Ông mù tay không bắt cá

08/04/2012 03:27 GMT+7

Giữa dòng sông Nhùng (Hải Lăng, Quảng Trị) có một người đàn ông ngoi lên ngụp xuống, chốc chốc lại quờ tay bỏ cá vào giỏ rất thuần thục. Chuyện đó không có gì lạ nếu người đó không phải là Lê Thanh Vận, một ngư dân mù...

Giữa dòng sông Nhùng (Hải Lăng, Quảng Trị) có một người đàn ông ngoi lên ngụp xuống, chốc chốc lại quờ tay bỏ cá vào giỏ rất thuần thục. Chuyện đó không có gì lạ nếu người đó không phải là Lê Thanh Vận, một ngư dân mù...

 
Vợ chồng ông Vận hài lòng với cuộc sống hiện tại - Ảnh: Nguyễn Phúc

Gặp được ông Vận không phải dễ, tuy mù lòa nhưng ông ít khi cho chân tay được nghỉ ngơi. Người viết phải tìm tới nhà năm lần bảy lượt vì lúc ông đi làm tăm, lúc ông đi nhổ cỏ, lúc ông đi bắt cá... Phải hẹn hò kỹ lưỡng, tôi mới đánh xe vào nhà ông ở thôn Thượng Xá (xã Hải Thượng, H.Hải Lăng). Mới vừa tắt máy, ông Vận dù quờ quạng từ trong nhà đi ra nhưng đã dõng dạc nói: “Chú mới tới, tui chờ chú từ nãy đến giờ”, cứ như thể ông là người sáng và nhìn thấy tôi vậy. 

Thất học, mù lòa...

Ông Vận sinh năm 1959 trong một gia đình có tới 7 người con, đời sống cơ cực. Tuổi thơ của ông khá nhọc nhằn khi phải cùng gia đình di chuyển nhiều nơi, thay đổi chỗ ở liên tục vì kế sinh nhai và chiến tranh. Sau ngày đất nước giải phóng, gia đình ông mới được về quê, sống tạm yên cho đến ngày nay.

Cảnh nhà đã vậy nhưng khốn nỗi ông Vận lại bị mù. “Tui nhớ như in là hồi nhỏ tui vẫn chộ mờ mờ chứ không đến nỗi mờ căm như ri. Phải đến khoảng năm 1978 hay 1979 gì đó tui mới thực sự mù hẳn. Hồi nớ nghèo quá chứ có tiền mà đi chữa thì chừ cũng không đến nỗi mô chú hè?” - ông Vận chua chát hỏi.

Ông Vận chưa bao giờ được đi học, thời nhỏ ông toàn đi ở đợ cho nhà người để kiếm cơm. Đến lúc lớn lên thì mắt mũi tệ dần, ông chỉ đi lừng chừng trong làng, cũng vấp, cũng té, đêm cũng như ngày và chẳng yêu đương gì. Người ta không ghét bỏ ông nhưng ai cũng sợ lấy ông rồi đẻ con ra sẽ mù như cha nó. “Vợ tui đó, lúc lấy tui cũng chỉ còn một con mắt thôi”- ông nói.

Ngày ông cưới bà Đặng Thị Tiềm (SN 1962, ở cùng làng), bà con nói ra nói vào, người xuýt xoa thôi thì 2 mảnh đời ghép lại, người lo lắng cảnh “chồng mù, vợ chột” thì lấy gì mà ăn... 

Rái cá sông Nhùng

 
Ví như chừ vứt cá ra đầy sân thì chắc tui chỉ lượm được vài con nhưng xuống nước thì ít con nào thoát khỏi tay tui... 
Ông Lê Thanh Vận

Người mù có thể tự chăm sóc bản thân, làm những việc đơn giản đã khó, ấy vậy mà ông Vận có một biệt tài tréo ngoe là bắt cá, lại chỉ bắt bằng tay không. Ông đã vẫy vùng trên sông Nhùng, tìm con cá, con tôm từ khoảng năm 1980, khi chưa có vợ... Bà Phạm Thị Huệ, 74 tuổi, hàng xóm của ông Vận, tặc lưỡi : “Cái thằng nớ trời cướp đi đôi mắt nên trời nuôi. Một tay cáng đáng gia đình, lại mù lòa rứa chớ có khi mô hắn để cho vợ con đói. Gạo có khi thiếu chớ cá tôm lúc nào cũng có...”.

Riêng ông Vận lại bảo: “Nghiệm lại tui có được cái tài bắt cá cũng là do “đói quá thì đầu gối phải bò”. Không lặn thì không có ăn, lặn một thời gian thì quen nên giờ hễ ra sông là chắc chắn tui bắt được cá, dù có khi nhiều khi ít...”.

