* Đánh giá của ông về kết quả thi đấu của đoàn thể thao Việt Nam (VN) đến giờ phút này như thế nào?
Ông Trần Đức Phấn: Dù còn 3 ngày nữa ASIAD mới kết thúc nhưng đến giờ phút này xem như đoàn thể thao VN đã gần thi đấu xong. Với kết quả tạm 4 HCV, 15 HCB và 13 HCĐ xếp hạng 13, đoàn thể thao VN xem như đã hoàn thành chỉ tiêu. Con số huy chương này thực tế vẫn còn gia tăng về HCB và HCĐ vì chúng ta vẫn còn bán kết quyền anh nữ của Nguyễn Thị Tâm, trận tranh HCĐ bóng đá nam của tuyển Olympic hay trông đợi vào các nội dung cuối của điền kinh và cầu mây. Nhưng để có HCV thì chắc khó, phải có đột biến lắm thì mới tạo bất ngờ.
Tôi nói hoàn thành chỉ tiêu vì mục tiêu được Bộ VHTTDL giao là ít nhất đoạt 3 HCV còn theo tính toán ban đầu của lãnh đạo đoàn nếu thi đấu may mắn và đúng sức, chúng ta phải có khoảng ít nhất 5 HCV. Ngoài ra tính tổng số huy chương thì ASIAD lần này đến nay cũng bằng và nhiều môn thi số lượng giành được còn nhiều hơn lần trước. Quan trọng là với số HCV nhiều hơn lần trước, đặc biệt lần đầu tiên có HCV môn Olympic là điền kinh và rowing là thành công hơn mong đợi. Nhưng tự bản thân lãnh đạo đoàn tôi chỉ nói kết quả này là đạt yêu cầu, là hoàn thành chỉ tiêu vì trong thực tế lẽ ra chúng ta phải làm được hơn thế.
|
* Có phải ông vẫn còn rất hụt hẫng và tiếc nuối khi những niềm hy vọng được chờ đợi lại làm mất hy vọng?
Ông Trần Đức Phấn: Đúng là những ngày đầu khi theo dõi các VĐV trọng điểm thi đấu tôi đã cảm thấy lo lắng khi đâu đó vẫn có VĐV còn bị áp lực và có chút tâm lý. Chúng ta có khoảng hơn chục VĐV trọng điểm được đầu tư nhắm huy chương ASIAD thì gần một nửa không đạt yêu cầu như mong đợi. Tôi cũng đã nghĩ đến viễn cảnh khó hoàn thành chỉ tiêu, nhưng trong cái khó phải giữ cho mình niềm tin và tinh thần lạc quan, nên tôi và tập thể lãnh đạo đoàn vẫn động viên các VĐV chưa thi đầu cần phải nỗ lực để giành thành tích tốt nhất.
* Ông giải thích thế nào về thất bại của Hoàng Xuân Vinh và Ánh Viên, 2 niềm hy vọng lớn được chờ đợi nhất?
Ông Trần Đức Phấn: Tôi muốn đưa ra một so sánh để chúng ta thấy VĐV Hàn Quốc từng giành HCV Olympic nội dung thi đấu của Xuân Vinh 10m súng ngắn bắn nhanh lần này cũng chỉ về hạng 5. Điều đó có nghĩa không phải cứ HCV Olympic là nghiễm nhiên HCV ASIAD. Nhưng để rơi lại không lọt vào VCK với Xuân Vinh đúng là bi kịch. Nó không đơn thuần là phong độ, tâm lý mà còn nhiều lý do khác chẳng hạn trạng thái thi đấu và độ ổn định kỹ thuật cùng sự chính xác khi giương súng. Tôi có nói với Xuân Vinh chỉ cần Vinh giơ tay lên là phải đạt ít nhất là điểm 6, nghĩa là chưa cần mở mắt bắn cũng phải đảm bảo trúng những mục tiêu khả dĩ nhất và còn lại là sự chính xác ở điểm cao nhất. Nhưng đúng là Vinh đã chưa thể làm tốt điều này vì cần sự thuần thục. Trong khi đó, thành công của VĐV 16 tuổi của Ấn Độ được cho rằng nhờ tập yoga từ nhỏ nên giữ được sự tịnh tâm, tư thế cân bằng nên phát huy tốt động tác kỹ thuật rất chuẩn cũng là điều mà chúng ta cần suy nghĩ.
|
Về trường hợp của Ánh Viên, thật sự chúng tôi chỉ nghĩ đến huy chương chứ không thể mơ vàng vì chỉ cần nhìn thông số 400m hỗn hợp cũng thấy các đối thủ Nhật Bản đều rất mạnh. Nhưng Ánh Viên không thể bật lên và thắng chính mình. Chúng tôi cũng đã tìm hiểu thêm một số lý do khác như ông của Ánh Viên mất, cô bị đau họng khi sang Indonesia… nhưng không riêng trường hợp này mà cả các VĐV khác để sau này có những điều chỉnh lại cho tốt hơn.
* Còn trường hợp của Lê Tú Chinh. Phải chăng cô thất bại vì chuyến tập huấn tại Mỹ không tốt? Nên chăng xem xét lại việc cho VĐV đi tập huấn nước ngoài vì thành tích lần này nhiều VĐV chỉ tập trong nước nhưng vẫn tốt?
Ông Trần Đức Phấn: Tú Chinh không nằm trong danh sách đầu tư trọng điểm lấy huy chương lần này vì thành tích của Chinh so trên lý thuyết thì có thể cạnh tranh nhưng sau khi nghiên cứu thực tế sự tiến bộ của đối thủ thì với thông số đang có Tú Chinh không có cửa. Nên chúng tôi chỉ động viên Chinh nỗ lực để chuẩn bị tốt hơn cho tương lai. Hơn nữa chuyến tập huấn ở Mỹ chỉ vài tháng chưa thể xem là cơ sở để cải thiện thông số vì điều kiện môi trường tốt mà sự thích nghi của VĐV trong thời gian ngắn đó chưa tốt thì cũng chưa thể đòi hỏi cao được. Nhưng cũng không thể nói không đi tập huấn nước ngoài thì thành tích tốt hơn như trường hợp của VĐV bơi Nguyễn Huy Hoàng. Chắc chắn Hoàng sẽ được đầu tư tốt hơn để cải thiện thành tích. Quách Thị Lan cũng mất rất nhiều thời gian tập nước ngoài để có HC bạc. Vấn đề tập huấn trong hay ngoài nước với cụ thể VĐV nào chúng tôi cũng sẽ mổ xẻ trong thời gian tới cũng như sẽ xem xét điều chỉnh việc đầu tư cho các VĐV trọng điểm để mọi chuyện tốt hơn.
|
* Bóng đá nam đã gây bất ngờ lớn tại ASIAD, đánh giá của ông thế nào?
Ông Trần Đức Phấn: Thành công của đội Olympic VN đã chỉ ra một điều thành tích của VĐV sẽ cải thiện tốt và nhanh nếu chúng ta có chuyên gia giỏi. Rõ ràng sự thành công của bóng đá VN trong giải U.23 châu Á và ASIAD không thể tách rời vai trò của ông Park Hang-seo. Ông ấy đã giúp bóng đá VN nâng vị thế ở châu lục cùng sự cảm phục của giới chuyên môn và người hâm mộ. Đó cũng là bài học về đầu tư để chúng ta tính toán cách nào là hiệu quả nhất.
* Cảm ơn ông!
Bình luận (0)