(TNTS) “Ông già Noel” là cách gọi của người Việt Nam. Đó là những “ông già” phúc hậu, tốt bụng, vui tính, rất yêu trẻ em. Ông mặc bộ đồ màu đỏ viền trắng - nón cũng vậy, thắt lưng da đen và đi giày đen; râu tóc bạc trắng, đeo kính trắng, tay rung chuông leng keng, vai vác túi quà nặng trĩu, tìm gặp các bé ngoan để tặng quà.
Cứ đầu tháng 12, trẻ con khắp thế giới lại náo nức viết thư cho ông già Noel để xin quà. Khi đến Việt Nam, ông không cưỡi xe tuần lộc như ở các nước châu u mà thường đi xe gắn máy mới kịp giờ vì trẻ em rất đông mà đường phố lại chật hẹp.
Trong tiếng Anh, ngôn ngữ phổ biến nhất thế giới, ông già Noel có tên là Santa Claus - Thánh Nicolas, một nhân vật có thật ở thành Myra, Thổ Nhĩ Kỳ. Ông sinh vào cuối thế kỷ thứ 3. Ngay từ nhỏ, ông đã hay giúp đỡ người nghèo khó. Khi trở thành Tổng giám mục, ông thường bí mật giúp đỡ nhiều người hoạn nạn, đặc biệt là trẻ em. Nhiều nơi chọn Nicolas là thánh quan thầy của trẻ em. Ở châu u, bọn trẻ thường đặt giày hoặc tất của mình cạnh ống khói và chờ đợi ông Nicolas mang quà tới khi các bé đã ngủ say.
Các quốc gia ở Bắc u như Đan Mạch, Thụy Điển, Na Uy, Phần Lan… đều cho rằng ông già Noel xuất xứ từ nước mình, có hẳn xưởng chế tạo đồ chơi riêng. Thành phố Rovaniemi, thủ phủ vùng Lapland, Phần Lan; nằm cạnh vành đai Bắc Cực có cả văn phòng ông già Noel, là nơi ở của ông và các chú lùn, có bưu điện riêng để ông nhận thư, có lò nướng bánh riêng để ông phân phát… Công ty “Ông già Noel” có trang web hẳn hoi, sản xuất đĩa DVD và thiệp, tổ chức các sự kiện giáng sinh… thu hút hàng trăm ngàn du khách. Giáng sinh năm 1930, hãng nước ngọt Coca Cola chọn ông già Noel làm đại diện cho chiến dịch quảng cáo với trang phục màu đỏ truyền thống. Hơn cả sự mong đợi, Coca Cola nhanh chóng mở rộng thị phần, còn ông già Noel ngày càng nổi tiếng. Bộ đồ màu đỏ in đậm trong tâm trí mọi người và trở thành đồng phục của ông già Noel cho đến ngày nay.
|
Tôi gặp "Ông già Noel” lần đầu tiên ở Berlin - Cộng hòa Dân chủ Đức vào Noel 1987. Trời rất lạnh, tuyết phủ khắp phố phường. Ông rảo nhanh trên phố, má ửng hồng, mang túi kẹo đi phân phát cho các bạn nhỏ. Đứa trẻ nào gặp ông cũng nhảy cẫng lên vì vui sướng. Ông xoa đầu, bắt tay, chúc Giáng sinh an lành, dúi vào tay chúng những phần quà nho nhỏ rồi vội vã lên đường. Hỏi thăm, được biết đó là những người yêu trẻ, tình nguyện làm ông già Noel. Quà thì tự nguyện góp hoặc các nhà hảo tâm hỗ trợ. Vốn là cán bộ Đoàn làm công tác thiếu nhi, tôi nuôi ý định “mời” các ông già Noel về Việt Nam chơi và tặng quà cho trẻ em. Cũng như nhiều trẻ em nông thôn và lớp nghèo thành thị khác, từ bé tôi chẳng biết Noel là gì. Cái ăn, cái mặc còn thiếu trước hụt sau nói chi đến quà tặng. Sau này lên tỉnh học, qua sách báo, tôi mới nghe nói về ông già Noel. Noel là dịp lễ trọng đại của bà con Thiên Chúa giáo và những gia đình khá giả. Ở quê, Giáng sinh chỉ có Chúa hài đồng với hang đá, còn ông già Noel chỉ loanh quanh đâu đó trên phố. Nghe nói ông phải chui lỗ thông gió, lách qua cửa sổ và tặng quà cho trẻ con. Tôi cứ thắc mắc “Sao ông không về quê nhỉ?”. Ở quê, chẳng phải khổ sở leo trèo vì nhà cửa thời đó chỉ khép hờ, nhiều nhà không đóng cửa. Nếu có dịp gặp ông, nhất định tôi sẽ hỏi cho ra lẽ…
Dù ngọn gió đổi mới đã bước đầu làm thay đổi diện mạo đất nước nhưng khi tôi đề nghị “mời” ông già Noel vào TP Hồ Chí Minh thì đã gặp phải sự từ chối. Có người cho rằng đó là sản phẩm của tôn giáo, của chủ nghĩa tư bản! Mãi đến năm 1997, 10 năm sau lần gặp gỡ ông già Noel ở Berlin, tôi mới liều mạng “đón” ông vào. Lúc này, Trung tâm Dã ngoại Lửa Việt vừa được Hội Đồng Đội bàn giao cho Hội LHTN thành phố. Các chương trình xã hội Cây Mùa Xuân năm đó đều có ông già Noel xuất hiện tặng quà cho trẻ em nghèo. Nếu tôi nhớ không lầm, Noel 1997 chỉ có 2 đơn vị làm dịch vụ này. Ngoài Lửa Việt, tổng đài 108 (nay là 1080) cũng nhận tặng quà ở nội thành và nhà mặt tiền.
