‘Ông lớn’ cũng lao đao

13/01/2014 09:00 GMT+7

Nhiều doanh nghiệp từng dẫn đầu trong một số ngành sản xuất rơi vào tình trạng lâm nguy do khủng hoảng kinh tế kéo dài.

‘Ông lớn’ cũng lao đao
Sản xuất tại Tập đoàn kỹ nghệ gỗ Trường Thành - từ một trong những thương hiệu gỗ lớn nhất tại VN nay đang gặp rất nhiều khó khan - Ảnh: D.Đ.Minh

Nợ bủa vây

Chỉ cách đây vài năm, Trường Thành (Tập đoàn kỹ nghệ gỗ Trường Thành - TTF) là một trong những thương hiệu gỗ lớn nhất tại VN. Năm 2011, tập đoàn này dẫn đầu thị trường nội địa về gỗ chế biến xuất khẩu với kim ngạch trên 3.000 tỉ đồng. Ít ai có thể ngờ được, vài tháng trước TTF đã rơi vào tình trạng cực kỳ khó khăn khi bị hàng loạt ngân hàng (NH) chủ nợ thu hồi vốn cũ, từ chối khoản vay mới. Và đỉnh điểm là TTF có cuộc gặp với 13 NH để xin gia hạn thời gian trả nợ qua năm sau khi tổng nợ vay đã lên tới hàng ngàn tỉ đồng. Trước đó, TTF phải xin phát hành thêm cổ phiếu dưới mệnh giá để thu về 98 tỉ đồng bổ sung vốn kinh doanh... Giải pháp bất đắc dĩ này cũng đang được TTF lên kế hoạch tiếp tục thực hiện với hy vọng có thêm 700 tỉ đồng để xoay xở. Thế nhưng, số phận thương hiệu gỗ hàng đầu VN đến lúc này cũng chưa biết thế nào khi những khó khăn chung được dự báo sẽ còn tiếp tục.

Được xem là 1 trong 4 doanh nghiệp (DN) xuất khẩu cà phê hàng đầu VN và là DN duy nhất hoạt động theo mô hình khép kín từ canh tác, thu hoạch, chế biến, dịch vụ đến xuất khẩu cà phê, nhưng lúc này Tập đoàn cà phê Thái Hòa (THV) cũng đang lâm nguy. Tính đến giữa năm 2013, con số lỗ lũy kế của THV đã lên hơn 622,5 tỉ, cao hơn cả vốn điều lệ 577,5 tỉ đồng. Đặc biệt, tổng số nợ phải trả lên hơn 2.000 tỉ đồng và trong đó hơn 1.900 tỉ đồng là nợ ngắn hạn. Hủy niêm yết, xin các NH gia hạn nợ, thậm chí, ông chủ của THV cũng từng thẳng thắn xin "cơ hội để trả nợ"... Thế nhưng, câu hỏi liệu "ông lớn" trong ngành cà phê này có vượt qua được cơn "bĩ cực" hay không chưa thể trả lời.

Tương tự là thương hiệu Xi măng Hà Tiên 1 của CTCP Xi măng Hà Tiên 1 (HT1). Đây là thương hiệu lớn nhất trong ngành này xét về quy mô, doanh số và công suất. Nhưng cũng như các ông lớn trên, HT1 đang phải đối mặt số nợ hàng ngàn tỉ đồng và kết quả kinh doanh bấp bênh, thua lỗ và giá cổ phiếu liên tục rớt chỉ còn một nửa so với mệnh giá...

Gánh nặng lãi vay

Nguyên nhân dẫn đến kết cục của các DN nói trên cũng như hàng ngàn DN đã phá sản hay đang “chết lâm sàng” cũng tương tự nhau. Đầu tư bằng vốn vay, lãi suất tăng chóng mặt trong khi đầu ra bị "tắc" khiến họ rơi vào tình trạng nan giải. Nếu trước năm 2008, lãi vay ở mức dưới 10%/năm thì từ 2009 - 2011, có thời điểm lãi suất cho vay lên trên 20%/năm khiến những công ty vay lớn khủng hoảng. Đơn cử như HT1, năm 2010 chi phí lãi vay của công ty là 311 tỉ đồng thì một năm sau đã tăng lên hơn gấp đôi. Tổng cộng qua 3 năm từ 2010 - 2012, HT1 phải trả lãi vay lên đến 1.927 tỉ đồng. Cũng trong vòng 3 năm từ 2010 - 2012, TTF cũng phải trả hơn 600 tỉ đồng lãi, còn số lãi mà THV phải trả trong giai đoạn này là 667 tỉ đồng.

