Khi những cựu VĐV bơi làm thầy, cô giáo
Sáng sớm, Ánh Viên dừng xe trước cửa mái ấm Thiên Thần, hơn 40 đứa trẻ chạy ùa ra đón, miệng ríu rít: "Con chào cô Ánh Viên". Lớp học bắt đầu từ 7 giờ nhưng mới 6 giờ 30 bọn trẻ đã thay đồ bơi, sẵn sàng tập luyện.
Sau 15 phút khởi động, những đứa trẻ bắt đầu xuống hồ bơi. Trên bờ, Ánh Viên đi học hồ bơi dõi theo quan sát. Thỉnh thoảng, nữ kình ngư hô to để nhắc các em bơi đúng kỹ thuật.
CLIP: Một buổi dạy bơi của Ánh Viên cùng các thành viên trong nhóm "Bơi và Những người bạn"
Ánh Viên chia sẻ, trở thành một cô giáo dạy bơi cho trẻ em là ước mơ khi cô còn là VĐV quốc gia. Vì thế, kình ngư không thấy khó khăn, vất vả trong quá trình truyền tải kiến thức đến các em. Với Viên, việc giúp một đứa trẻ từ sợ nước đến khi biết bơi giỏi là điều rất hạnh phúc.
"Mình thấy vui và luôn cố gắng dành hết tâm sức vào việc dạy bơi cho các em. Đầu tiên là trang bị kỹ năng an toàn nước cho các em để phòng chống đuối nước. Tiếp theo là gieo cho các em tình yêu bơi lội. Môn bơi không khó, chỉ cần siêng năng tập luyện thì ai cũng có thể bơi được", Ánh Viên nói.
Thương hoàn cảnh của những đứa trẻ mồ côi, Ánh Viên chạnh lòng khi lần đầu đến mái ấm Thiên Thần. Thấy "bố Hiệp" dành hết tình yêu thương cho những đứa trẻ, còn các em thì luôn tràn đầy năng lượng khiến Ánh Viên có nhiều động lực để dạy bơi.
Mái ấm hiện có khoảng 75 em từ 6 - 12 tuổi tham gia học bơi. Riêng giờ học với Ánh Viên có 16 em, mỗi tuần 2 buổi. 4 buổi khác trong tuần, có thêm 4 thầy cô khác cũng là những cựu VĐV bơi lội quốc gia và TP.HCM thay nhau đến dạy miễn phí.
Nhóm thầy cô dạy bơi do anh Lương Ngọc Duy (37 tuổi) – cựu VĐV bơi lội quốc gia làm trưởng nhóm. 6 năm qua, nhóm "Bơi và Những người bạn" của anh dạy bơi miễn phí cho khoảng 1.000 bé cơ nhỡ và có hoàn cảnh khó khăn trong các mái ấm trên địa bàn TP.HCM.
Sau khi kết nối với nhóm VĐV của anh Duy, Ánh Viên… đến mái ấm dạy bơi, ông Hiệp được gợi ý cho các con tham gia các giải đấu để cọ xát.
"Mong muốn các con có thêm trải nghiệm nên tôi đồng ý ngay. Nhờ tham gia một số giải đấu gần đây mà các con có sự phát triển. Tôi cũng nhận ra khả năng, tố chất của từng đứa", ông Hiệp nói.
Trong 2 giải Oceanman ở Khánh Hòa và Aquaman diễn ra ở Bình Thuận mới đây, ông Hiệp cũng đi theo để động viên các con. Ông dặn dò: "Bố không mong các con phải về nhất, về nhì... Nhưng đã thi đấu thì nhất định phải cố gắng về đích, không được bỏ cuộc".
Trong 2 giải bơi biển đó, nhìn những đợt sóng cuồn cuộn, ông Hiệp sợ các con không quen rồi bỏ cuộc. Nhưng các em nhỏ đã cố gắng hết sức, đạt nhiều thành tích khiến ai cũng bất ngờ.
Ông bố "chịu chơi"
Ý tưởng xây dựng hồ bơi của ông Hiệp được nhen nhóm từ 13 năm trước, ngay khi bắt đầu nhận nuôi trẻ mồ côi đầu tiên. 3 năm trước, gia đình ông Hiệp xây thêm hồ bơi trong khuôn viên mái ấm. Mục đích trước mắt là giúp các con phòng chống đuối nước. Sau nữa là muốn các con rèn luyện thể lực bền bỉ, song song với việc học văn hóa ở trường.
"Sau 18 tuổi, khi có thể rời mái ấm để vào đời, các con nhất định phải biết bơi", ông Hiệp trải lòng.
"Kình ngư không chân" Nguyễn Hồng Lợi (36 tuổi) - VĐV khuyết tật bơi lội cấp quốc gia là thành viên trong nhóm dạy bơi ở mái ấm Thiên Thần. Cũng từng lớn lên trong mái ấm nên anh thấu hiểu và mong được dạy bơi cho các em nhỏ ở đây.
"Tôi đến, các em tò mò không hiểu tôi sẽ bơi như thế nào. Khi xuống hồ, nhiều em thốt lên: 'Thầy Lợi bơi bằng 1 tay được luôn hả?'. Tôi hi vọng bản thân sẽ truyền cho các em thêm động lực học bơi. Tôi có thể bơi được thì các em hoàn toàn có thể bơi tốt hơn tôi".
Đến năm 18 tuổi Hồng Lợi mới bén duyên với bơi lội và trở thành VĐV quốc gia. Vì thế, thấy "bố Hiệp" đầu tư cho các con phát triển thể chất sớm, anh thấy rất cảm phục.
"Mỗi sáng đi làm, tôi thường bắt gặp bố Hiệp dẫn các con của mình chạy bộ trên đường. Tôi thấy ông ấy dành nhiều yêu thương cho những đứa con không máu mủ. Hi vọng nhờ có môi trường tốt, nhiều em có tố chất sẽ bộc lộ khả năng sớm, góp tên mình vào đội tuyển quốc gia trong tương lai", Hồng Lợi chia sẻ.
Anh Duy cho biết mái ấm Thiên Thần là mái ấm duy nhất ở TP.HCM xây dựng hồ bơi chuẩn thi đấu. Chưa kể, "bố Hiệp" còn xây sân banh, phòng tập boxing, sân bóng rổ... đầu tư cho các em nhỏ chạy bộ, đạp xe. Trước khi anh đến mái ấm, các em đã biết bơi cơ bản nhờ có HLV dạy bơi Nguyễn Thị Bích Trang. Khi thấy một số em có tố chất, nhóm anh Duy tập trung rèn luyện bơi 4 kiểu để thi đấu.
"Tôi hi vọng nhờ thể thao, các em sẽ có thêm một cánh cửa khác nữa để vào đời", anh Duy chia sẻ.
Bình luận (0)