Ông Hai cầu đường

30/03/2012 03:00 GMT+7

Bến Tre gồm 3 dải đất cù lao hợp thành, kênh, rạch dày đặc. Vì vậy mà người dân xứ dừa có câu “Làm cầu rồi lại làm cầu. Làm cho đến lúc bạc đầu mới thôi”. Giờ thì Bến Tre đang là địa phương dẫn đầu ĐBSCL về việc xóa cầu khỉ. Trong thành tích nổi bật ấy, có công đóng góp to lớn của ông Trịnh Văn Y.

Bến Tre gồm 3 dải đất cù lao hợp thành, kênh, rạch dày đặc. Vì vậy mà người dân xứ dừa có câu “Làm cầu rồi lại làm cầu. Làm cho đến lúc bạc đầu mới thôi”. Giờ thì Bến Tre đang là địa phương dẫn đầu ĐBSCL về việc xóa cầu khỉ. Trong thành tích nổi bật ấy, có công đóng góp to lớn của ông Trịnh Văn Y.

Ông Trịnh Văn Y đã được nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới. Còn người dân nơi đây thì gọi ông với cái tên thân mật “ông Hai cầu đường”.

 
Ông Hai cầu đường (giữa) tại lễ khánh thành cầu - Ảnh: Hội KHKTCĐ cung cấp

Từ năm 2000 đến nay, tỉnh Bến Tre đã xây trên 2.600 cây cầu với tổng chiều dài hơn 49.000m. Trong số này, Hội Khoa học kỹ thuật cầu đường (KHKTCĐ) tỉnh Bến Tre do ông Y làm chủ tịch đã vận động xây dựng được 1.222 cây cầu, với tổng kinh phí trên 150 tỉ đồng. Trong đó khoảng 120 tỉ đồng là tiền do các nhà hảo tâm ủng hộ, số còn lại do người dân địa phương đóng góp. Ông Y còn vận động xây dựng được trên 150 km đường giao thông nông thôn bằng bê tông.

Chưa tròn nhiệm vụ nên phải làm tiếp

Ông Y người huyện Giồng Trôm (Bến Tre), trước khi về hưu năm 2001, ông giữ chức vụ Phó chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, trong thời gian 11 năm liền. Thời điểm đó, Bến Tre vẫn là một tỉnh nghèo và bị chia cắt với các địa phương khác trong khu vực. Kinh tế chậm phát triển, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn nhất là ở vùng sâu vùng xa. “Về hưu, nhưng tôi vẫn có cảm giác mình chưa làm tròn trách nhiệm của một người lãnh đạo, còn mang nợ với nhân dân. Vì vậy, mình phải tiếp tục làm cái gì đó cho bà con khi vẫn còn khỏe mạnh”, ông Y tâm sự về cơ duyên đưa ông trở thành “ông Hai cầu đường”.

Ở Bến Tre thời đó, năm nào cũng có người chết (nhất là trẻ em) vì té cầu, chìm đò... Người dân còn nghèo cũng vì giao thông nông thôn chưa phát triển.

 

Ông Toni Ruttimann (Thụy Sĩ) là người chuyên xây dựng cầu từ thiện ở nhiều nước trên thế giới. Khi đang làm việc ở Campuchia, ông Toni Ruttimann được Đại sứ quán Việt Nam ở đó giới thiệu về An Giang, rồi Đồng Tháp. Biết tin, ông Hai tìm đến mời ông Toni Ruttimann về giúp bà con Bến Tre. Tấm lòng của ông Hai đã thuyết phục được nhà từ thiện này và nhờ đó, đến nay, Bến Tre đã có thêm 48 cây cầu cáp treo do ông Toni Ruttimann giúp đỡ xây dựng với tổng kinh phí trên 15 tỉ đồng. Đó là số tiền được ông Toni Ruttimann vận động từ các nhà hảo tâm mà ông quen biết ở khắp nơi trên thế giới.

