Bám sát kiến thức sách giáo khoa lớp 12
|
Như vậy, theo thầy Toàn, nếu chỉ xét tốt nghiệp và để đạt điểm 7 thì vượt qua nhóm 1 không khó, HS chỉ cần ôn các kiến thức cơ bản và làm bài tập trong sách giáo khoa 12. Để tự tin bước vào nhóm 2, HS cần chú ý đến phần kiến thức đại số và hình học Oxy ở lớp 10 và lớp 12.
Về môn văn, theo thầy Đào Nguyên Bình, giáo viên Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (TP.HCM), HS nên hệ thống hóa kiến thức cho từng tác phẩm văn xuôi hoặc thơ... Đồng thời tham khảo tài liệu, đề thi năm trước với các câu hỏi khơi gợi những vấn đề thực tiễn, gần gũi, thiết thực. Về chiến lược làm bài thi cho phần đọc - hiểu, theo thầy Bình, HS nhớ nắm vững các phương thức biểu đạt, phong cách ngôn ngữ và phải đọc kỹ để nắm bắt ý cần trả lời. Với bài văn nghị luận xã hội, lập luận phải đi liền với dẫn chứng, nên có từ 2 - 3 dẫn chứng hoặc ít hơn cũng được nhưng phù hợp, tương thích, thuyết phục giám khảo. Trong nghị luận văn học, TS cần phải đọc kỹ đề để làm đúng nội dung yêu cầu.
Cô Lê Thị Thanh Hòa, giáo viên tiếng Anh Trường quốc tế Á Châu, hướng dẫn HS bám sát 16 chủ đề trong sách giáo khoa, đọc kỹ bài đọc hiểu và nắm kỹ cấu trúc ngữ pháp. Phần tự luận cần luyện tập viết càng nhiều càng tốt, sau đó nhờ giáo viên sửa bài để rút kinh nghiệm tránh sai sót trong những lần sau. Cũng từ cấu trúc đề thi năm 2015, cô Hòa cho rằng phần đọc hiểu và điền từ khiến TS lo lắng nhất, đặc biệt với TS không nắm nhiều từ vựng. Do vậy, TS cần đọc từ đầu đến cuối bài nhanh lấy ý chính, đọc lướt 30 giây đến 1 phút không dừng dù có từ mới không hiểu. Sau đó nhìn xuống các câu có ô trống bên dưới tìm ngữ cảnh và cấu trúc ngữ pháp, nội dung phù hợp...
“Để đạt 5 điểm không khó, TS chỉ cần học thuộc từ vựng trong 16 chủ đề, đọc kỹ bài đọc hiểu, nắm chắc ngữ pháp cấu trúc câu, thường xuyên học từ vựng mới chưa biết, cấu trúc nào chưa quen thì viết đi viết lại. Mỗi ngày dành 20 - 30 phút ôn đi ôn lại kiến thức”, cô Hòa đưa ra lời khuyên.
Để có tâm lý… khỏe
Tiến sĩ Khắc Hiếu (trái) và tiến sĩ Hồ Viễn Phương
|
Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu, Trưởng bộ môn tâm lý học ứng dụng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho rằng để có tâm lý tốt khi đi thi, điều quan trọng trước hết là kiến thức vững và kỹ năng làm bài thành thục. Muốn được như vậy, TS phải có sự chuẩn bị trước đó cả 3 năm, thậm chí 12 năm chứ không phải bây giờ. “Thà rơi giọt mồ hôi trên trang vở còn hơn giọt nước mắt cuối mùa thi”, tiến sĩ Hiếu nhấn mạnh.
Với những người có “bệnh run”, tiến sĩ Hiếu cho rằng thay vì tự tưởng tượng rồi hù dọa bản thân mình bằng những điều tồi tệ, hãy hình dung những điều tốt đẹp đang đến. Trước câu hỏi của phụ huynh về việc có được mang thuốc vào phòng thi, tiến sĩ Hồ Viễn Phương, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Lạc Hồng, chia sẻ: TS chỉ được mang các vật dụng theo đúng quy định vào phòng thi. Theo đó, thuốc và nước uống không có trong danh sách này. Trường hợp bị bệnh cần uống thuốc trong quá trình làm bài thi, TS vẫn có thể xin phép giám thị để được uống thuốc tại phòng y tế.
Tiến sĩ Hiếu khuyên phụ huynh chỉ nên khuyến khích trẻ làm tốt nhất bài thi có thể, không nên áp đặt mốc điểm cụ thể. Điều này sẽ tạo tâm lý thoải mái, không đặt gánh nặng quá lớn lên vai con cái. Hãy xem ngày thi như mọi ngày bình thường, từ cách chuẩn bị cho đến áp lực với con cái.
Không chỉ tâm lý, sức khỏe cũng là hành trang quan trọng để giúp thi đạt kết quả cao. Tuy nhiên theo tiến sĩ Hiếu, bên cạnh món ăn thể chất thì sự quan tâm chân thành của cha mẹ là món ăn tinh thần bổ ích hơn cả. “Có bạn trẻ từng nói với tôi, nhờ bó hoa hướng dương mẹ cắm trên bàn học đã giúp bạn vượt qua được mùa thi. Có những bạn trẻ phải đợi đến mùa thi mới nhận ra được những tình cảm to lớn mà cha mẹ dành cho mình. Nên đôi khi không cần phương pháp gì ghê gớm mà sự quan tâm chân thành của cha mẹ sẽ cung cấp năng lượng đủ lớn để giúp TS vượt qua mùa thi”, tiến sĩ Hiếu chia sẻ.
Bạn đọc có thể xem lại buổi tư vấn tại thanhnien.vn và www.facebook.com/thanhnien
|
Bình luận (0)