Ông Phạm Nhật Vượng vững ngôi 'giàu nhất'

22/12/2015 06:03 GMT+7

10 người giàu nhất sàn chứng khoán sở hữu gần 45.000 tỉ đồng. Nhưng chỉ riêng người đứng đầu đã chiếm gần một nửa. VN-Index giảm, nhưng tài sản của nhiều đại gia vẫn cứ tăng.

10 người giàu nhất sàn chứng khoán sở hữu gần 45.000 tỉ đồng. Nhưng chỉ riêng người đứng đầu đã chiếm gần một nửa. VN-Index giảm, nhưng tài sản của nhiều đại gia vẫn cứ tăng.

Tập đoàn Vingroup của tỉ phú Phạm Nhật Vượng hiện đang sở hữu nhiều tài sản lớn như Trung tâm thương mại Vincom tại TP.HCM - Ảnh: Diệp Đức MinhTập đoàn Vingroup của tỉ phú Phạm Nhật Vượng hiện đang sở hữu nhiều tài sản lớn như Trung tâm thương mại Vincom tại TP.HCM - Ảnh: Diệp Đức Minh
"Vua thép" vươn lên vị trí số 2
Năm 2015 gần khép lại, với chỉ số VN-Index tính đến ngày 21.12 tăng thêm được 4,4% so với cuối năm 2014 nhưng tổng giá trị cổ phiếu (CP) mà 10 người giàu nhất thị trường chứng khoán (TTCK) VN sở hữu mất đi hơn 5.000 tỉ đồng, chỉ còn hơn 44.442 tỉ đồng. Tuy nhiên, ông Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch Tập đoàn Vingroup (VIC) - lại có một năm thành công khi lần thứ 5 liên tiếp dẫn đầu danh sách 10 người giàu nhất với tài sản gần 21.300 tỉ đồng, tăng thêm hơn 1.000 tỉ đồng so với cuối năm 2014. Trong năm qua, giá cổ phiếu VIC do ông Vượng nắm giữ giảm khoảng 17% nhưng tổng tài sản vẫn tăng do tập đoàn này trả cổ tức bằng CP khiến số lượng CP ông sở hữu tăng từ 423,3 triệu lên 532,2 triệu đơn vị. Giá trị CP của ông Vượng chiếm gần một nửa và bỏ xa những người kế tiếp trong danh sách xếp hạng, nên có thể sẽ còn rất lâu vị trí dẫn đầu mới có sự thay đổi. Theo bảng xếp hạng của Forbes, tính đến ngày 16.11.2015, VN có một đại diện duy nhất là ông Phạm Nhật Vượng, Vingroup với tài sản ước tính khoảng 1,8 tỉ USD.
Một điều khá bất ngờ là vị trí thứ hai trong danh sách nhiều năm trước luôn thuộc về ông chủ của CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAG) - ông Đoàn Nguyên Đức - lần này đã thuộc về ông Trần Đình Long - Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát (HPG). Cổ phiếu HPG trong năm 2015 đã giảm mạnh 47%, nhưng nhờ việc nhận cổ tức bằng CP và mua thêm 10 triệu HPG, đẩy số lượng CP của ông Long tăng đáng kể, với tổng giá trị CP đang sở hữu đạt hơn 5.600 tỉ đồng. Trong khi đó, giá HAG cũng giảm gần 50%, xoay quanh mức 11.000 đồng/CP và số lượng CP lại không gia tăng nên tài sản của bầu Đức bị bốc hơi khoảng 3.600 tỉ đồng, chỉ còn 3.929,75 tỉ đồng và doanh nhân này phải lùi xuống vị trí thứ 3 trong bảng xếp hạng. Tuy nhiên, năm nay cũng là năm đầu tiên đàn bò của bầu Đức đã mang lại lợi nhuận lớn, đóng góp gần 65% doanh thu cho HAG trong quý 3, hay các mảng mía đường cũng ghi dấu ấn trong năm.
Vợ tỉ phú đô la là nữ doanh nhân giàu nhất
Đứng ngay sau vị trí của bầu Đức là bà Phạm Thu Hương - vợ của tỉ phú Phạm Nhật Vượng - với trị giá CP đang sở hữu đạt 2.919,27 tỉ đồng. Bà Hương cũng liên tục nhiều năm liền luôn đứng ở vị trí thứ 4. Như vậy tính đến hiện nay, bà Hương tiếp tục là nữ doanh nhân giàu nhất sàn chứng khoán VN.
