Ông Tất Thành Cang phủ nhận có quan hệ với Công ty Nguyễn Kim

Phan Thương
Phan Thương
30/12/2021 05:30 GMT+7

Bị cáo Tề Trí Dũng khai gặp Chủ tịch HĐQT Công ty Nguyễn Kim tại nhà riêng của ông Tất Thành Cang . Khi đó, ông Cang đã giới thiệu ông Kim với bị cáo Dũng và nói ông “tạo điều kiện cho Công ty Nguyễn Kim tham gia vào Sadeco”.

Ngày 29.12, đại diện Viện KSND TP.HCM tiếp tục thẩm vấn các bị cáo Tất Thành Cang (50 tuổi, cựu Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM nhiệm kỳ 2015 - 2020), Tề Trí Dũng (40 tuổi, cựu Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV phát triển công nghiệp Tân Thuận - IPC, Chủ tịch HĐQT Công ty CP phát triển nam Sài Gòn - Sadeco) xung quanh mối quan hệ với Công ty Nguyễn Kim.

Hai bị cáo cùng 18 đồng phạm khác bị đưa ra xét xử do sai phạm trong việc chấp thuận chủ trương và phương án chuyển nhượng 9 triệu cổ phần của Sadeco cho cổ đông chiến lược Công ty Nguyễn Kim nhưng không thẩm định giá, đấu giá.

Từ phải qua: Bị cáo Tất Thành Cang, Tề Trí Dũng và đồng phạm tại tòa

ĐỘC LẬP
Ông Tất Thành Cang phủ nhận gặp lãnh đạo Nguyễn Kim tại nhà vì… “đang đi học”

“Bút phê không dẫn đến hậu quả nghiêm trọng”

Theo đó, trong hai ngày phiên tòa diễn ra, bị cáo Tề Trí Dũng khai được gặp ông Kim (Nguyễn Văn Kim, Chủ tịch HĐQT Công ty Nguyễn Kim - PV) tại nhà riêng của ông Tất Thành Cang. Khi đó, ông Cang đã giới thiệu ông Kim với bị cáo Dũng và nói ông “tạo điều kiện cho Công ty Nguyễn Kim tham gia vào Sadeco”. Đồng thời bị cáo Dũng trình bày, trong nhận thức của bị cáo nếu không nhận được một lời nói hoặc yêu cầu chỉ đạo nào, thì việc phát hành cổ phần sẽ không được xúc tiến.

Khi được Viện KSND TP.HCM (VKS) hỏi để đối chất với ông Dũng, ông Tất Thành Cang khẳng định không có quan hệ gì với ông Nguyễn Văn Kim, ông Dũng khai không đúng. Ông Cang cho rằng bút phê của ông không dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.

VKS hỏi: “Nếu bị cáo không bút phê đồng ý thì cấp dưới có dám làm không?”, ông Cang trả lời bút phê của ông chỉ là cho ý kiến về chủ trương.

VKS hỏi bị cáo Phạm Văn Thông (cựu Phó chánh văn phòng Thành ủy TP.HCM), nếu không có bút phê của ông Cang thì cấp dưới có được quyết định không. Bị cáo Thông trả lời không và trong tờ trình chỉ trình 1 phương án phát hành cổ phần cho cổ đông chiến lược là Công ty Nguyễn Kim.

Cổ đông chiến lược không có nghĩa Công ty Nguyễn Kim là duy nhất

Ông Tất Thành Cang khai khi nhận Tờ trình 1148 xin chủ trương về phương án, đề xuất chấp thuận chủ trương cho Sadeco phát hành 9 triệu cổ phần với giá 40.000 đồng/cổ phần cho cổ đông chiến lược (không nêu rõ đích danh Công ty Nguyễn Kim) - do bị cáo Phạm Văn Thông trình, thì ông có hỏi “Phương án chúng ta lựa chọn thì diễn biến ở đại hội đồng cổ đông sẽ diễn ra như thế nào?”, ông Thông nói chưa biết diễn ra như thế nào.

Ngày 28.12, trả lời HĐXX, bị cáo Trần Công Thiện (đại diện vốn Văn phòng Thành ủy TP.HCM tại Sadeco) không đồng ý với tội danh “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” do VKS truy tố đối với mình. Theo bị cáo Thiện, vốn của Văn phòng Thành ủy tại Sadeco không phải là tài sản nhà nước, đây là tài sản của Đảng bộ TP.HCM, là một tổ chức chính trị.

Tuy nhiên, chiều qua (29.12), khi VKS thẩm vấn, bị cáo Thiện nói “về sâu xa thì vốn của Văn phòng Thành ủy cũng là tài sản nhà nước được chuyển qua tổ chức chính trị”. Do bị cáo nhận thức chưa đủ, không hiểu nên đã xem nhẹ về quản lý. Đến thời điểm này, bị cáo mới nhận thức được tài sản này dù là tài sản của tổ chức chính trị nhưng được quản lý theo tài sản nhà nước.

Theo ông Cang, Văn phòng Thành ủy lựa chọn phương án phát hành cổ phiếu cho cổ đông chiến lược với giá 40.000 đồng, tức cổ đông chiến lược ở đây không phải cho 1 cổ đông duy nhất.

Tuy nhiên VKS cho rằng khi được bị cáo Phạm Văn Thông báo cáo, với tư cách Phó bí thư thường trực Thành ủy, ông Cang được quyền hỏi lại cổ đông chiến lược là ai, nếu không đồng ý thì có thể không bút phê, nhưng đằng này khi nhận Tờ trình 1148, bị cáo Cang đã nhanh chóng bút phê đồng ý. Theo đó, khi bị cáo Cang đồng ý, bước tiếp theo Sadeco đã chuyển nhượng 9 triệu cổ phần cho Công ty Nguyễn Kim.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.