Với những kẻ mê ăn, niềm vui thú nhất khi đến những vùng đất mới là xơi món lạ. Ăn chính là cách sống động nhất để hiểu một đất nước!
Trứng cá hồi (1) bắt mắt nhưng thứ bắt đôi mắt bạn phải mở thao láo là cái món phụ trong chén trắng nho nhỏ: shirako (2)
|
Đầu tiên, phải thành thật khai báo rằng tôi là một thành viên trong đội quân mê ăn đó. “Hãy nói cho tôi biết anh ăn gì, tôi sẽ nói cho anh hay - anh là loại người nào” - tôi không biết đã học lỏm được câu nói này của nhà ẩm thực học người Pháp Jean Anthelme Brillat-Savarin ở đâu, chỉ biết nó cứ từ trong dạ dày mà léo nhéo mỗi khi tôi nhìn thấy một món ăn mới. Đã cất công đi thì phải tìm hiểu xem người bản địa thuộc loại người nào chứ! Lý lẽ của dạ dày xem ra rất logic. Và cái lý lẽ đó càng được dịp “bùng nổ” nếu bạn đang ở một vùng đất mà người dân thuộc nhóm mê ăn nhất hành tinh: Nhật.
Bạn không tin ư? Hãy thử bật ti vi lên xem, bạn sẽ thấy ẩm thực là đề tài chiếm rất nhiều “sóng” ở Nhật. Ngoài đời, ẩm thực cũng chiếm nhiều chỗ trong trái tim người Nhật đến độ nó trở thành đề tài bàn luận thường xuyên khi hai người Nhật gặp nhau. Đó là một dân tộc cực kỳ sành ăn! Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa LHQ (UNESCO) hồi năm 2013 đã công nhận ẩm thực truyền thống Nhật là di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO (trước đó chỉ ẩm thực Pháp có tên trong danh sách này).
Ăn hàu như gặm ổi
Bạn đã bao giờ ngồi vắt vẻo trên cây ổi, với tay hái một quả tròn to lúc lỉu, chà chà vài nhát lên áo rồi há miệng cạp một miếng thật to? Đó là cách ăn trái cây ngon nhất trên đời! Tại Matsushima, một thị trấn ở miền Bắc nước Nhật, tôi được ăn kiểu như thế, có điều không phải ăn ổi mà là ăn… hàu.
“Vườn” hàu là một nhà máy xử lý, nơi người ta rửa sạch, tiệt trùng và đóng gói hàu sống nguyên con vừa vớt lên từ biển. Ông chủ nhà máy với tay lấy mấy con hàu to đùng, biểu diễn cách tách vỏ rồi đưa tôi một con. Ông mời tôi ăn! Tôi từng nhiều lần ăn hàu sống, nhưng cái cảm giác ngồi trong nhà hàng với muỗng nĩa, mù tạt, nước tương bên cạnh khác hẳn với khi “đối mặt” với con hàu ướt nhẹp và đen đúa. Khá bối rối nhưng không còn cách nào khác, tôi đành nhắm mắt áp dụng bài ăn ổi trên cây. Chao ôi, cái hương vị tươi rói, nồng nàn vị biển, thanh khiết tuyệt đỉnh, không bị pha tạp tí gia vị nào khó mà có thể quên được. Tuyệt nhiên không một tí vị tanh tao như hình dung. Suốt ngày hôm ấy, tôi ăn đủ loại hàu nhưng không cách chế biến nào ngon bằng cách không chế biến gì cả.
Đằng sau món bánh chiên đơn giản này là cả một “công nghệ bành trướng” đồ sộ
|
Thịt ếch sống
Không chỉ là hàu, ai cũng biết Nhật nổi tiếng với đủ loại sashimi, phổ biến nhất là từ các loại cá, hải sản sống. Nghe nói tới từ “sống”, nhiều người đã bỏ chạy. Còn một cuộc nghiên cứu khoa học tại Anh năm 2014 thì phát hiện, chính thói quen ăn nhiều cá sống, uống trà xanh và ăn chậm giúp phụ nữ Nhật sống thọ nhất thế giới.
Nhưng không phải tất cả những loại cá sống đều lành. Nhìn những lát cá mỏng tang, trong suốt được sắp xếp thật đẹp như nghệ thuật cắm hoa ikebana, khó có thể hình dung đó là thịt con cá nóc xấu xí và cực độc, có thể giết chết người ăn rất nhanh nếu dính nội tạng, nhất là gan. Muốn ăn cá độc, phải ra nhà hàng. Chỉ những đầu bếp có bằng cấp mới chế biến cá nóc. Thế nên người ta vẫn cứ yên tâm mà ăn. Người Nhật uy tín và tự trọng, không cần phải lăn tăn! Nhưng không chỉ có hải sản. Thế giới sashimi Nhật rất nhiều màu sắc. Ít phổ biến hơn nhưng thịt gà sống, thịt ngựa sống, thậm chí thịt ếch sống là những món bạn có thể gọi tại một số nhà hàng Nhật.
