TRÁNH LẠM DỤNG KIỂM TRA THEO HÌNH THỨC TRẮC NGHIỆM
PGS-TS Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT), chia sẻ: Học sinh (HS) có thể tham khảo đề thi minh họa của Bộ GD-ĐT để biết định dạng, cấu trúc đề thi và làm thử các bài kiểm tra theo dạng đề sau mỗi chương, chủ đề trong quá trình học tập. Nội dung đề thi bám sát kiến thức, kỹ năng cơ bản của chương trình THPT, chủ yếu lớp 12. Vì thế, HS cũng dựa theo chương trình và sử dụng sách giáo khoa (SGK) là tài liệu chính để ôn tập.
Tuy nhiên, sau khi đã hoàn thành toàn bộ chương trình, trong giai đoạn ôn tập, giáo viên không nên yêu cầu HS luyện quá nhiều đề, hoặc giao cho HS làm quá nhiều bài tập nhưng không bảo đảm tính hệ thống; có nhiều câu hỏi, bài tập trùng lặp về dạng mà không được khắc sâu về kiến thức, kỹ năng thực hiện. Việc này sẽ gây quá tải không cần thiết. Thay vào đó, HS cần được hướng dẫn và chủ động hệ thống kiến thức, nắm vững về nội dung kiến thức, kỹ năng trả lời câu hỏi, bài tập vận dụng các kiến thức đó theo yêu cầu của chương trình môn học. Khi đã thực sự vững kiến thức cơ bản, HS sẽ có khả năng vận dụng để giải quyết các câu hỏi, bài tập ở mức độ từ thấp đến cao.
Vì kỳ thi có tới 3/4 bài thi theo hình thức trắc nghiệm nên hiện có xu hướng các nhà trường quá chú trọng vào việc dạy học và luyện thi theo hình thức này. Vụ trưởng Nguyễn Xuân Thành cho rằng kỳ thi tốt nghiệp THPT có bài thi theo dạng trắc nghiệm nên các trường chú trọng ôn luyện trắc nghiệm cũng dễ hiểu. Nhưng để giúp HS nắm vững kiến thức một cách hệ thống, có kỹ năng tốt trong việc vận dụng kiến thức để trả lời các câu hỏi, bài tập theo yêu cầu của đề thi thì việc quá chú trọng ôn luyện theo đề thi trắc nghiệm là không hiệu quả.
"Đề thi tốt nghiệp có một tỷ lệ câu hỏi gắn với thực tiễn. HS được rèn luyện, kiểm tra với các hình thức đa dạng hơn thì không bỡ ngỡ với những câu hỏi như vậy", ông Thành lưu ý.
KHÔNG ĐƯA VÀO ĐỀ THI NỘI DUNG ĐÃ TINH GIẢN TRONG GIAI ĐOẠN DỊCH
Năm nay, việc dạy học không còn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh như năm trước. Vậy những văn bản hướng dẫn tinh giản về dạy học và kiểm tra, đánh giá của Bộ GD-ĐT từ trước có áp dụng nữa không? Đề thi năm nay có ra những phần năm trước đã tinh giản không? Xung quanh vấn đề này, ông Thành thông tin: Năm 2021, Bộ GD-ĐT có Công văn 404 hướng dẫn thực hiện điều chỉnh chương trình giáo dục ở cấp trung học, ứng phó dịch Covid-19 áp dụng cho năm học 2021 - 2022. Việc dạy học năm học 2022 - 2023 không ảnh hưởng bởi dịch bệnh nên không áp dụng theo Công văn 404 nữa.
Xây dựng đề cương ôn tập theo từng chương, từng chủ đề
Nói về việc chuẩn bị ôn tập cho kỳ thi tốt nghiệp THPT từ nay đến thời điểm diễn ra kỳ thi, ông Nguyễn Xuân Thành lưu ý: HS cần nắm vững kiến thức, kỹ năng theo mức độ cần đạt của chương trình một cách có hệ thống; trong đó tập trung ôn tập, hệ thống hóa kiến thức của chương trình lớp 12 và những kiến thức có liên quan, tiếp nối từ lớp 10, lớp 11 để nắm vững kiến thức cơ bản của chương trình lớp 12. HS cần chủ động xây dựng kế hoạch học tập đối với từng môn học chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Ông Thành cũng hướng dẫn rất cụ thể: Các em chú ý xây dựng đề cương ôn tập ngay theo từng chương, từng chủ đề của chương trình đã học và tiếp tục cập nhật dần trong quá trình học tập các nội dung tiếp theo. Việc tự hệ thống kiến thức sẽ giúp các em xâu chuỗi nội dung các bài học theo mạch kiến thức cơ bản; từ đó dễ hình dung một cách khái quát nội dung kiến thức, sự liên quan giữa các nội dung kiến thức trong chương trình.
Tuy nhiên, cần lưu ý HS lớp 12 thi tốt nghiệp THPT năm nay nhưng các em cũng có 2 năm học bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh; lớp 11 các em cũng học theo Công văn 404 nên có những phần nội dung kiến thức của chương trình lớp 11 đã được tinh giản, về nguyên tắc phần này sẽ không đưa vào nội dung đề thi.
Ngoài ra, dù không còn dịch bệnh nhưng năm nay các trường vẫn tiếp tục thực hiện theo công văn số 3280 ban hành ngày 27.8.2020 hướng dẫn thực hiện điều chỉnh nội dung dạy học cấp THCS, THPT. Trong đó, hướng dẫn cụ thể điều chỉnh nội dung dạy học các môn theo hướng "không dạy, không làm, không thực hiện...", hoặc chuyển sang đọc thêm, khuyến khích HS tự học thay vì bắt buộc. Những nội dung này sẽ không được đưa vào đề thi, đề kiểm tra đánh giá.
LUYỆN KỸ NĂNG ĐỂ NGỮ LIỆU NÀO CŨNG LÀM ĐƯỢC BÀI NGỮ VĂN
Xung quanh việc đổi mới cách ra đề môn ngữ văn nhằm hạn chế tình trạng văn mẫu mà năm học vừa qua Bộ GD-ĐT "tuyên chiến" mạnh mẽ, ông Nguyễn Xuân Thành cho rằng: Trên thực tế trong nhiều năm qua, đề thi THPT quốc gia và đề thi tốt nghiệp THPT đều sử dụng ngữ liệu ngoài SGK ở các phần đọc, hiểu và nghị luận xã hội.
Trong tương lai, nhất là khi tổ chức thi tốt nghiệp đối với HS học Chương trình giáo dục phổ thông 2018, với việc thực hiện một chương trình nhiều SGK, việc sử dụng tác phẩm văn học đã học trong một SGK để đưa vào đề thi là không phù hợp. Vì chỉ khi sử dụng ngữ liệu mới, lạ thì mới thực sự đánh giá được năng lực, kỹ năng của HS thay cho việc học thuộc lòng máy móc, làm theo văn mẫu.
Theo ông Thành, muốn đáp ứng được yêu cầu, cả trong trường hợp sử dụng ngữ liệu trong hay ngoài SGK, HS cần luyện tập có kỹ năng để trả lời các câu hỏi theo yêu cầu của chương trình và sẽ có trong các đề thi… Nếu HS được ôn luyện như vậy thì dù đề thi dùng ngữ liệu nào vẫn có thể làm được, không phải lo học "tủ", đoán đề rơi vào tác phẩm/nội dung kiến thức nào để chạy theo.
Bình luận (0)