Ôn thi cùng thủ khoa: Bí quyết “gối đầu giường” để đạt điểm cao khối B

26/04/2022 09:00 GMT+7

Nếu thí sinh muốn đạt được mức điểm 9+ cho các môn khối B thì đây là những bí quyết “gối đầu giường” từ thủ khoa các trường chia sẻ mà các bạn có thể áp dụng, nhất là giai đoạn ôn thi “nước rút” như hiện nay.

Bí quyết của 3 điểm 10 tròn trĩnh

thủ khoa khối B toàn quốc năm 2021 với 3 điểm 10 tròn trĩnh cho tổ hợp môn toán, hóa, sinh, Võ Thị Kim Anh (sinh viên Trường ĐH Y Hà Nội) cho biết thí sinh nên làm đề nhiều, ôn tập chắc kiến thức cơ bản và đặc biệt là đừng để sai ở những câu ngớ ngẩn.

Có được bí quyết ôn thi hiệu quả từ thủ khoa, thí sinh sẽ tránh được những sai lầm không đáng có trong kỳ thi

Nữ Vương

Kim Anh khiêm tốn cho biết thực ra cô nàng không phải là quá giỏi, có nhiều bạn rất giỏi nhưng lại thường để sai những câu ngớ ngẩn nên bị hụt mất điểm tuyệt đối. Từ kinh nghiệm của mình, Kim Anh cho biết khi giải đề thì sẽ có những lúc sai ngớ ngẩn, nhưng không nên quá áp lực với những điều này.

“Những lần sai ấy sẽ giúp mình rút ra rất nhiều kinh nghiệm và vào phòng thi hầu như sẽ không lặp lại những lỗi ấy nữa. Nhiều bạn khi thi thử về bị sai những câu ngớ ngẩn thì bắt đầu than vãn, nhưng mình nên rút kinh nghiệm từ việc sai ấy chứ không nên ngồi buồn, rồi chán nản. Trong trường hợp nếu bây giờ mình không làm được đề đấy, thì nên xác định lại mục tiêu, hạ mục tiêu xuống thấp hơn tí, còn đối với các lỗi sai ngớ ngẩn thì nên khắc phục hết mức có thể”, Kim Anh chia sẻ.

Thủ khoa Võ Thị Kim Anh

NVCC

Cô nàng thủ khoa nhớ lại: “Lúc thi xong về mình tự chấm điểm, cảm giác lúc đó hơi hoảng, vì tự dưng điểm tuyệt đối quá. Bình thường giải đề hay thi thử mình không được như vậy do thường sai ở những câu ngớ ngẩn rất nhiều. Mình nhận ra được rằng, chính từ những lần sai trước đó mình đã học được rất nhiều, đến lúc vào phòng thi làm bài, mình luôn dò lại những câu đã từng sai để chắc chắn không sai lại một lần nữa”.

Kim Anh khuyên học sinh sau mỗi lần bị sai thì ghi chú lại, nhưng không nên làm lại liền ngay sau đó mà hãy để khoảng 1 tuần sau mới bắt đầu giải lại. Vì làm liền ngay, lúc đó chúng ta vẫn còn nhớ cái sai nên sẽ không có hiệu quả, nhưng khi để một thời gian quay lại sẽ nhắc nhớ chúng ta lâu hơn.

Theo Kim Anh đối với môn toán ở thời điểm hiện tại nếu bạn nào chỉ ở mức 7 điểm trở xuống thì không nên ôn đến mức đề quá khó như 9+. Toán thì dễ sai về tính toán, sai về bản chất nhiều do các bạn không hiểu rõ bản chất, còn hóa, sinh lại dễ sai ngớ ngẩn ở mấy câu lý thuyết nên thí sinh cũng cần lưu ý. Đối với 2 môn hóa, sinh nếu mục tiêu là điểm 8 thì chắc chắn phải học thật vững phần lý thuyết, còn mức điểm 9+ phải làm bài tập thật nhiều.

“Thời điểm này, mỗi tuần mình thường giải khoảng 3 đề cho mỗi môn. Tự bấm thời gian, canh giờ làm bài để vừa luyện đề, vừa tập làm quen với áp lực phòng thi. Các kỳ thi thử ở các trường cũng không nên tham gia quá nhiều, một tháng chỉ nên tham gia khoảng 2 lần là được”, Kim Anh khuyên.

Cô nàng thủ khoa cũng cho biết bản thân đã không cố gắng sắp xếp thời gian cho từng môn, mà thấy mình yếu môn nào thì tập trung nhiều thời gian hơn cho môn đó.

“Vì 3 môn đều tối đa từng đó điểm, nếu cố gắng làm câu khó của môn này, nhưng môn khác lại sai ở những câu khá dễ thì rất lãng phí điểm”, Kim Anh giải thích.

Những lưu ý không nên bỏ qua

Từ kinh nghiệm của mình Nguyễn Ngọc Huy, thủ khoa đầu vào Trường ĐH Y Dược TP.HCM năm 2021, với tổng điểm khối B 29,75 (toán: 10; sinh: 10; hóa: 9,75) đã chia sẻ cụ thể hơn cho các thí sinh về những lưu ý khi ôn tập 3 môn khối B.

Nguyễn Ngọc Huy, thủ khoa đầu vào Trường ĐH Y Dược TP.HCM năm 2021

NVCC

Đối với môn toán, Huy cho rằng đây là một môn mà cần rất nhiều tư duy, nên chắc chắn rằng các em học sinh cần phải biết các dạng bài tập nhỏ trước khi đi vào các bài tập khó. Vì các bài tập vận dụng cao hiện tại đang dần có rất nhiều “biến thể”, nên cần phải biết liên tưởng với các dạng bài tập nhỏ mình từng học.

Về môn hóa, phần lý thuyết Huy khuyên thí sinh cần phải học thật kỹ trong sách, nhưng không phải học thuộc từng chữ, mà phải hiểu được những ý trong sách. Hơn nữa, khi làm những câu lý thuyết thì trước mắt cần đọc kỹ đề, chú ý đến từng chi tiết trong câu để tránh những sai sót không đáng có. Về phần bài tập Huy cho rằng chỉ cần biết xử lý các số liệu đề bài, đưa được hướng làm để giải ra kết quả thì không quá khó.

Đối với môn sinh thì phần bài tập chàng thủ khoa cho biết thường nhẹ hơn so với 2 môn toán và hóa, nhưng đôi khi cũng cần có một chút tư duy để làm được vài dạng bài. Phần lý thuyết thì cũng cần phải học kỹ như môn hóa.

“Có một số điều quan trọng cần lưu ý khi đang luyện thi, một trong số đó là cần phải làm các câu cơ bản một cách chắc chắn. Hơn nữa, cũng cần phải đọc kỹ đề khi làm bài, đó là một điều ai cũng biết nhưng không phải bạn nào cũng làm được để rồi bị sai những câu vô lý.

Và khi làm đề, không nên vừa làm bài vừa khoanh vào đề trước khi tô vào tờ làm bài. Vì để đến gần cuối giờ mới tô đáp án thì rất dễ hoảng, do thời gian làm bài chỉ có 50 phút thôi, nên dễ bị áp lực dẫn đến tô lệch đáp án”, chàng thủ khoa gửi gắm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.