Ô tô ‘nội’ tiếp tục hưởng lợi từ chính sách, giá bán có giảm?

21/09/2020 09:05 GMT+7

Cùng với việc được giảm 50% lệ phí trước bạ đến hết năm 2020, ô tô lắp ráp, sản xuất trong nước vừa tiếp tục hưởng lợi từ chính sách... tuy nhiên theo các chuyên gia trong ngành tất cả vẫn chưa đủ giúp mặt bằng giá bán ô tô tại Việt Nam “hạ nhiệt”.

Làn sóng dịch bệnh Covid-19 lần hai bùng phát tiếp tục ảnh hưởng đến thị trường ô tô Việt Nam. Chưa kịp hân hoan sau hai tháng liên tiếp tăng trưởng doanh số bán hàng, các doanh nghiệp (DN) kinh doanh ô tô tại Việt Nam vừa bị “dội gáo nước lạnh” khi sức mua ô tô giảm mạnh trong tháng 8.2020.
Theo số liệu bán hàng từ Hiệp Hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), trong tháng 8.2020, tổng doanh số bán hàng của các thành viên thuộc VAMA chỉ đạt 20.655 xe, tăng 14% tương đương 3.410 xe so với tháng 7.2020. Cộng dồn số liệu bán hàng của các thành viên VAMA, VinFast và TC-Motor… Tổng lượng ô tô các loại tiêu thụ tại Việt Nam trong tháng 8.2020 đạt 27.516 xe, giảm 6.369 xe tương đương 19% so với tháng 7.2020.

Sức mua ô tô tại Việt Nam chưa kịp hồi phục đã tiếp tục sụt giảm

Gia hạn thời gian nộp thuế tiêu thụ đặc biệt với ô tô “nội”

Sức mua vẫn chưa được cải thiện bất chấp Chính phủ đã áp dụng chính sách kích cầu – giảm 50% lệ phí trước bạ cho ô tô lắp ráp, sản xuất trong nước đến hết năm 2020. Theo VAMA sau 8 tháng đầu năm 2020 tổng doanh số bán hàng của toàn thị trường ô tô vẫn giảm 25% so với cùng kì năm ngoái. Các DN ô tô vẫn gặp khó khăn trong việc cải thiện doanh số bán hàng, đồng thời đối mặt với nguy cơ xe tồn kho đang ngày càng tăng.
Trong bối cảnh đó, Chính phủ vừa ban hành chính sách hỗ trợ cho các DN sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước nhằm vượt qua giai đoạn khó khăn sau khi chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19. Cụ thể, sau khi lấy ý kiến từ các bộ ban ngành, trung tuần tháng 9.2020 Chính phủ đã ban hành Nghị định 109/2020/NĐ-CP về việc gia hạn thời gian nộp thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước.

Chính phủ vừa ban hành Nghị định về việc gia hạn thời gian nộp thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước

Theo đó, Nghị định 109/2020 nêu rõ gia hạn thời hạn nộp thuế đối với số thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp phát sinh của kỳ tính thuế tháng 3, tháng 4, tháng 5, tháng 6, tháng 7, tháng 8, tháng 9 và tháng 10-2020 với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước.
Thời gian gia hạn kể từ ngày kết thúc thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt theo quy định của pháp luật về quản lý thuế. Cụ thể, với kỳ tính thuế tháng 3, thời gian nộp thuế tiêu thụ đặc biệt phát sinh chậm nhất là ngày 20.9.2020, các kỳ tính thuế các tháng sau đó sẽ lùi 1 tháng tương ứng. Riêng kỳ tính thuế từ tháng 6 đến tháng 10, thời hạn nộp chậm nhất là ngày 20.12.2020.

Ô tô lắp ráp, sản xuất trong nước liên tục được hưởng lợi từ chính sách

Mặt bằng giá ô tô tại Việt Nam khó giảm sâu

Như vậy, cùng với Nghị định 70/2020 về việc giảm 50% lệ phí trước bạ có hiệu lực từ ngày 28.6.2020, Nghị định 109/2020/NĐ-CP ban hành ngày 15.9.2020 sẽ tiếp tục góp phần giúp các DN lắp ráp, sản xuất ô tô trong nước tiếp tục được hưởng lợi. Trong bối cảnh đó, không ít người tiêu dùng thắc mắc liệu mặt bằng giá bán ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước có giảm so với trước đây (?!) Đây có lẽ là câu hỏi luôn được người tiêu dùng đặt ra mỗi khi có những thay đổi chính sách liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh ô tô tại Việt Nam.
Bởi theo đánh giá của ông Nguyễn Minh Đồng - Thạc sĩ chuyên ngành ô tô từng có thời gian dài làm việc cho một tập đoàn xe hơi tại Đức: “Mặt bằng giá bán ô tô tại Việt Nam vẫn ở mức cao hơn so với nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới”.

Mặt bằng giá bán ô tô tại Việt Nam vẫn ở mức cao hơn so với nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới

Về lý thuyết, việc gia hạn thời gian nộp thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với ô tô “nội” sẽ giúp các DN sản xuất, lắp ráp ô tô tại Việt Nam có thêm thời gian nộp thuế. Với chính sách này các DN ô tô sẽ có thời gian chuẩn bị, tích lũy dòng tiền tốt hơn trong ngắn hạn, qua đó từng bước thao gỡ khó khăn sau giai đoạn chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Vì vậy, việc gia hạn thời gian nộp thuế TTĐB nhìn chung không tác động nhiều đến mặt bằng giá bán ô tô tại Việt Nam.
Tuy nhiên theo chuyên gia Nguyễn Minh Đồng: “Việc ô tô có giảm giá hay không còn tùy thuộc vào chính các DN kinh doanh ô tô sản xuất lắp ráp trong nước. Bởi, từ nhưng ưu đãi chính sách, thực tế DN có thể triển khai các chương trình ưu đãi, giảm giá bán xe để giúp khách hàng hưởng lợi, qua đó góp phần kích cầu, đẩy mạnh doanh số”.

Giá bán ô tô tại Việt Nam đang giảm thông qua các chương trình ưu đãi, khuyến mãi

Thực tế trong những tháng qua, giá bán nhiều mẫu mã ô tô tại Việt Nam liên tục giảm nhằm xả hàng tồn kho và kích cầu doanh số. Tuy nhiên, ảnh hưởng sau hai đợt dịch Covid-19 bùng phát vẫn chưa thể giúp sức mua ô tô trên thị trường hồi phục do người tiêu dùng đang có xu hướng thắt chặt chi tiêu.
Về thị trường ô tô Việt Nam từ nay đến cuối năm, chuyên gia Nguyễn Minh Đồng dự báo sức mua về những tháng cuối năm cũng như giai đoạn trước Tết Nguyên Đán 2021 sẽ có bước tăng trưởng, tuy nhiên mức tăng không đáng kể.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.