Người đàn ông năm nay đã 55 tuổi, khuôn mặt có vẻ trầm tĩnh, nghiêm nghị nhưng thi thoảng lại liếc mắt lườm bọn trẻ cộng theo một nụ cười hiền lành như bảo với chúng rằng: "Đừng có giỡn quá như thế chứ! Hãy mở tập vở ra học đi nào!". Căn phòng đang náo nhiệt bỗng yên tĩnh hẳn ra. Người ta có thể nghe cả tiếng mở vở, mở sách của bọn trẻ. Lớp học của ông giáo Thắng luôn bắt đầu như thế.
Ông giáo Thắng là tên gọi thân mật mà bọn trẻ và người dân xã Duy Châu, huyện Duy Xuyên (Quảng Nam) dành cho ông Nguyễn Quang Thắng. Không như những người thầy khác, sự nghiệp làm thầy của ông bắt đầu một cách tình cờ và có thể nói là khá muộn. Năm 20 tuổi, sau khi rời khỏi mái trường trung học, chiến tranh đã cướp đi của ông đôi chân khỏe mạnh, từ đó ông luôn phải ngồi trên chiếc xe lăn. 30 năm sau (năm 1999), từ khi cuộc hôn nhân dang dở, từ bỏ thành phố Đà Nẵng nhộn nhịp, ông giáo Thắng trở về quê sống với người mẹ già mù lòa khi ông sắp sửa bước vào tuổi ngũ tuần.
Sống trong căn nhà được lợp bằng tranh tre, nứa lá ở thôn Lại Bắc, xã Duy Châu, huyện Duy Xuyên, ông giáo Thắng đã nhìn thấy cảnh nghèo nàn, khó khăn của bà con quê nhà. Nhiều đứa trẻ buổi sáng đi học, chiều về chăn trâu chăn bò, cắt khoai, cắt lúa. Trong ông nảy sinh ý định "đem ít vốn liếng học được ở lớp đệ nhị cấp để dạy cho bọn trẻ nghèo nơi quê nhà" và bắt đầu từ vài ba đứa hàng xóm làm học trò, căn nhà tranh bên bờ sông từ đó ê a vang lên tiếng học bài. Lớp học của ông giáo Thắng được nhiều người biết đến. Những người dân nghèo ở xóm Lại Bắc đã dẫn con đến ngày một đông hơn. Căn nhà trống trải không có bàn ghế, bọn trẻ phải đứng để học. Nhiều phụ huynh gửi con cho ông với mong mỏi con mình được học cái chữ, được biết thêm những điều hay lẽ phải mà nhiều khi vì không có tiền họ đã từng có ý định không cho con đến lớp. Ông giáo Thắng không đòi hỏi ở học trò và phụ huynh của chúng bất cứ điều gì ngoại trừ việc "phải chăm học, học thật giỏi để làm được nhiều việc", ông nói. Từ môn Tiếng Việt đến môn Toán, môn Anh văn và những môn khác, chỗ nào biết ông chỉ cho chúng, chỗ nào mới lạ ông tìm thêm sách để đọc và nâng cao kiến thức. Bây giờ ông giáo Thắng đã có rất nhiều học trò. Có đứa đã hết 12 và vào đại học. Đứa trước học xong bày lại cho đứa sau, vì thế mà trong lớp học, ông giáo Thắng được bọn trẻ trìu mến gọi là hiệu trưởng còn thằng bé lớn nhất được gọi là phó hiệu trưởng!
Căn nhà tuềnh toàng, rách nát, không bàn không ghế, không bảng đen phấn trắng lâu dần cũng không đủ chỗ cho bọn trẻ khăn gói tới học. Thấy ông giáo khổ quá, vừa lo dạy học, vừa lo cho mẹ già mù lòa, thêm mấy đứa nhỏ ham học mà học trong điều kiện quá thiếu thốn như thế, địa phương đã tìm nguồn tài trợ lợp cho ông một mái nhà tôn bên kia bờ sông thôn Cù Bàn để tiện việc đi lại. Từ hôm dọn về nhà mới, ông giáo Thắng lại lặn lội đến từng nhà động viên, khuyến khích bọn trẻ đi học nhiều hơn nữa. Bây giờ, không chỉ thôn Lại Bắc, thôn Cù Bàn nơi ông ở mà nhiều thôn khác trong xã đều có học trò nghèo tới học. Chị Hồ Thị Hai, cán bộ chuyên trách công tác dân số ở xã cho biết thêm: "Thay vì đóng tiền học phí (vì nếu có đóng ông cũng không lấy), như để cảm ơn người thầy kính mến, bọn trẻ tự nguyện giúp ông giáo tưới cây cảnh, đẩy xe lăn hoặc những việc lặt vặt trong nhà, thậm chí có đứa còn xin bố mẹ qua ở lại với ông giáo để ông bớt buồn và cô quạnh. Bố mẹ bọn trẻ khi thì gửi ông mớ rau, mấy lon gạo hoặc củ khoai củ sắn...". Bây giờ, xã nghèo Duy Châu, huyện Duy Xuyên đã không còn đứa trẻ nghèo nào không biết chữ...
Hoàng Anh
(Đài Phát thanh - Truyền hình Quảng Nam)
Bình luận (0)