫn đảm bảo sự tiện nghi. Giá thành của loại hình dịch vụ du lịch mới này cũng khá mềm, đa dạng từ 40.000 đồng/10 phút, 250.000 đồng/ giờ, 350.000 đồng/2 giờ, 450.000 đồng/3 giờ. Bắt đầu từ giờ thứ 4 trở lên, mức phí chỉ còn 80.000 đồng cho mỗi giờ. Ông Trần Chí Cường, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL cho biết: hiện tại, ngoài một hồ sơ đăng ký kinh doanh đang chờ ý kiến của UBND thành phố thì mới chỉ có doanh nghiệp Thịnh Hùng hoạt động. Trước mắt, thành phố chỉ thử nghiệm loại xe này hoạt động trong phạm vi giới hạn là đường Hoàng Sa - Trường Sa và Phạm Văn Đồng.
|
Theo đánh giá của Sở Giao thông - Vận tải, mô hình xe điện đã góp phần tiết kiệm tài nguyên, không gây ô nhiễm môi trường, phù hợp với quy hoạch của TP là vào năm 2020, Đà Nẵng sẽ là TP môi trường. Nhưng, vướng mắc lớn nhất của loại xe này chính là vấn đề đăng ký biển số để có thể tham gia giao thông công cộng, vừa để hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tái đầu tư xoay vòng vốn.
“Chỉ cần đơn vị này cung cấp hồ sơ chứng từ cũng như phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ theo quy định thì mọi thủ tục đăng ký sẽ được thực hiện”, ông Nguyễn Đến, Trưởng phòng CSGT TP.Đà Nẵng cho biết. Tuy nhiên, việc nan giải ở đây là theo quy định, muốn có phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng trên thì phải thông qua Cục đăng kiểm kiểm định. Nhưng mẫu xe điện bốn bánh này thuộc loại xe thô sơ, chỉ được hoạt động trong phạm vi hẹp (thường là trong các sân golf, khách sạn) nên Cục sẽ không đăng kiểm, kiểm định chất lượng như các xe ô tô bình thường. Quyết định cho phép hay không cho phép loại phương tiện này ra lưu thông công cộng thuộc thẩm quyền và trách nhiệm của người đứng đầu của từng địa phương.
Để giải quyết bài toán này, khi mới đưa vào sử dụng, Đà Nẵng đã cấp cho công ty Thịnh Hùng giấy phép hoạt động tạm thời trong 6 tháng. Đến bây giờ, khi thời hạn tạm thời đã hết, việc lưu thông của loại phương tiện này tiếp tục... tắc! Giấy phép tạm thời cũng không thể cấp thêm đối với một mô hình kinh doanh mang tính ổn định, lâu dài. Trong khi đó, việc phát triển mô hình du lịch này là mục tiêu lâu dài được ngành du lịch địa phương quan tâm. “Là đơn vị tiên phong, kể từ khi hoạt động đến nay, chúng tôi cố gắng phát triển sản phẩm du lịch mới, góp phần nâng cao hình ảnh Đà Nẵng. Rất mong các cơ quan chức năng có cơ chế linh động như một số địa phương để giúp sản phẩm du lịch này được phát triển ổn định”, bà Nguyễn Thị Thanh Nga, Giám đốc Công ty Thịnh Hùng bộc bạch.
VŨ PHƯƠNG THẢO
Bình luận (0)