Tại sao lại là jeans mà không phải là các loại quần áo thông dụng khác, nhất là cách đây gần 40 năm, khi thời trang còn là khái niệm xa xỉ với nhiều người Việt?
Bạn thấy đấy, tôi thích phối đồ (ông Việt đang mặc quần denim trắng phối cùng áo sơ mi màu xanh lục), từ trẻ đã vậy. Nói đến jeans, mọi người nghĩ là phong cách bụi bặm, quậy, phong trần, nhưng quần jeans thật ra rất đa phong cách. Jeans xuất phát từ vùng đào vàng California ở Mỹ nhưng khi Chiến tranh thế giới thứ hai nổ ra, lực lượng quân đội mặc jeans nhìn rất hiện đại, khỏe khoắn, mạnh mẽ và cũng rất nghiêm túc. Sau đó, quần jeans trở thành trào lưu trên thế giới cho đến hết những năm 1964 - 1965. Cảm nhận riêng của tôi về jeans là vậy và tôi bị thu hút từ đó. Khi họ ra đời những chiếc quần màu xanh tràm, bị tác động nhiều thì có những chỗ bạc dần nhìn như mây, rất đẹp. Những chỗ mặc nhiều, sờn lên, bạc màu như râu mèo, rất thích.
Muốn mua quần jeans chuẩn hồi đó phải mua từ tận nước ngoài rồi gửi tàu hàng về. Năm 1986, tôi gửi 1 người bạn 1,5 chỉ vàng để mua một chiếc quần jeans từ Nhật Bản bằng đường tàu viễn dương. Khi trở về, người bạn đó báo rằng không mua được quần và trả lại tiền. Ngay hôm sau, tôi lang thang ở chợ cũ thì thấy đúng chiếc quần mà tôi ao ước, được bán với giá 2,5 chỉ. Mặc cả một hồi, cô bán hàng mới "khai" ra là lấy từ chỗ T. (tên người bạn ông Việt nhờ mua quần) với giá 2 chỉ, bán lại cho tôi giá 2,1 chỉ. Hóa ra có người mua lại giá cao hơn nên bạn tôi đã giấu bán luôn. Vì thích quá nên tôi cũng bỏ 2,1 chỉ vàng ra mua chiếc quần. Đó cũng là điều đầu tiên thôi thúc trong lòng phải làm quần jeans, phải tạo ra được những bộ quần áo jeans để cho mình mặc và cho bạn mặc. Quần jeans lúc đó cao cấp. Chỉ những người giàu, người có tiền mới mua nên càng hun đúc khát vọng trong tôi. Tôi muốn làm cho bằng được.
Tìm mua một chiếc quần jeans còn khó vào giai đoạn đó mà ông đã tính đến sản xuất đồ jeans, chắc chắn còn khó hơn rất nhiều?
Khó khăn vô cùng. Những năm 1987 - 1988, đất nước bắt đầu đổi mới, mọi thứ đều còn khó khăn. Từ máy móc, thiết bị, công nghệ, đến con người… gần như tất cả đều không có. Tôi mất 2 năm đầu lăn lộn, chật vật. May mắn quen được người may đo giỏi nhất TP.HCM và một người may túi xách tại chợ Bến Thành để phối hợp cùng làm.
Thời đó, mua được cái máy may để về may cái quần đã là cả vấn đề. VN lúc ấy chỉ có máy loại 1 kim của Trung Quốc nên phải gửi tàu viễn dương mua máy 2 kim từ nước ngoài về để chạy đường chỉ thẳng cho đẹp. Tôi còn nhớ, mua được máy may, mừng lắm. Số tiền ăn mừng "khao" máy bằng cả tiền mua máy luôn. Rồi đến máy giặt, chỉ các bệnh viện có máy giặt bằng inox nhưng nhà nước không cho bán nên tôi phải đi vào Đại học Bách khoa, gặp trưởng khoa cơ khí, mô tả, chụp hình, nhờ chế tạo mấy lần mới ra được cái máy về giặt. Rồi muốn làm gia công (wash) quần thì phải có đá tạo bọt từ vùng núi lửa ở bên Indonesia, Malaysia nhưng VN chưa nhập. Nhập enzyme (chất tạo bông, để vải lên màu nhanh) về khi kiểm tra chất tại Đại học Bách khoa và Viện Pasteur thì mỗi bên ra kết quả một kiểu, ra nhiều thành phần phụ gia khác nhau nên cũng không được nhập. Hai nguyên liệu quan trọng đều không có, tôi tìm tòi mãi cũng phát hiện ra được đá dưới gốc san hô chết có thể thay thế được đá bọt. Hơn 3.600 km đường bờ biển của VN, phải đi tìm kiếm gốc san hô chết dạt vào các vịnh để làm.
Tôi là người đầu tiên ở VN ứng dụng đá san hô vào wash quần jeans và thành công từ đó cho đến bây giờ. Wash ra được màu trắng xanh, tôi cũng là người đầu tiên. Ai lúc đó bán ở chợ An Đông, chợ Tân Bình… mà lấy được quần jeans trắng xanh về bán là có lời đủ cho cả nhà ăn cả ngày.
