Ông Mười Khôi, một đại anh hùng

21/01/2008 23:30 GMT+7

Kỳ 2: Biển máu dưới Điều 14C Hiệp định Genève Các lão nông ở Điện Tiến đến giờ còn thuộc lòng Điều 14C của Hiệp định Genève. Đó là nỗi ám ảnh không bao giờ nguôi trong tâm trí người Việt Nam sống vào thời đó.

Xin tóm lược tinh thần và việc thi hành Hiệp định Genève lúc đó để bạn đọc dễ theo dõi. Hiệp định Genève cam kết tôn trọng độc lập chủ quyền, độc lập thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, lấy vĩ tuyến 17 làm giới tuyến quân sự tạm thời để hai bên tập kết quân (quân đội Nhân dân Việt Nam ở phía Bắc và quân đội Liên hiệp Pháp ở phía Nam) và quy định 2 năm sau thực hiện tổng tuyển cử thống nhất đất nước. Điều 14C của Hiệp định ghi rõ: "Mỗi bên cam kết không dùng cách trả thù hoặc phân biệt đối xử với những cá nhân hoặc tổ chức, vì lý do hoạt động của họ trong lúc chiến tranh, và cam kết bảo đảm những quyền tự do dân chủ của họ". Nhân dân cả nước tin tưởng vào con đường độc lập, hòa bình, thống nhất đất nước theo Hiệp định. Và nước Việt Nam dân chủ cộng hòa nghiêm chỉnh thi hành Hiệp định. Việc nghiêm chỉnh thi hành Hiệp định không những được thể hiện công khai mà ngay cả trong những chỉ đạo bí mật của Đảng Lao động Việt Nam. Toàn bộ lực lượng vũ trang, tất cả vũ khí, khí tài đều được tập kết ra Bắc. Tự tước đi vũ khí của mình, cách mạng miền Nam bị dìm trong biển máu.

Ở Quảng Nam - Đà Nẵng, đến khi kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp, chúng ta đã kiểm soát trên 90% lãnh thổ với một hệ thống chính trị hoàn chỉnh và vững mạnh bao gồm Đảng, chính quyền, lực lượng vũ trang, mặt trận và các đoàn thể cùng nhân dân đang phấn chấn với những thành quả của kháng chiến. Đùng một cái, phải giải thể chính quyền, giải thể hệ thống chính trị, đưa tất cả lực lượng vũ trang và vũ khí đi tập kết, chuyển giao toàn bộ quyền quản lý lãnh thổ cho địch. Phần lớn cán bộ, đảng viên (trừ đảng viên trong lực lượng vũ trang phải đi tập kết) đều ngừng sinh hoạt Đảng, về sống với gia đình, chỉ có một bộ phận được chỉ định rút vào hoạt động bí mật. Những người kháng chiến, những người yêu nước ở miền Nam nói chung, ở Quảng Nam - Đà Nẵng nói riêng hoàn toàn không còn vũ khí.

Trong khi chúng ta nghiêm chỉnh thi hành Hiệp định và trong tay không còn vũ khí thì, với âm mưu được chuẩn bị trước, Mỹ nhảy vào hất cẳng Pháp, dựng lên và hậu thuẫn cho chính quyền Ngô Đình Diệm xé bỏ Hiệp định, ráo riết tổ chức bộ máy đàn áp tấn công giết hại đảng viên và quần chúng yêu nước tay không tấc sắt. Ngay trong những ngày đầu tiên sau Hiệp định Genève, chỉ riêng trong tháng 9.1954, Mỹ - Diệm liên tiếp gây ra những vụ khiêu khích, đầu tiên là ở Chợ Được (Thăng Bình) tiếp đến là Chiên Đàn (Tam Kỳ), Cây Cốc (Tiên Phước), Ái Nghĩa (Đại Lộc), chúng ra lệnh cho binh lính xả súng bắn giết gần 500 người (hàng trăm người chết), bắt hơn 60 người. Đến cuối năm 1954, có hơn 300 cán bộ đảng viên bị bắt và giết hại bằng tra tấn. Các chiến dịch khủng bố những người kháng chiến cũ được tiến hành ráo riết, các cuộc lùng sục, bắt bớ cán bộ, đảng viên diễn ra khắp nơi với những thủ đoạn cực kỳ tàn độc: khoét mắt, xẻo tai, mổ bụng, đóng đinh vào tứ chi, dùng xăng đốt cháy, bỏ bao tời dìm xuống đập, thả biển, thả sông, chôn sống... từ lẻ tẻ đến hành hình tập thể. Đầu năm 1955, Mỹ - Diệm bắt đầu mở chiến dịch "tố cộng" giai đoạn 1 ở các tỉnh khu 5 để "rút kinh nghiệm" nhằm mở rộng đánh phá toàn diện, truy sát tận gốc cán bộ đảng viên, ngăn chặn cuộc đấu tranh đòi hiệp thương tổng tuyển cử, trong đó trọng điểm là chiến dịch "Phan Chu Trinh" (2.1955), tiếp đó là chiến dịch "Trịnh Minh Thế" đánh phá ác liệt Quảng Nam. Cuối năm 1955 đầu 1956, chúng mở tiếp các chiến dịch "Thanh minh tố cộng", chiến dịch càn quét "vi trùng cộng sản". Năm 1957, chúng phát động tố cộng giai đoạn 2 với các thủ đoạn thâm độc và khốc liệt hơn, giết hại không biết bao nhiêu mà kể... "Bất cứ ai cũng có thể bị tra tấn, bị hành hạ đến chết, có thể thủ tiêu bất cứ lúc nào. Không có đêm nào không có người bị thủ tiêu, chôn sống, thả sông hoặc giết hại bằng cách này hay cách khác; từ bắt giết lẻ tẻ thường xuyên khắp nơi, đến giết tập thể hàng loạt" (theo Những ngày giữ lửa, NXB Đà Nẵng, 1997). Từ trên dưới 5 vạn đảng viên khi đình chiến, đến cuối năm 1958, cả tỉnh còn không tới 100 đảng viên.

