Ông Obama tán dương những cải tổ của Myanmar

21/05/2013 14:00 GMT+7

(TNO) Vào ngày 20.5, tại Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã kêu gọi Tổng thống Myanmar Thein Sein có những biện pháp ngừng các vụ bạo lực chống lại một cộng đồng Hồi giáo, nhưng tán dương những cải tổ chính trị và kinh tế của nước này.

Trong chuyến thăm Nhà Trắng đầu tiên của một lãnh đạo Myanmar sau 47 năm qua, ông Obama kêu gọi chấm dứt những vụ giết chóc chống lại cộng đồng Hồi giáo Rohingya ở bang Rekhine, phía tây Myanmar, theo Reuters.

Tổng thống Thein Sein, cựu đại tướng quân đội, tuyên bố sẽ giải quyết những vụ xung đột sắc giới và tôn giáo, mang những kẻ chủ mưu ra trước vành móng ngựa.

“Tôi cũng chia sẻ với Tổng thống Thein Sein về nỗi lo ngại sâu sắc của chúng tôi trước những vụ bạo lực nhắm vào cộng đồng Hồi giáo ở Myanmar. Những vụ bạo lực này cần phải chấm dứt”, Reuters dẫn lời ông Obama nói với ông Thein Sein.

Theo Reuters, có ít nhất 192 người thiệt mạng hồi năm 2012 trong những vụ bạo lực ở Rakhine, và khiến 140.000 bị vô gia cư sau những vụ tấn công, đa số là người Hồi giáo.

Ông Thein Sein cũng kêu gọi Mỹ “hỗ trợ và hiểu” rằng Myanmar đang nỗ lực bước qua các giai đoạn khó khăn trong công cuộc cải tổ đất nước.

Sau cuộc gặp gỡ với ông Thein Sien tại Nhà Trắng, ông Obama cho biết lãnh đạo Myanmar dự định thả thêm tù nhân chính trị, tiếp tục cải tổ chính trị, và kết thúc những bất hòa với phương Tây.

Ông Thein Sein, giữ chức Tổng thống Myanmar kể từ năm 2011, đã tiến hành nhiều cuộc cải cách quan trọng, chẳng hạn trả tự do hàng trăm tù nhân chính trị, cho phép lãnh đạo đảng đối lập, bà Aung San Suu Kyi vào Quốc hội, theo AFP.

Các quan sát viên và một số nhà làm luật Mỹ cho Reuters biết lời mời ông Thein Sein đến Mỹ của ông Obama là quá sớm, chưa đúng thời điểm do vẫn còn tồn đọng những vụ bạo lực, bất ổn ở Myanmar mà Mỹ gọi là "vi phạm nhân quyền".

Tuy nhiên, một số quan chức Mỹ cho rằng những nỗ lực cải tổ của Myanmar đáng nhận được sự ủng hộ từ chính quyền ông Obama, nhắc lại chuyến thăm Myanamr của ông Obama hồi năm ngoái.

Hồi tháng 12.2012, ông Obama đã có chuyến thăm lịch sử đến Myanmar, hoan nghênh những nỗ lực cải tổ của chính phủ nước này, đồng thời hủy bỏ hầu hết các lệnh trừng phạt, cấm vận mà Mỹ áp lên Myanmar để công nhận sự thay đổi của Myanmar.

“Để đạt được những mục tiêu cải tổ đất nước, chúng tôi cần sự hỗ trợ hết mình của cộng đồng thế giới, bao gồm cả Mỹ, để đào tạo và giáo dục, chia sẻ kiến thức, thương mại và đầu tư”, Reuters dẫn lời ông Thein Sien phát biểu tại Đại học Washington (thủ đô Washington), sau khi gặp ông Obama.

Một biện pháp mới nhằm thể hiện cam kết Mỹ hỗ trợ Myanmar cải tổ là hai nước sẽ ký một thỏa thuận thương mại và đầu tư vào ngày hôm nay 21.5, Reuters dẫn lời một quan chức thuộc Bộ Thương mại Hoa Kỳ cho biết.

Theo AFP, phép thử công cuộc cải tổ của Myanmar sẽ được tiến hành vào năm 2015, khi đó Myanmar sẽ tổ chức bầu cử và liệu rằng quân đội có trao trả hết quyền điều hành đất nước cho chính phủ Myanmar hay không.

Quân đội kiểm soát và điều hành Myanmar kể từ năm 1962, khiến cho quốc gia này bị cô lập khỏi cộng đồng quốc tế suốt hàng thập niên qua.

Lãnh đạo quân đội, ông Ne Win là lãnh đạo Myanmar cuối cùng đến thăm Nhà Trắng hồi năm 1966, gặp Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ là ông Lyndon Johnson, theo AFP.

Nhiều chuyên gia phân tích chính trị cho rằng động cơ thúc đẩy Myanmar cải tổ là nhằm giảm phụ thuộc vào quốc gia láng giềng Trung Quốc, trở thành một quốc gia độc lập, tạo được sức ảnh hưởng trong cộng đồng thế giới, theo AFP.

Phúc Duy

>> Chuyến thăm lịch sử của lãnh đạo Myanmar đến Nhà Trắng
>> Myanmar thả 20 tù chính trị
>> Tam giác vàng chưa yên ổn: Điểm nóng Myanmar
>> Cơ hội cho doanh nghiệp Việt tại Myanmar
>> Mỹ bỏ cấm vận thị thực Myanmar
>> Thêm hai nhật báo tư nhân xuất bản tại Myanmar
>> EU dỡ bỏ cấm vận Myanmar
>> Đính chính vụ “lính Myanmar chết ở biên giới”
>> Bà Aung San Suu Kyi có thể trở thành Tổng thống Myanmar
>> Bà Aung San Suu Kyi bị cấm gọi Myanmar là "Miến Điện
>> Bà Aung San Suu Kyi xuất ngoại lần đầu sau 24 năm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.