Thời đó điện thoại di động là của hiếm, chỉ có máy nhắn tin. Năm đầu chưa có kinh nghiệm nên sự cố tùm lum. Nào lạc đường, lạc quà, ông già mất râu, mất nón, trễ giờ, không liên lạc được... Thay vì đem niềm vui cho các em, đôi lúc làm các em hoảng sợ, thậm chí phản giáo dục. Từ chỗ “rón rén” vào Sài Gòn, bây giờ ông già Noel được “sinh sản vô tính”, đi đâu cũng gặp, thật giả khó lường. Có cả những ông già Noel “nhái”. Cứ khoác lên người bộ đồ đỏ là thành ông già Noel, phóng xe bạt mạng, lạng lách cho kịp chỉ tiêu. Những “ông già Noel robot”, cứ cắm đầu cắm cổ giao quà thật nhanh, chẳng đoái hoài gì đến đám trẻ nghèo đang vẫy ông rối rít. Trẻ con ngày nay, tiếp cận với nhiều thông tin sớm nên 8 - 9 tuổi đã khó tin ông già Noel có thật. Khi bạn bè tiu nghỉu vì gặp các ông già Noel phớt lờ trong xóm, có em đã chua chát: “Không phải ông già Noel thật đâu. Mấy nhà giàu thuê người ta làm ông già Noel giả để tặng quà đấy!” nghe mà xót ruột.
Trước tình trạng “lạm phát” ông già Noel, đi ngược lại những hình ảnh tốt đẹp ban đầu, nhiều nơi trên thế giới đã hạn chế, thậm chí “cấm cửa” ông già Noel. Năm 2003, Ủy ban châu u từng có ý định cấm ông già Noel hoạt động vì đã vượt ra ngoài khuôn khổ cho phép. Hình ảnh ông già Noel bị hoen ố và ngày càng khó kiểm soát. Các ông già Noel bát nháo đã giẫm đạp lên ước mơ của các em. Chính người lớn, cả vô tình và cố ý làm mất cái hay, cái đẹp của ông già Noel. Người lớn cứ nhất định là ông già Noel phải đến nhà mình tối 24.12. Khổ nỗi, đó là giờ cao điểm, thiên hạ đổ ra đường, người xe chen chúc. Nếu ai cũng muốn giờ đó thì lấy đâu ra ông già Noel cho đủ? Chỉ còn cách mua đồ, nhà nào nhà đó tự đóng vai ông già Noel cho con cháu mình. Với trẻ con, hễ được quà là thích, càng sớm càng thích. Được nhận quà sớm, tha hồ khoe với bạn bè, vì mình phải ngoan giỏi cỡ nào ông già Noel mới tặng quà trước người khác như thế. Cũng có những người dùng ông già Noel để làm cảnh cho các bữa ăn nhậu, để lòe hàng xóm…
14 năm gắn bó với dịch vụ ông già Noel, tôi có vô vàn kỷ niệm, học thêm nhiều thứ và thấy mình nhận được nhiều hơn cho. Có em, trước khi lên bàn mổ muốn được gặp ông già Noel. Ông đã đến cùng với bà Chúa Tuyết và thiên thần, tặng quà, chúc lành cho bé. Nhiều em viết thư nhờ ông già Noel tặng quà cho các bạn nghèo hơn trong xóm, trong lớp với tên tuổi cụ thể. Có em đề nghị ông già Noel tặng quà cho mẹ, cho bà đang ốm liệt giường. Có bé khoe đã nhận quà và chia cho các bạn cùng vui. Có em gọi điện thoại muốn được trò chuyện với ông già Noel…. Có phụ huynh tới gửi quà mà tiền quà ít hơn tiền gửi. Có phụ huynh nhờ tặng cả chó, mèo thật cho các bé…. Vui nhất là khi các ông già Noel đi tặng quà cho trẻ em ở Làng Hòa Bình Từ Dũ, ở bệnh viện Ung Bướu, bệnh viện Nhi Đồng, các trường trại xã hội, trẻ em đường phố. Cả trẻ con và người lớn đều ngạc nhiên, bất ngờ, thích thú. Trẻ em cảm động, còn người lớn không cầm được nước mắt. Các ông già Noel chính hiệu đã thổi vào những tâm hồn trẻ thơ kém may mắn ngọn lửa hy vọng, niềm tin vào lòng tốt và dạy các em biết ước mơ để vượt qua nghịch cảnh.
Đến hẹn lại lên. Cứ đầu tháng 12 là “Văn phòng Ông già Noel tại Việt Nam” mở cửa. Dù còn nhiều ý kiến và quan điểm trái ngược, vẫn có những nơi kiên trì tổ chức “Văn phòng Ông già Noel tại Việt Nam” với tiêu chí tốt đẹp, và chú trọng “Của cho không bằng cách cho”. Hãy trả cho các em thơ những ông già Noel thật sự, bởi các ông già Noel là những người bạn tốt nhất của trẻ em toàn thế giới.
Nguyễn Văn Mỹ
Bình luận (0)