Theo đó, đứng ở vị trí thứ 5 là bà Phạm Thúy Hằng, Phó chủ tịch Vingroup, em gái bà Phạm Thu Hương, với số CP sở hữu trị giá hơn 2.000 tỉ đồng. Ngược lại vị trí thứ 6 của bà Nguyễn Hoàng Yến, thành viên HĐQT của Tập đoàn Masan (MSN) đã bị bà Vũ Thị Hiền (HPG) thay thế. Cũng tương tự như chồng là ông Trần Đình Long, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát, trong năm qua tài sản của bà Vũ Thị Hiền tăng khá mạnh do số lượng CP nắm giữ gia tăng với trị giá 1.929 tỉ đồng, đưa bà từ vị trí thứ 9 cuối năm 2014 vươn lên soán vị trí thứ 6 và bà Nguyễn Hoàng Yến đã lùi xuống vị trí thứ 7.
Còn ông Nguyễn Đức Tài - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Thế giới Di động (MWG) tiếp tục đứng trong danh sách này với vị trí thứ 8 khi sở hữu trực tiếp và gián tiếp (số CP do công ty tư nhân của ông đứng tên) số CP trị giá 1.778,5 tỉ đồng. Tài sản này cũng bị giảm đi hơn 200 tỉ đồng so với cuối năm 2014 do CP MWG giảm giá 18% so với cuối năm trước. Hai vị trí còn lại lần lượt thuộc về bà Trương Thị Lệ Khanh - Chủ tịch HĐQT Công ty thủy sản Vĩnh Hoàn (VHC) và ông Trương Gia Bình - Chủ tịch CTCP FPT. Hai gương mặt cuối cùng là mới trong năm nay nhưng không phải hoàn toàn mới vì những năm trước đó, họ đã từng có mặt trong Top 10 người giàu nhất TTCK. Hai gương mặt của năm trước bị thay thế là vợ chồng ông Lê Văn Quang - Chủ tịch HĐQT CTCP thủy sản Minh Phú và bà Chu Thị Bình do đầu năm nay, công ty này đã hủy niêm yết tự nguyện để tái cấu trúc và rút lui khỏi sàn chứng khoán.
Nhóm người giàu mới nổi ở VN tăng trưởng mạnh
Bộ phận nghiên cứu Economist Intelligence Unit (EIU) của tạp chí The Economist dưới sự hỗ trợ từ Citibank trong tháng 4.2015 đã công bố báo cáo về nhóm New Wealth Builders (NWB, tạm dịch là nhóm người giàu mới nổi).
Trong đó chỉ ra rằng nhóm người này ở VN tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ với 34,9%, đứng thứ 2 trong khối ASEAN, chỉ sau Indonesia với mức tăng 41,2%. Với tài sản trung bình từ 100.000 USD đến 2 triệu USD, nhóm NWB sẽ nhanh chóng trở thành nhóm tăng trưởng nhanh nhất thế giới.
Theo báo cáo của EIU, đối với các nền kinh tế đang phát triển của khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Ấn Độ dự kiến sẽ dẫn đầu về số lượng người gia nhập nhóm NWB với khoảng 4,9 triệu người có tài sản trung bình 178.000 USD (tỷ lệ tăng trưởng 47,4%). Ngoài Indonesia và VN, khu vực ASEAN còn có Thái Lan (tăng 23,6%) và Philippines (tăng 22,8%).

Top 10 người giàu nhất Thị trường chứng khoán VN 2015

STT

Tên

Mã chứng khoán

Giá trị (tỉ đồng)

1

Phạm Nhật Vượng

VIC

21.296,92

2

Trần Đình Long

HPG

5.603,54

3

Đoàn Nguyên Đức

HAG

3.929,75

4

Phạm Thu Hương

VIC

2.919,27

5

Phạm Thúy Hằng

VIC

2.053,83

6

Vũ Thị Hiền

HPG

1.927,13

7

Nguyễn Hoàng Yến

MSN

1.862,20

8

Nguyễn Đức Tài

MWG

1.789,89

9

Trương Thị Lệ Khanh

VHC

1.572,34

10

Trương Gia Bình

FPT

1.385,65


Tổng cộng: 44.442,47 tỉ đồng
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.