Trong khi lãi vay tăng chóng mặt thì đầu ra bị nghẽn lại. Kinh tế khó khăn, người tiêu dùng trong nước và thế giới đều thắt chặt chi tiêu khiến tiêu thụ của TTF giảm mạnh, dù công suất được gia tăng gấp đôi. Trong khi đó tồn kho tăng mạnh. Cuối năm 2011, trị giá hàng tồn kho của TTF là 1.668 tỉ đồng thì đến cuối năm 2012 tăng lên 1.962 tỉ đồng... Thiếu đơn hàng phù hợp, tồn kho cao dẫn đến cạn kiệt vốn lưu động là bài học đắng cay của TTF. Hay như THV, trị giá hàng tồn kho đến cuối năm 2012 vẫn hơn 600 tỉ đồng... Đặc biệt, các nhà máy mới xây dựng xong phải nằm không vì thiếu nguyên liệu. Chẳng hạn THV có hai nhà máy với công suất hơn 110.000 tấn/năm ở Quảng Trị, nhưng theo Cục Trồng trọt, vào năm 2012 diện tích trồng cà phê tại địa phương này chỉ có 5.000 ha, đáp ứng khoảng 40% công suất cho các nhà máy tại đây. Hay tại Điện Biên, Sơn La, sản lượng cà phê ở mức 10.000 tấn trong khi riêng nhà máy của THV đã có công suất lớn gấp 3 lần. Đại diện THV từng trao đổi với báo chí rằng, khi xây dựng nhà máy chế biến cà phê, chè ở Sơn La đã tính toán nguồn nguyên liệu tại chỗ và những tỉnh lân cận. Nhưng do người dân trồng cà phê quen với cách tự chế biến rồi đem bán, thay vì bán cà phê tươi, nên nhà máy đã không thể hoạt động đúng như mong muốn ban đầu.

Tương tự, từ năm 2010, kinh tế càng khó khăn, thị trường bất động sản trầm lắng thì mức tiêu thụ của ngành xi măng luôn trong tình trạng cung vượt cầu. Tổng mức tiêu thụ xi măng chỉ đạt khoảng 54 triệu tấn, thấp xa so với tổng công suất thiết kế của các nhà máy xi măng trên cả nước đã đưa vào hoạt động là 68,5 triệu tấn. Do sức ép cung lớn hơn cầu, chi phí sản xuất liên tục gia tăng nhưng giá bán khó tăng kịp, lại phải giảm công suất nên chuyện các DN ngành xi măng thua lỗ cũng không gây ngạc nhiên.

Doanh nghiệp kiệt sức

Nhìn nhận về nguyên nhân khiến DN rơi vào tình trạng lâm nguy, ông Võ Trường Thành, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc TTF, thẳng thắn: “Năm 2010, nhiều người cho rằng khủng hoảng đang đi qua sau 3 năm nhưng đến nay tác động của nó vẫn còn rất nặng nề. Cuộc khủng hoảng kéo dài đến 5 - 6 năm là khoảng thời gian dài nhất trong lịch sử kinh tế mà tôi từng biết. Điều này khiến các DN kiệt sức. Cùng với việc không quyết đoán để đưa ra quyết sách đúng ngay từ sớm nên càng khiến chúng tôi gặp khó khăn”. Còn theo ông Nguyễn Văn An, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc THV, do sử dụng vốn ngắn hạn vào đầu tư dài hạn mà chủ yếu là trồng cà phê và cao su nên THV đã gặp khó khăn về hoạt động và thua lỗ nặng nề trong những năm qua.

Mai Phương

>> Đại gia bất động sản làm nông dân
>> Vụ vỡ nợ của đại gia thủy sản Phương Nam: Khởi tố, bắt giam nhiều cán bộ ngân hàng
>> Khi các 'đại gia' ngoại đổ vốn vào thị trường bảo hiểm
>> Bình Dương lên tiếng vụ đại gia ‘tố’ chủ tịch tỉnh
>> Huyền Ny nói về 'đại gia' của mình

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.