Máy chém mà chính quyền Ngô Đình Diệm đem sử dụng đàn áp cách mạng miền Nam (ảnh tư liệu)

Như đã nói, sau Hiệp định Genève ông Mười Khôi được phân công ở lại, được chỉ định làm Phó bí thư Tỉnh ủy, ông Trương Chí Cương làm Bí thư, sau đó ông Trương Chí Cương bị bệnh được điều ra Bắc, ông Phan Tốn làm Bí thư. Ông Cao Sơn Pháo cũng làm Phó bí thư (có lúc làm quyền Bí thư một thời gian). Là đảng viên, là cán bộ lãnh đạo, ông chấp hành Nghị quyết của Đảng, nhưng với bản năng và kinh nghiệm thực tiễn, trước sau ông không tin đối phương thi hành Hiệp định Genève. Bởi vậy, khi họp Thường vụ Tỉnh ủy bàn chủ trương thi hành Hiệp định, ông đề nghị giữ lại một tiểu đoàn có vũ khí đầy đủ, để - theo lời ông ghi trong sổ tay - "đưa lên phân tán làm ăn trên 4 huyện miền tây, khi nào kẻ địch không thi hành Hiệp định thì ta có lực lượng vũ trang để hỗ trợ cho ta đấu tranh chính trị". Nhưng đề nghị này "không được các đồng chí trong Thường vụ đồng ý, vì ta phải chấp hành, nếu làm sai Trung ương sẽ khiển trách". Thường vụ chỉ đồng ý "để lại một số súng đạn độ 500-600 khẩu", số súng này được chôn giấu tại xã Quế Phong, nhưng "đã bị Quốc Dân Đảng lấy hết".

Không có lực lượng vũ trang, không có vũ khí mà dù có vũ khí cũng không được dùng. Lực lượng tan nát, tất cả bó tay. Khi địch tập trung khủng bố dữ dội, ông đề nghị với Bí thư Phan Tốn: "Chúng ta tổ chức diệt ác đi, nếu không thì không hỗ trợ được cho đấu tranh chính trị, hai anh em ta chịu trách nhiệm chuyện này". Ông Phan Tốn nói: "Không được! Đâu chỉ có tau với mày bị khai trừ, mà toàn bộ Đảng bộ này cũng sẽ bị khai trừ khỏi Đảng".

Ông Đỗ Quang Thắng nhớ lại: "Hồi đó khủng bố mỗi lúc một ác liệt, khủng bố vào quần chúng, khảo tra liên tục, chúng lệnh cho toàn dân hễ cán bộ ta vào là đánh mõ, ai không đánh mõ phải chịu trách nhiệm, rồi chúng cài mật thám vào, đánh ai đúng nấy, dân sợ cái đó lắm. Ông Cao Sơn Pháo, Phó bí thư, làm căn cước giả định chuyển vào hoạt động bí mật trong thành phố, trên đường đi bị địch bắt. Ông ấy có súng, người bảo vệ có súng, nhưng không dám bắn, vì sợ vi phạm kỷ luật, đành để chúng bắn chết. Nhiều người khác khi bị bắt đã dùng dao tự sát. Không có cuộc cách mạng nào như vậy cả, giơ lưng cho người ta đánh. Còn ông Mười Khôi, một tay lo toan mọi thứ, bắt liên lạc, phát triển cơ sở, tổ chức lại lực lượng. Ban ngày làm việc giữa đám mía, khi gặp nguy nhập vào dân. Ban đêm đánh trống đánh mõ, người khác không vào được nhưng ảnh vẫn vào. Dân dù có chết cũng bảo vệ ảnh".

"Công lớn nhất của ông Mười Khôi là sắp xếp, khôi phục lại giang sơn của tỉnh này", cựu Bí thư Huyện ủy Điện Bàn Nguyễn Tất Thắng nói với chúng tôi. Ông Tất Thắng bảo: "Ổng nhạy bén lắm. Khi thấy địch không thi hành Hiệp định, sau khi quân ta tập kết hết rồi, thấy không bảo tồn được lực lượng, ông đã nhanh chóng huy động 3.000 cán bộ đưa lên núi để bí mật đưa ra Bắc. Ổng nói phải đưa đi gấp, để lại sẽ chết hết. Chính tui được ổng giao nhiệm vụ đưa số cán bộ này đi, ổng bảo tui: chú ở lại cũng không làm được gì. Việc này khó khăn không kể xiết, muối không có, ký-ninh (chữa sốt rét) không có. Chúng tôi phải xoi đường mà đi, nhờ đó mà sau mới có đường mòn, nhờ đó mà sau này có cán bộ lần lượt đưa về hoạt động. Không có ông Mười Khôi, một manh áo cách mạng cũng không còn. Nghĩ lại thấy đau lòng, gian nan cơ cực, răng ổng cái rụng cái lung lay, đói khát triền miên, nhằn lúa non mà mút cũng không được, đào được củ khoai lang sống người bảo vệ cũng phải nhai mà bón cho ổng...".

Kỳ 1: Những giọt nước mắt của ông cựu Ủy viên Bộ Chính trị

Hoàng Hải Vân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.