Hành trang cho mỗi lần đi bắt cá chỉ là một cái giỏ tre, một cái phao nhỏ và một hộp sữa để uống khi đói. Thời gian làm việc thường từ 10 giờ sáng đến 16 giờ chiều hằng ngày. “Nói thế nào cho chú hiểu, vì với tui chừ bắt cá đã là một kỹ năng mà tui cũng không giải thích rõ được. Đại để như ri, tui buộc dây nối cái giỏ vào người rồi lặn xuống nước, thấy có động con cá sẽ nấp vào những bậc đá, những nhành cây dưới đáy. Lúc này tui sẽ dùng một tay mò mẫm vào những chỗ đó, khi con cá phóng ra là tay kia của tui chụp được ngay...” - ông Vận lý giải một cách rất khó khăn.

Dù nghe ông phân tích “kỹ thuật bắt cá” cả tiếng đồng hồ nhưng tôi vẫn không thể nào tưởng tượng ra làm cách nào mà lũ cá khôn lanh có thể dễ dàng sà vào tay ông như thế. Thậm chí trong lòng tôi cũng có chút hoài nghi...

Như nhận ra điều đó, ông Vận liền thay quần áo, kéo tôi ra bờ sông để “biểu diễn”. Chừng 1 giờ hụp lặn, ông Vận mò mẫm lên bờ với bộ quần áo ướt sũng, trong giỏ những con cá lóc, cá rô, cá lúi đã đầy phân nửa, quẫy đành đạch. Tôi tròn xoe mắt trong khi ông cười sần sật: “Ở trên bờ tui thua thiệt người ta, chứ xuống dưới nước là tui đã về lãnh địa của mình. Ví như chừ vứt cá ra đầy sân thì chắc tui chỉ lượm được vài con nhưng xuống nước thì ít con nào thoát khỏi tay tui...”.

Thấy ông Vận làm ăn “dễ dàng”, nhiều người lành lặn đã xin đi theo ông để tập tành bắt cá nhưng rồi hết thảy đều về không. “Coi vậy nhưng khó chứ không dễ mô. Có người đi lặn với tui ba bốn ngày mà không bắt được một con cá mén, tội quá tui phải cho họ một ít để lấy lộc...” - ông Vận chia sẻ.

Ngoài bắt cá, việc gì làm ở dưới nước mà có tiền để nuôi vợ nuôi con, ông Vận đều không nề hà. Từ việc xúc cát dưới lòng sông đến lặn tìm phế liệu, thậm chí cả việc vớt xác người chết... 

Nến cong cho lửa thẳng

Ông Vận có tài bắt cá nên bà Tiềm, vợ ông, nhờ đó mà có nghề bán cá. Ngoài ra, ông bà cũng có 4 sào ruộng và vài luống sắn, hiện nay tạm thời “ăn no, mặc ấm”.

 
Vợ chồng ông Vận hài lòng với cuộc sống hiện tại - Ảnh: Nguyễn Phúc

Chắt chiu qua tháng năm, từ một gian nhà tạm bợ được ghép lại bằng những tấm ván bạch đàn lỏng lẻo, nay vợ chồng ông đã dựng được một ngôi nhà ba gian bằng gạch, dẫu chưa tô trét nhưng cũng có thể che nắng che mưa. Trong tổ ấm bé nhỏ này, bà con xóm giềng chưa bao giờ nghe tiếng chén bát lẻng xẻng, tiếng to tiếng nhỏ gì...

Chỉ tiếc rằng sức khỏe của ông nay đã gầy hao nhiều. Vì những lần ngụp lặn nên trên đôi chân ông cũng chi chít vết sẹo do mảnh chai, dây thép cứa vào, động trời lại hay đau nhức. “Sông Nhùng có nơi sâu từ 3 đến 4 mét nhưng hồi xưa tui lặn một hơi từ bên này sang bên kia sông, giờ thì chịu. Có hôm tui ham nhặt phế liệu dưới sông, có khi nặng phải 30 kg rồi. Đống phế liệu đó nặng quá nên đè tui xuống đáy, tui uống nước no bụng. May tui tháo dây ra được và bò vào bờ. Hú hồn, nếu không thì ai nuôi vợ con...” - ông Vận rùng mình khi kể lại vụ “tai nạn” kinh hoàng.

Ông Vận và bà Tiềm có 4 người con, tất cả đều lành lặn, có lẽ đó là gia tài lớn nhất và cũng là niềm tự hào vô bờ của họ. “Con tui đều được ăn no, được học hành, dẫu chưa giỏi giang, xuất sắc như con nhà người ta nhưng chúng chắc chắn sẽ không bị mù, chắc chắn sẽ là người tốt, chắc chắn sẽ không phải phó thác số mạng cho thủy thần hà bá như tôi...”.  Nói đến đây, giọng ông run run, tưởng chừng như có những tia nước ứa ra từ đôi mắt mù lòa, bao nhiêu năm qua không hề biết khóc... 

Nguyễn Phúc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.