Ông chủ nhà máy đóng gói hàu ở Matsushima
|
“Đứa trẻ trắng” là món gì ?
Bạn có thể ăn trứng cá hồi ở khắp nơi trên thế giới nhưng ăn ở Nhật vẫn cứ thật đặc biệt. Ẩm thực Nhật chú trọng vào yếu tố tươi và thuần khiết. Thế nên trứng cá hồi tươi rói ở Nhật cứ như những viên pha lê cam sáng bóng lấp lánh, thơm lựng. Tại Sendai, tôi đã được một bữa “pha lê cam” ra trò với cơm và cá hồi. Nhưng thứ làm tôi thắc mắc hơn cả là món phụ màu trắng dọn kèm trong một cái chén nhỏ, quăn quăn trông rất giống ruột non heo. Người phục vụ không nói tiếng Anh, chỉ có thể bảo đó là shirako. Thôi thì, tôi chậc lưỡi, người Nhật ăn được thì ta cũng ăn được. Chẳng phải ăn là cách khám phá sống động nhất sao?
Cái món “lòng heo” ấy hóa ra rất mềm mịn chứ không sần sật như hình dung. Vị như phô mai, có điều hài hòa chứ không ngậy và thơm nồng mùi biển. Chắc chắn là hải sản, lúc ấy tôi chỉ có thể khẳng định như thế. Chỉ là một món ăn nhỏ, hương vị không quá ấn tượng nhưng bạn sẽ không thể ngủ ngon nếu không biết mình đã ăn gì. Thế nên buổi tối hôm đó, trước lúc tắt đèn, tôi phải cậy đến anh bạn Google. Xem nào, “shira” tiếng Nhật có nghĩa là trắng, “ko” có nghĩa đứa trẻ. Đứa trẻ trắng có thể là món gì? Thêm một cú enter trên bàn phím, tôi rớt trên giường xuống đất.
Shirako, cái tên mỹ miều ấy là... tinh trùng cá - một món ngon khác được nhiều người Nhật ưa thích, có thể luộc, chiên hoặc - rất đỗi bình thường ở xứ sở sashimi - ăn sống. Xem ra ngọc dương hay ngầu pín dê, bò là chuyện thường ngày ở xứ ta, còn tại Nhật, người ta ăn “cái ấy” của cá (phổ biến nhất là cá tuyết). Nhiều quý ông Nhật xem đây là món giúp họ thăng hoa trong phòng the, còn một số quý bà thì đánh giá cao shirako ở công dụng làm đẹp.
Đem chuyện này “lăn tăn” với một anh bạn Nhật, anh ta cười xòa: “Đơn giản hóa đi, trứng cá ngon tuyệt thì shirako cũng tuyệt ngon. Bình đẳng giới đấy! Cứ xem shirako là trứng cá… đực thì lần tới, bạn sẽ phải tìm nó mà ăn!”.
“Công nghệ bành trướng” thức ăn đường phố
Takoyaki là một món ăn đường phố khá phổ biến ở Nhật. Cứ thử tưởng tượng về một món bánh chiên nóng hôi hổi được bán ngoài đường giữa tiết trời lạnh giá, bạn cũng đủ hình dung ra giá trị của nó. Đó là những cái bánh tròn ủm, vàng ruộm trông giống bánh cam nhưng bọc bên trong là những cái râu bạch tuộc mọng nước nhưng vẫn cứ giòn sần sật. Thêm một chút xốt ngòn ngọt, mằn mặn và chút cá bào thơm thơm rắc lên trên đã quá mãn nguyện cho cái bao tử hay đòi hỏi lúc nửa buổi. Takoyaki chưa bao giờ bớt nóng, bớt giòn, bởi chỉ từ 3 - 5 phút sau khi chiên, khi nhiệt độ bánh xuống dưới 65%, takoyaki đã bị loại, không đem phục vụ khách nữa. Nhưng suy cho cùng thì đó cũng chỉ là một món ăn đường phố ngon miệng giữa thế giới ẩm thực đường phố cực kỳ phong phú khắp hành tinh. Cái khác biệt là cách mà người Nhật “bành trướng” một món ăn đường phố nhỏ bé như takoyaki. Chúng tôi đến thăm Hot Land, công ty đã “đẻ” ra tới 500 quầy bán món ăn đường phố này trên khắp nước Nhật, thêm 25 quầy ở nhiều nước khác nhau. Ở Singapore, nơi nguồn lực thiếu hụt, Hot Land chế tạo ra loại khuôn bánh xoay tự động, không cần đầu bếp đứng trở bánh cho vàng đều. Ông Morio Sase, Giám đốc điều hành của Hot Land cho biết mục tiêu của công ty trong vòng 5 năm là 200 cửa hàng takoyaki trên khắp thế giới! Cuối cùng, khi biết tôi đến từ VN, ông khoe: “Xin chào, tôi thường đến Kiên Giang để nhập bạch tuộc sang Singapore, từ đó đem qua Đài Loan cho cửa hàng takoyaki ở đây. Bạch tuộc Kiên Giang rất ngon”.
|
Bình luận (0)