Còn việc "chở củi về rừng", xuất khẩu jeans vào chính quốc gia khai sinh ra nó là Mỹ, hay những nước có ngành công nghiệp thời trang hàng đầu thế giới như EU... duyên cớ là gì thưa ông?
Việt Thắng giai đoạn đầu phát triển rất nhanh. Khi bắt đầu xuất khẩu, chúng tôi đã có tới hơn 400 đại lý tại thị trường nội đia. Tuy nhiên, ở thị trường VN lúc đó bán hàng không ổn định. Nguyên liệu khó nhập, thuế cao, đẩy giá thành sản phẩm cao, trong khi hàng nhập lậu từ biên giới các nước, hàng trốn thuế giá thành rẻ bán tràn lan. Chúng tôi, nếu muốn làm cho có lời thì buộc phải nhập lậu nên tôi chuyển hướng sang xuất khẩu tạm nhập tái xuất. Khi ấy, VN chưa nhập được vải từ Trung Quốc, nguồn từ Đài Loan hay Hồng Kông cũng chưa nhiều nên tôi nhập vải từ Ba Lan và họ muốn lấy hàng, cứ như thế, dần dần xuất sang. Các nước Ba Lan, Tiệp Khắc, Nga thời đó có nhiều người Việt sang làm nghiên cứu sinh, đi lao động, họ cứ mua bán qua lại, rồi thành mối luôn.
Từ năm 1995, VN bình thường hóa quan hệ với Mỹ, đến năm 1996 bắt đầu cấp hạn ngạch xuất khẩu. Việt Thắng khi đó đã trưởng thành và được cấp quota xuất trực tiếp. Một số công ty Mỹ sang tận nơi hướng dẫn làm rồi nhập hàng của mình. Cứ như vậy, chúng tôi dần mở rộng sang 11 nước EU, Nhật Bản, Hàn Quốc.
Tôi vẫn thắc mắc, làm sao để Việt Thắng cạnh tranh với Zara, H&M, CK, Levis hay Uniqlo… khi xuất khẩu sang các thị trường này?
Những nhãn hàng đó, sau này có thêm nhiều thương hiệu cao cấp hơn nữa, chắc chắn mình không cạnh tranh được nên tôi chúng tôi chọn cách là làm sản phẩm theo đơn đặt. Vì thế, đối thủ lớn nhất của chúng tôi chính là Thái Lan. Thực ra về đường kim mũi chỉ, nếu Thái Lan 10 thì mình cũng 9, không thua kém bao nhiêu nhưng mình nhập vải từ Đài Loan, Hồng Kông tốt hơn nhiều vải của Thái. Mình am hiểu xu hướng, form dáng; thông số thì khách hàng họ đưa nên chất lượng sản phẩm tốt hơn hẳn, được khách hàng đón nhận.
Nhưng muốn thắng được, trước nhất phải chọn được loại vải. Tôi đam mê denim, là chuyên gia denim nên tôi biết cấu trúc, mật độ dệt, thành phần vải như thế nào, loại nào mặc thoải mái. Sản phẩm của Việt Thắng đảm bảo thiết kế và loại vải giúp người mặc không hề bị cấn, không bị khó chịu và đặc biệt có thể mặc chiếc quần trong 10 năm. Thành phần vải tốt; thuốc nhuộm màu tự nhiên, không phải hóa tổng hợp; công nghệ nhập từ châu Âu giúp độ cầm màu cao nên màu sẽ bay từ từ, không chỉ trong 1 năm như các loại vải và màu khác.
Bên cạnh đó, các loại hiệu ứng (mây, nước, bông) và màu sắc chúng tôi cũng bắt "trend" rất nhanh… Form dáng, màu, thiết kế sẽ làm theo mùa, thậm chí thiết kế theo văn hóa từng địa phương, làm sao ra được sản phẩm đẹp nhất với chất lượng tốt nhất. Đây không phải may mặc mà là thời trang denim.
Nhân nói về thời trang, VN là nước hàng đầu thế giới về dệt may, nhưng chúng ta chủ yếu gia công. Vì sao ông không chọn cách đó mà lại chọn thời trang, con đường khó khăn hơn rất nhiều?
Đúng, may mặc là gốc rễ của ngành công nghiệp VN, tạo nên cảm hứng và là động lực để phát triển những ngành khác. Trong khi đó, thời trang là phải nghiên cứu về văn hóa, về địa lý, về con người… tất cả mọi yếu tố để tạo nên được bộ trang phục đẹp nhất, phù hợp nhất. Cũng vì khó như vậy nên gần như VN chỉ có khoảng 2 - 3% các DN may có nhãn hàng. Còn lại toàn bộ gia công.
