Ông chủ trẻ đầu mối tiêu thụ hoa lan của 27 nhà vườn

Phạm Hữu
Phạm Hữu
09/04/2021 07:28 GMT+7

Ở độ tuổi 23, Nguyễn Duy Phong quyết định rời thành phố về quê khởi nghiệp, sau 3 năm đã trở thành ông chủ và là đầu mối tiêu thụ hoa lan của 27 nhà vườn.

Tay trắng tập tành trồng lan

Khi tốt nghiệp THPT, Nguyễn Duy Phong (H.Cần Giuộc, Long An) rời quê lên TP.HCM đi học. Phong chọn Trường CĐ Phát thanh truyền hình 2 để theo đuổi nghiệp làm báo.
Năm 2016, Phong ra trường rồi làm cộng tác cho một số tờ báo. Sau đó, Phong làm việc tại một công ty chuyên sản xuất các bản tin của chương trình truyền hình. Thời gian làm việc, Phong được tiếp xúc, quay phim phóng sự với nhiều nông dân trồng hoa lan. Dần dần, chàng cộng tác viên bắt đầu nhen nhóm tình yêu với hoa lan lúc nào không hay.
Nhận thấy cuộc sống quá bấp bênh, Phong quyết định bỏ phố về quê thử khởi nghiệp bằng nghề trồng lan. “Ngày về quê, tôi suy nghĩ rất nhiều. Áp lực từ gia đình, bà con hàng xóm khi được ăn học ở thành phố lại trở về quê làm nông. Bỏ xa những phồn hoa, trở về với quần áo lấm lem bùn đất nên nhiều người có cái nhìn không thiện cảm với tôi”, Phong chia sẻ.
Không vốn, không kinh nghiệm, Phong tự mình tìm cách mua bán lan trên internet. “Tôi đi tới những vườn lan lớn rồi chụp hình, quay phim đăng lên nhiều tài khoản mạng xã hội để bán. Hễ khách mua tôi đến vườn xin lấy nợ hàng của họ rồi trả tiền sau. Từ từ nhiều năm sau tôi cũng gom góp số vốn kha khá”, Phong cho hay.
Với số vốn tích lũy khoảng 200 triệu đồng, Phong mạnh dạn xây dựng trang trại trồng lan tại quê nhà. Những tháng ngày đầu bắt tay vào trồng, hàng trăm chậu lan chết trắng bởi không hợp thổ nhưỡng. Hết vốn, thế là Phong làm lại từ đầu. Điệp khúc “mua nợ - trả sau” của Phong tiếp tục.
Theo Phong trồng lan rất khó chăm sóc, có khi phải qua tận Thái Lan để học hỏi các mô hình. Phải đi tìm những nông dân trồng lan kỳ cựu để học hỏi nền tảng cơ bản. Từ các giống cây, xem xét độ ẩm, bón phân và đặc biệt không có công thức chuẩn nào để áp dụng với việc trồng lan công nghiệp. Rút kinh nghiệm từ lần đầu, Phong tiếp tục mở rộng trồng lan với phương pháp và quy trình kỹ lưỡng hơn. Phong thực hiện theo mô hình cuốn chiếu, trồng ít nhưng chắc chắn từng đợt nhỏ với nhau. Thành công đợt đầu rồi trồng tiếp lan đợt sau.

Áp dụng mô hình chuyển đổi số

Sáng làm việc, tối đến Phong cập nhật kiến thức kinh doanh từ internet. Rồi chàng nông dân tiếp tục mở rộng kinh doanh lan bằng mô hình chuyển đổi số. Những giống lan của Phong đều có mặt trên các sàn thương mại điện tử. Phong tận dụng ưu thế trực tuyến để tiết kiệm vốn, đẩy mạnh bán hàng theo xu thế thời đại. Khoảng cách nông thôn và thành thị đã không quá xa khi kinh doanh điện tử. Do đó, từ một mình đến nay Phong đã thành lập công ty có đến 25 nhân công với nhiều khâu liên quan. Phong còn trở thành Giám đốc Hợp tác xã Phước Điền (H.Cần Giuộc, Long An) làm đầu ra cho 27 nhà vườn.
Phong chia sẻ: “Có những lúc tôi muốn bỏ hết, trở lại thành phố làm lại từ đầu. Nhưng tôi có ước mơ làm giàu từ nhỏ. Giờ tôi mơ ước mình sẽ trở thành một doanh nhân trồng lan ở quê. Từ người đi mua nợ lan của các nhà vườn, tôi quay lại làm đầu ra cho họ. Tôi giao cây giống, phân bón cho họ trồng rồi tôi bao tiêu, bán ra cho họ. Từ các nông dân khó tính đến giờ ai nấy cũng đều tin tưởng ở tôi. Giao trọng trách lan của họ để tôi tiêu thụ”.
Nhìn lại con đường 3 năm bỏ phố về quê, Phong cảm thấy đó là lựa chọn đúng đắn. Cuộc sống gắn liền với mảnh vườn, cây lan trở nên nhẹ nhàng hơn. Tuy vậy, theo Phong về quê không phải là an dưỡng, sống chậm lại mà đó là những thử thách để phát triển hơn. Mỗi nơi đều có tiềm năng nhất định, chủ yếu người khởi nghiệp có biết nắm bắt lợi thế hay không.
Mới 26 tuổi nhưng Phong không cho phép mình thất bại bởi sau lưng còn là trách nhiệm với những nhân viên của mình. Điều đúc kết cuối cùng của người khởi nghiệp trẻ là dám sống, dám làm và dám ước mơ để thành công.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.