Từ thực tế đó, ông Y nghĩ đến việc cần phải xây cầu, làm đường cho người dân ở vùng nông thôn. Vậy là ông vận động thành lập Hội KHKTCĐ tỉnh Bến Tre, trong năm 2001, lãnh sứ mệnh vận động hỗ trợ xây dựng giao thông nông thôn.

Theo ông Y, chuyện khó nhất là vận động các tổ chức kinh tế, từ thiện, nhất là các tổ chức ở nước ngoài đóng góp xây dựng cầu đường. Vì theo quan niệm của họ, cơ sở hạ tầng phải do nhà nước đầu tư xây dựng. Khó vậy nhưng rồi ông cũng tìm được cách thuyết phục họ thay đổi suy nghĩ. Ông kể, hồi năm 2005, biết tin Quỹ W.P.Schmitz của Đức đang làm từ thiện tại địa phương, ông đã tìm cách tiếp cận để vận động họ. Nhưng quan điểm của họ là chỉ làm từ thiện ở những hoạt động mang tính xã hội. Để thuyết phục họ thay đổi suy nghĩ, ông đã đưa họ đến những vùng nông thôn, cho họ đi qua những cây cầu khỉ. Sau chuyến đi đó, họ đã đồng ý tài trợ kinh phí để làm thử trước 10 cây cầu. Năm sau họ lại tiếp tục tài trợ thêm 10 cây nữa. Đến năm 2007, thấy được hiệu quả của chương trình, họ yêu cầu ông lập dự án để trình chính phủ Đức cấp kinh phí. Kết quả là Bộ Hợp tác kinh tế và phát triển CHLB Đức đã hỗ trợ kinh phí cho hội xây dựng thêm 171 cây cầu.

Một đồng cũng không để thất thoát

Ông Y tâm sự: “Đến giờ khi nhìn lại số lượng cầu, đường mà hội đã vận động được, chúng tôi cũng rất bất ngờ và vui mừng”.

Phương pháp để vận động được một số tiền lớn như vậy theo ông Hai cũng khá đơn giản, đó là: “Công khai hóa mọi chuyện và 1 đồng cũng không để thất thoát. Muốn xây dựng một cây cầu nào đó, đầu tiên chúng tôi đi khảo sát, rồi về lập hồ sơ thiết kế và sau đó là đi vận động. Nhưng chỉ vận động các nhà hảo tâm ủng hộ từ 50 đến 90% giá trị công trình, phần còn lại vận động người dân địa phương đóng góp. Thành ra mỗi công trình đều có một ý nghĩa rất đặc biệt đối với người dân địa phương. Đó cũng là cách để họ thấy được quyền lợi và trách nhiệm của mình trong đó”.

Quan điểm của ông Hai là tất cả những thông tin liên quan đến công trình đều được đưa lên bảng lưu niệm cho mọi người biết. Khi công trình hoàn thành thì mời những người đã hỗ trợ kinh phí đến làm lễ khánh thành. Họ thấy được đồng tiền của mình được sử dụng như thế nào, người dân đón chào nó với tinh thần háo hức ra sao... Từ đó, họ thấy được hiệu quả của việc mình làm rồi tự nguyện đi vận động người khác cùng tham gia.

Có thể kể đến như trường hợp của cô giáo nghỉ hưu Lê Thị Hồng Lập ở TP.HCM. Ban đầu bà hỗ trợ 120 triệu đồng tiền dành dụm để xây cầu Đình ở xã Hưng Nhượng, huyện Giồng Trôm. Sau đó bà vận động những người xung quanh cùng tham gia xây dựng và sửa chữa được thêm 60 cây cầu khác.

Hiện nay, khi mà những cây cầu khỉ, cầu tạm đã cơ bản được thay thế bằng những cây cầu bê tông thì ông Hai cầu đường lại lên kế hoạch nâng cấp, sửa chữa những cây cầu cũ đang xuống cấp.

Chí Nhân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.