Tạm dừng các khoản chi tổng kết, liên hoan, hội nghị
Trong Báo cáo công tác quản lý, điều hành, kiểm soát giá cả, hàng hóa, Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh có nêu nguyên nhân dẫn tới chỉ số giá tiêu dùng năm 2010 tăng cao so với dự kiến (tăng 11,57% trong khi dự kiến dưới 8%, chỉ tiêu QH đề ra tối đa 7%), cũng như báo cáo những nỗ lực về công tác điều hành, quản lý giá 12 tháng qua, từ việc giữ ổn định giá cả nhiều mặt hàng thiết yếu, tăng cường kiểm soát các yếu tố hình thành giá, đăng ký giá, kê khai giá... cho đến kiểm tra việc chấp hành pháp luật của Nhà nước về giá.
Bộ trưởng Ninh cũng chỉ ra một số hạn chế trong điều hành quản lý giá năm qua. Đó là: “Sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương chưa đồng bộ nên công tác bình ổn giá đạt hiệu quả chưa cao; việc điều hành cung - cầu một số hàng hóa, dịch vụ chưa tốt như điện, đường ăn, vàng, ngoại tệ...”.
Đặc biệt, hệ thống cung ứng hàng hóa dịch vụ chưa được sắp xếp hợp lý, còn có hiện tượng độc quyền; chồng chéo, vòng vèo, tầng nấc đẩy chi phí lưu thông tăng cao khó kiểm soát như đối với phân bón, thuốc phòng chữa bệnh, xi măng, sắt thép... “Quản lý giá một số mặt hàng còn lúng túng, bị động, hiệu quả chưa cao, nhất là sữa, thuốc phòng chữa bệnh”, Bộ trưởng thừa nhận.
Về công tác quản lý, điều hành, kiểm soát giá cả năm 2011, Bộ trưởng Tài chính cho biết dự báo giá cả năm tới sẽ “nhích lên” do một số tác động khách quan lẫn nguyên nhân nội tại và báo cáo một số giải pháp trọng tâm sẽ thực hiện để thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát dưới 7% theo Nghị quyết của QH.
Trong đó, về chính sách tài khóa, sẽ tiếp tục rà soát, bãi bỏ các khoản thu phí, lệ phí bất hợp lý, trái pháp luật. Sử dụng linh hoạt các công cụ phí, thuế, Quỹ bình ổn giá để bình ổn giá xăng dầu và một số hàng hóa, dịch vụ thiết yếu; đồng thời “Tăng cường kiểm soát chi từ ngân sách Nhà nước, loại trừ các khoản chi không đúng chế độ, không đúng định mức và không đúng tiêu chuẩn, chi lương, chi thưởng cuối năm không đúng quy định”.
Bộ trưởng cũng nhấn mạnh đến một số giải pháp khác về chính sách tài khóa như “tạm ngừng các khoản chi chưa thực sự cấp bách, nội dung không thiết thực (như chi tổng kết, liên hoan, hội nghị, đoàn vào, đoàn ra, chi mua sắm tài sản). Tiếp tục sử dụng ngân sách địa phương hỗ trợ vốn không lãi suất cho các doanh nghiệp kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thiết yếu dự trữ hàng hóa, góp phần bảo đảm cân đối cung cầu...
Điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt
Lạm phát tăng cao, có nguyên nhân từ nội tại là lòng tin của dân ta (vào giá trị đồng tiền Việt Nam - PV) giảm do cách điều hành thiếu nhất quán và công bố không rõ ràng, thiếu minh bạch của Chính phủ, của Ngân hàng Nhà nước
|
|
Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng |
Thay mặt thường trực Chính phủ trình bày dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2011, Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng cho biết mục tiêu số 1 và cũng là tư tưởng điều hành nhất quán của Chính phủ năm tới là ổn định kinh tế vĩ mô và kiềm chế lạm phát.
Khi đề cập đến 7 nhóm giải pháp để thực hiện 4 mục tiêu lớn đặt ra trong năm tới, Phó thủ tướng cũng chỉ rõ nguyên nhân dẫn tới lạm phát tăng cao năm 2010, ngoài yếu tố khách quan từ tác động giá cả tăng cao của thế giới ảnh hưởng đến giá cả các mặt hàng trong nước, còn có nguyên nhân từ nội tại, trong đó, có việc “Lòng tin của dân ta (vào giá trị đồng tiền Việt Nam - PV) giảm do cách điều hành thiếu nhất quán và công bố không rõ ràng, thiếu minh bạch của Chính phủ, của Ngân hàng Nhà nước”.
Cùng với đó là việc tuyên truyền, giải thích, công bố thiếu nhất quán tạo ra thiếu tin tưởng vào tiền Việt nên “USD thế giới giảm mà USD ở trong nước lại tăng. Lãi suất của thế giới giảm thấp, còn lãi suất chúng ta thì cao. Huy động phải 12 - 14%, cho vay ra cũng phải 15 - 16%, thậm chí 20 - 22%”.
Theo Phó thủ tướng, năm 2011 chính sách tiền tệ phải thực hiện đúng như Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã đề xuất. Đó là nắm chắc tình hình để điều hành một cách chủ động, linh hoạt và thận trọng. "Đây là tư tưởng nhất quán của cả năm trong điều hành chính sách tiền tệ, điều hành tỷ giá, sử dụng các công cụ chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước năm 2011. Mục tiêu của chính sách tiền tệ là vừa đảm bảo kiềm chế lạm phát đồng thời vừa phải đảm bảo khả năng thanh khoản của nền kinh tế, cung ứng tiền bạc cho sự phát triển của DN các thành phần kinh tế và của đất nước”, Phó thủ tướng nhấn mạnh.
Nguyệt Minh
Bình luận (0)