Ông Mười Khôi, một đại anh hùng

21/01/2008 00:56 GMT+7

Nói Quảng Nam "trung dũng kiên cường..." mà không biết rõ ông Mười Khôi thì không thể hiểu được vì sao mảnh đất này mang danh hiệu đó.

Kỳ 1: Những giọt nước mắt của ông cựu Ủy viên Bộ Chính trị

Người đầu tiên kể cho chúng tôi nghe một cách có hệ thống chuyện ông Mười Khôi là ông Đỗ Quang Thắng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng khóa VII. Ông Thắng có nhiều công lao trong hai cuộc kháng chiến và nổi tiếng là người chính trực, chí công vô tư. Chúng tôi được chứng kiến ngày cuối cùng của Đại hội VIII, ngày hôm đó ông hết nhiệm kỳ Trung ương và Bộ Chính trị, ông đã trả lại ngôi biệt thự được cấp cho vợ chồng ông ở Hà Nội và lên đường về quê ngay sáng hôm sau. Tôi không hiểu lắm các "chế độ chính sách" đối với cán bộ lãnh đạo, nhưng nhìn thái độ dứt khoát của ông đối với một chuyện nhỏ như vậy cũng đã khiến lớp hậu sinh chúng tôi ngưỡng mộ.

Ông Mười Khôi sinh năm 1917 ở xã Điện Tiến, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, là con một nhà nho yêu nước từng tham gia phong trào Văn thân chống Pháp. Ông tham gia cách mạng  năm 1936, thời kỳ Mặt trận bình dân, là hội viên Thanh niên Dân chủ. Vào Đảng Cộng sản năm 1939, năm 1942 bị thực dân Pháp bắt giam hai năm, bị tra tấn dã man ông vẫn vẹn toàn khí tiết, năm 1944-1945 ông tham gia vận động khởi nghĩa giành chính quyền ở địa phương. Sau đó, tham gia kháng chiến chống Pháp, 8 năm liền hoạt động ở vùng tạm chiếm, lần lượt làm bí thư huyện ủy 3 huyện Điện Bàn, Đại Lộc, Thăng Bình, rồi làm Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Nông hội, Trưởng ty Công an tỉnh. Hiệp định Genève ký kết, ông được phân công ở lại, được chỉ định làm Phó bí thư Tỉnh ủy, tiếp đó làm Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng, Khu ủy viên Khu 5, rồi làm Trưởng ban Kiểm tra Đảng của Khu ủy kiêm Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam kiêm Bí thư chiến dịch diệt ác phát kìm. Ông bị thương khi đang chỉ huy chiến dịch phát động quần chúng nổi dậy đánh địch mở rộng nông thôn, đồng bằng các tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, Quảng Ngãi, giữa lúc cuộc chống Mỹ, cứu nước lên cao trào.

Ông Đỗ Quang Thắng giờ đây đã già yếu, đi lại nói năng đều khó. Nhưng khi nói về ông Mười Khôi, giọng ông trở nên sinh động: "Tôi đã ở nhiều tỉnh ủy, đầu tiên ở Gia Lai, sau ở Quảng Nam, rồi về khu 6, khu 10. Sau 75, làm bí thư Lâm Đồng, Nghĩa Bình, Quảng Ngãi, rồi ra Trung ương. Qua rất nhiều nơi, làm việc chung với rất nhiều người, nhưng người để lại ấn tượng sâu sắc nhất đối với tôi là anh Mười Khôi, dù tôi chỉ hoạt động chung với ảnh có 5 năm (1955-1960)".

Ông dừng lại một lúc và bật khóc: "Khi nghe Tỉnh ủy Quảng Nam đề nghị phong anh hùng cho anh Mười Khôi, tôi mừng lắm. Trong lòng tôi hiện tại, nếu anh Mười được phong anh hùng, tôi rất hạnh phúc. Nhiều anh khác, có người cấp cao hơn, có người đồng cấp, đều rất tốt, đều có công rất lớn. Nhưng anh Mười không chỉ có công trong chiến đấu đâu, mà nhân cách, mà tâm hồn, mà chất con người, anh tốt tự nhiên, đẹp tự nhiên. Trong cuộc đời tôi, anh Mười Khôi, đó là một anh hùng, tự nhiên là như vậy. Trong cuộc đời tôi, nói về anh Mười tôi dễ nói nhất".

Ông Mười Khôi (giữa) trong chống Mỹ

Hơn 30 năm sau giải phóng, các vị "trưởng thượng" của kháng chiến như cựu Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công, cựu Phó chủ tịch Hội đồng Nhà nước -  đại tướng Chu Huy Mân, cựu Ủy  viên Bộ Chính trị Trung ương Đảng CSVN Đỗ Quang Thắng, cựu Phó tổng Thanh tra Nhà nước - nguyên Bí thư Đặc khu ủy Quảng Đà Trần Thận, cựu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng - thượng tướng Nguyễn Chơn... cùng với lãnh đạo tỉnh Quảng Nam, thành phố Đà Nẵng đồng loạt gửi kiến nghị lên Nhà nước đề nghị phong danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang cho ông Phạm Khôi (còn gọi là Phạm Tứ, thường gọi là Mười Khôi), nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng thời chiến tranh chống Mỹ, người đã bị thương cụt một chân năm 1965 và đã qua đời năm 1987.