Nhưng nếu chỉ lắp ráp, gia công thì không có tính sáng tạo. Tính tôi thích sáng tạo, lại đam mê thời trang. Tôi muốn mình tạo ra sản phẩm mới của riêng mình, cho mình mặc, cho người thân, cho bạn bè và cho mọi người mặc. Vì thế, tôi mới nâng dần lên thời trang và có nhãn hàng V-SIXTYFOUR.
Thời trang có lợi thế rất lớn với một đất nước dân số trẻ như VN. Chúng ta cũng có một ngành dệt may đồ sộ nhưng tại thị trường nội địa, rất khó để kể tên các thương hiệu thời trang Việt. Trong khi các thương hiệu như Zaza, H&M, CK, Levis, Uniqlo... thì ăn nên làm ra, lúc nào cũng đông đúc. Ở phân khúc giá rẻ, hàng Trung Quốc thống lĩnh, vậy thời trang Việt đang ở đâu? Vì sao chúng ta lại chật vật trên chính sân nhà?
Công bằng mà nói, về chất lượng sản phẩm, hàng của V-SIXTYFOUR ngang bằng tất cả hàng nhập và tốt hơn hàng bán kèm của các thương hiệu như H&M, Zaza. Về form dáng thì chúng tôi hơn hẳn vì sản phẩm đã được điều chỉnh phù hợp với thị trường VN. Giá cả cũng rẻ hơn. Tuy nhiên, về nhãn hàng, hiệu ứng, thương hiệu để người tiêu dùng biết đến thì họ hơn hẳn vì đã phổ cập trên toàn thế giới. Trong khi hàng Trung Quốc giá thành thấp, dễ tiếp cận tới nhiều đối tượng.
Vì thế, nhãn hàng trong nước muốn gầy dựng thương hiệu phải có thời gian, có truyền thông và chính sách tốt từ nhà nước để ủng hộ, khuyến khích người tiêu dùng mua chất lượng sản phẩm thay vì mua thương hiệu. Có dịch vụ tốt để người tiêu dùng tin yêu, thử, cảm nhận và ủng hộ.
Hy vọng trong thời gian tới, hệ thống pháp lý, truyền thông sẽ làm tốt hơn để ủng hộ cho các nhãn hàng đang sản xuất chân chính, đặc biệt là các DN đang tiến tới sản xuất xanh, sản phẩm xanh thân thiện với môi trường và có trách nhiệm với xã hội. Đó đang là xu hướng và là yêu cầu cấp thiết. DN và sản phẩm đi đúng hướng này chắc chắn sẽ tồn tại.
Các hãng thời trang trên thế giới thường tạo ra xu hướng, xu hướng theo mùa, theo năm, theo "trend"... với các bộ sưu tập và các buổi trình diễn được tín đồ thời trang thế giới chờ đợi. Ở VN, tôi mới thấy các nhà thiết kế đưa ra các bộ sưu tập nhưng chưa thấy các DN thời trang như ông tạo nên xu hướng, tạo nên các sàn diễn để quảng bá sản phẩm, để đến gần hơn với công chúng. Ông đã nghĩ đến điều này chưa?
Thực tế, hàng năm V-SIXTYFOUR thường ra 2 bộ sưu tập xuân hè và thu đông nhưng để có được các sàn diễn thời trang, đòi hỏi rất nhiều yếu tố. Phải đào tạo con người, có nguyên liệu. Từ nguyên liệu, sản xuất ra mặt hàng, bán hàng tại chỗ, rồi làm trình diễn, không chỉ phục vụ khách trong nước mà còn phải thu hút khách du lịch nước ngoài. Rồi có những bảo tàng, có những hội thảo triển lãm lớn thu hút lượng khách lớn. Như vậy mới gắn liền được với thời trang. Nhưng các nhà thiết kế của VN hiện nay chỉ dạy thiết kế để may; các trường cũng không dạy làm thế nào để ra một bộ sưu tập. Các bạn trẻ rất sáng tạo nhưng chú trọng quá nhiều đến tính hiệu ứng trên sân khấu mà quên đi phần ứng dụng nên chủ đề không sát thực tế.
Muốn tiến tới thời trang thì phải đi từ nghiên cứu thị trường, xây dựng chủ đề, tìm hiểu được nhu cầu khách hàng, tự tạo ra sản phẩm phù hợp với nhu cầu đó, cho ra các bộ sưu tập theo mùa, theo tháng, rồi bắt đầu phân phối trên thị trường. Hiện nay, trên ngành dệt may mới chỉ có khoảng 1 - 2% DN phát triển theo hướng này. Nhưng khó không có nghĩa là không thể làm. Khát vọng của tôi là VN có một nhãn hàng chất lượng cho người Việt mặc và đưa được thương hiệu ra quốc tế. Có thể tôi không còn nhiều thời gian để làm được điều đó nhưng tôi tin thế hệ sau sẽ làm được. Tôi mong V-SIXTYFOUR, VITAJEANS sẽ đặt nền móng và truyền cảm hứng cho các bạn trẻ đưa VN trở thành trung tâm thời trang của châu Á.
Bình luận (0)