Ông Lê Hiếu Đằng: Không thể lấy hộ khẩu để làm điều kiện cấp chủ quyền nhà!

07/10/2004 21:22 GMT+7

Sau khi báo Thanh Niên ngày 1/10/2004 đăng bài: "Cấp chủ quyền nhà đất tại TP Hồ Chí Minh: Người thuộc diện KT3 tiếp tục thất vọng", Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (UBMTTQ) TP Hồ Chí Minh đã có công văn số 411 ký ngày 4/10/2004 gửi Chủ tịch UBND TP nêu lên những bất hợp lý trong văn bản 5252 (ngày 3/9/2004). Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Lê Hiếu Đằng - Phó chủ tịch UBMTTQ TP Hồ Chí Minh cho biết:

Trước hết, tôi xin nói rõ việc UBND TP Hồ Chí Minh ban hành một quyết định có liên quan đến cuộc sống của nhiều người dân đã hơn một tháng (văn bản 5252 ngày 3/9/2004 - PV) nhưng cho đến nay UBMTTQ thành phố vẫn chưa nhận được là một việc làm trái với tinh thần của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Nghị định 50/2001/NĐ của Chính phủ.

Qua bài đăng trên báo Thanh Niên ngày 1/10/2004, chúng tôi mới biết những bất hợp lý của văn bản 5252 và đã có ngay công văn gửi Chủ tịch UBND thành phố, trong công văn này UBMTTQ thành phố đã nói rõ quan điểm của mình với tư cách là cơ quan đại diện cho mọi tầng lớp nhân dân. Công văn này nêu rõ: Việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở và việc giải quyết hộ khẩu thường trú cho người dân là 2 vấn đề khác nhau, không thể lấy vấn đề này để làm điều kiện để giải quyết việc kia và ngược lại. Qua phát biểu của đồng chí Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường tại Quốc hội thì Chính phủ chưa có quy định nào như vậy. Do đó, những người dân thuộc diện KT3 vẫn được cấp giấy chủ quyền nhà ở, đất ở dù nguồn gốc nhà đã mua là của ai, miễn là việc mua bán là hợp pháp, đúng luật định. Không thể, dù là bước đầu, chỉ giải quyết những đối tượng như trong công văn 5252. Đây là một vấn đề xã hội rất nhạy cảm, do vậy UBND thành phố cần xem xét để có chủ trương phù hợp, đáp ứng được nguyện vọng của đông đảo người dân tạm trú hiện nay đang tha thiết muốn được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở.

* Trong văn bản 5252 của UBND TP Hồ Chí Minh có sự phân biệt khi cấp giấy chủ quyền nhà đất cho người mua nhà, đất của các doanh nghiệp nhà nước và các doanh nghiệp tư nhân. Ý kiến ông về vấn đề này như thế nào?

- Không nên có sự phân biệt đó mà phải có cách nhìn thoáng hơn, doanh nghiệp tư nhân cũng là một thành phần kinh tế quan trọng. Về điểm này, tôi đồng ý với cách đặt vấn đề của báo Thanh Niên, là phải cấp giấy chủ quyền cho người mua nhà đất hợp pháp. Thậm chí, với một số dự án làm ăn không đứng đắn mà người dân ngay tình lỡ mua nhà đất thì vẫn phải cấp chủ quyền cho họ. Còn nếu chủ đầu tư vi phạm thì Nhà nước cứ việc xử lý.

* Nay thành phố mới chỉ mở cho vài ba đối tượng chưa có hộ khẩu thường trú tại thành phố được cấp giấy chủ quyền nhà đất. Ông có nhận xét gì về việc này?

- Tôi xin khẳng định rằng vấn đề công dân có quyền cư trú đã được Hiến pháp của Nhà nước ta quy định, không có lý do gì mà không cấp chủ quyền nhà ở cũng như hộ khẩu cho họ. Đáng ra, nếu người dân chưa có hộ khẩu, ta phải tìm cách để cấp sổ hộ khẩu cho họ để tiện việc quản lý chứ không nên có những quy định ràng buộc đến mức luẩn quẩn nhà đất - hộ khẩu như từ trước đến nay thành phố vẫn áp dụng. Đây là những quy định riêng, không có chủ trương nào từ trung ương cả. Tại sao Việt kiều từ các nước về Việt Nam mua nhà thì Nhà nước ta vẫn cho phép với một chủ trương đúng đắn như vậy, mà người dân trong nước thì lại không thể tạo điều kiện cho họ có nhà ở hợp pháp, có hộ khẩu đàng hoàng?

* Xin cảm ơn ông.

Trần Thanh Bình
(thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.