Và cuối năm 2007,  Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam Nguyễn Minh Triết đã ký quyết định truy tặng danh hiệu anh hùng cho ông Mười Khôi, đúng 20 năm sau ngày ông qua đời. Tính đến thời điểm hiện nay, ông là Bí thư Tỉnh ủy duy nhất được phong danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang.

Việc phong anh hùng cho con người đặc biệt này diễn ra quá muộn màng nhưng lại mang ý nghĩa lớn. Sau hơn 30 năm thống nhất nước nhà, chúng ta đã nói quá nhiều về chiến công chống Mỹ, cứu nước. Nói quá nhiều về chiến thắng  - như cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt từng tâm sự - "làm hàng triệu người vui mà cũng làm cho hàng triệu người buồn", là bởi đôi khi chúng ta nói mà lòng chúng ta không xúc động, là bởi chúng ta nói bằng những công thức theo nghi lễ và nhìn trước nhìn sau cho "phải phép". Có một thứ chủ nghĩa quan liêu trong phát huy truyền thống và chính nó đã khiến cho xương máu vô tình bị quên lãng, khiến cho chúng ta nhớ sự kiện mà ít nhớ đến con người.

Hơn hai mươi năm trước, đi ngang qua một ngôi nhà ở đường Quang Trung thành phố Đà Nẵng vào mỗi buổi chiều, chúng tôi hay nhìn thấy một ông già chống nạng lò cò trước ngõ chơi với mấy đứa trẻ. Có người chỉ đó là ông Mười Khôi. Con người từng làm những chuyện "kinh thiên động địa" một thời, sau giải phóng là một thương binh hưu trí, sống lặng lẽ như một người dân thường, không bao giờ nói về công tích của mình, ngay cả con cháu trong nhà cũng chỉ biết loáng thoáng qua lời kể của các bậc lão thành đồng đội cũ của ông. Ở chỗ này chỗ kia thỉnh thoảng người ta nói về ông, rồi dần dần ít ai nhắc tới. Nhưng nói Quảng Nam "trung dũng kiên cường" mà không nói đến ông Mười Khôi và không biết rõ những gì mà ông đã làm thì không thể hiểu được vì sao mảnh đất này được mang danh hiệu đó. Tôn vinh đúng mực con người này cũng là để tạo tiền đề để tôn vinh những người khác, cùng thời với ông và tiếp bước ông đem cuộc đời mình, đem xương máu của mình giữ gìn từng tấc đất của quê hương, mỗi người một vị trí, ai cũng có tên tuổi, không có ai là "vô danh" cả.

Trở lại câu chuyện với ông Đỗ Quang Thắng. Ông nói, vẫn trong nước mắt: "Tôi làm việc ở rất nhiều Tỉnh ủy, chưa có nơi nào như Tỉnh ủy Quảng Nam thời đó.  Tôi nói mà không sợ người ta cho là nói quá, vì tôi là người Quảng Ngãi, không phải Quảng Nam. Các anh ấy mỗi anh mỗi vẻ, nhưng đều rất hay. Dũng cảm kiên cường. Đoàn kết, nhưng thẳng thắn, phải trái phân minh, thực hiện dân chủ nghiêm túc, đã nhất trí rồi người nào người nấy làm hết trách nhiệm của mình, làm đến chết. Đó là điều tôi tâm đắc nhất, không dễ gì có được, không dễ gì giữ được. Sau này làm Kiểm tra, tôi không thấy, cái đó không ở đâu còn trọn vẹn. Ở Quảng Nam sau này cũng giảm đi. Cái đó phải khôi phục lại. Tư tưởng Hồ Chí Minh hồi đó không ai hiểu sâu như bây giờ đâu, hồi đó chỉ đọc những tài liệu như "lề lối làm việc" thôi, nhưng ai cũng học được Bác Hồ và làm theo Bác Hồ. Các tỉnh ủy khác cũng vậy, nhưng đều nhất là Quảng Nam. Trong Tỉnh ủy Quảng Nam, mỗi anh đều tốt, nhân cách, tâm hồn, hành xử đều đẹp, nhưng nổi bật vẫn là Mười Khôi".

Tôi báo cho ông biết là ông Mười Khôi vừa được phong anh hùng. Ông Đỗ Quang Thắng nói: "Anh hùng là xứng đáng quá. Thế mà tôi chưa biết". Trên khuôn mặt già yếu của ông nước mắt lại giàn giụa...

Đọc những dòng tiểu sử của ông Mười Khôi và những ghi chép về ông trong một số sách truyền thống của tỉnh nhà, có thể thấy ông có chức vụ cao trong kháng chiến, nhưng chưa thể thấy hết tầm vóc của một bậc anh hùng. Để phác thảo được chân dung ông, chúng tôi đã xâu chuỗi tất cả các sự kiện, gặp nhiều bậc cách mạng lão thành, những lão đồng chí từng là chiến sĩ bảo vệ, cần vụ của ông, những lão nông ở Điện Tiến, đọc cả những ghi chép, những bản kiểm thảo của ông qua các thời kỳ. Càng tìm hiểu, chúng tôi càng thấy lạ lùng, càng bị cuốn hút... (Còn tiếp)

H.H.V

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.