'Ông bụt' Singapore ở Đà Nẵng

11/02/2016 15:33 GMT+7

Ông Harold Chan bất ngờ xuất hiện và đã đi vào lòng người dân Đà Nẵng, đặc biệt là những hoàn cảnh bệnh tật thương tâm, như một ông bụt trong truyện cổ tích.

Ông Harold Chan bất ngờ xuất hiện và đã đi vào lòng người dân Đà Nẵng, đặc biệt là những hoàn cảnh bệnh tật thương tâm, như một ông bụt trong truyện cổ tích.

Ông Harold Chan với nạn nhân chất độc da cam ở Đà Nẵng - Ảnh: Diệu HiềnÔng Harold Chan với nạn nhân chất độc da cam ở Đà Nẵng - Ảnh: Diệu Hiền
Là doanh nhân người Singapore, ông đến với Đà Nẵng như mối duyên kỳ lạ. Rất buồn về tác hại của chất độc da cam gây ra bao nỗi đau đớn cho nhân loại, ông Chan quyết định tìm mọi thông tin liên quan trên internet và biết được Việt Nam đang gánh chịu hậu quả về thứ hóa chất tai hại này sau chiến tranh.
“Vì vậy tôi đã quyết định cùng một người bạn sang Việt Nam để tìm hiểu thêm về nạn nhân chất độc da cam khi bạn tôi sang đây làm từ thiện”, ông Chan chia sẻ.
Thế rồi, ông tự tìm cách liên lạc với Hội Nạn nhân chất độc màu da cam/dioxin Đà Nẵng. Sau buổi gặp gỡ, ông nhờ một người dẫn đến thăm những hộ gia đình có con là nạn nhân chất độc màu da cam ở khắp các khu vực tại Đà Nẵng, dù là ở trung tâm thành phố hay nơi hẻo lánh. Và ông nhận ra, sự thật nghiệt ngã hơn nhiều so với thông tin ông biết trên internet.
“Nhiều bà mẹ khi có con là nạn nhân chất độc da cam mà tôi gặp nói với tôi rằng, họ chưa bao giờ có được một giấc ngủ yên từ khi đứa trẻ ra đời. Có những bà mẹ phải sống trong nỗi đau đó mấy chục năm. Không chỉ có nỗi đau về thể xác có thể nhìn thấy được, những bậc cha mẹ nơi này còn phải gánh chịu những nỗi đau lớn hơn về tinh thần”, ông tâm sự.
Nhiều tiền hay ít tiền không phải là vấn đề. Vấn đề là chúng ta đều bắt tay vào làm bằng sức của mình
Không hề chần chừ, ông Chan đề nghị được hỗ trợ 720 triệu đồng mỗi năm cho Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Đà Nẵng, rồi ông hỗ trợ hơn 1 tỉ đồng để hội xây dựng cơ sở.
“Đó thực sự là lần nhận tài trợ mau chóng và giản dị nhất trong đời đi xin tài trợ cho nạn nhân chất độc da cam của tôi trong suốt 10 năm qua”, bà Nguyễn Thị Hiền, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Đà Nẵng, nhớ lại.
Không chỉ hỗ trợ tiền, ông còn dành thời gian tiếp xúc để chia sẻ nỗi đau với các gia đình nạn nhân. “Hội làm rất tốt nhưng số nạn nhân quá nhiều nên sự giúp đỡ đó vẫn chưa đủ. Và tôi nhận thấy một mảng còn trống, đó là hỗ trợ về y tế cho các nạn nhân”, ông Chan nói. Từ đó, ông bắt đầu tìm hiểu nhu cầu của các bệnh viện. “Ở Bệnh viện Đà Nẵng, tôi thấy phòng chụp cộng hưởng từ MRI chỉ có 1 máy mà hơn 40 bệnh nhân ngồi đợi bên ngoài, sau đó nhiều người phải dời lịch chụp sang ngày hôm sau vì hết giờ làm. Tôi hỏi bệnh viện, có cần thêm 1 máy như vậy không, họ trả lời rất cần. Vậy là tôi đề nghị được tặng”, ông Chan kể.
Quyết định nhanh chóng của ông Chan được bà Hiền diễn tả “giống như là một giấc mơ rứa”. Tất cả mọi người đều bất ngờ, kể cả ông Huỳnh Đức Thơ - Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng. Điều kiện mà ông Chan đưa ra khi tặng máy chỉ đơn giản là bệnh viện sử dụng máy cho mục đích nhân đạo.
Sáng 29.11.2015, khi khánh thành để đưa chiếc máy cộng hưởng từ MRI trị giá gần 2 triệu USD vào sử dụng, ông bất ngờ “xin dừng lại ít phút” để mời những em bé là nạn nhân chất độc da cam lên đứng cắt băng khánh thành cùng. Khi bà Hiền cùng mọi người bày tỏ sự biết ơn ông đã ủng hộ số tiền rất lớn, ông huơ tay: “Nhiều tiền hay ít tiền không phải là vấn đề. Vấn đề là chúng ta đều bắt tay vào làm bằng sức của mình".
Ông Harold Chan năm nay ngoài 70 tuổi. Trước đây ông từng là kỹ sư cho IBM (Mỹ) tại Singapore. Hiện ông đang có một công ty chuyên về chuyển đổi tiền tệ ở Singapore và một trang trại bò sữa ở New Zealand.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.