Sáng 16.12, UBND TP.HCM tổ chức hội nghị công bố triển khai đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương (DDCI) TP.HCM năm 2022.
Hội đồng đánh giá DDCI có 15 thành viên, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan làm Chủ tịch Hội đồng. Ông Võ Văn Hoan cho biết TP.HCM không phải là địa phương đầu tiên thực hiện đánh giá DDCI nhưng thành phố có tính đặc thù bởi đây là trung tâm lớn của cả nước về kinh tế, thu hút đầu tư.
Các đánh giá áp dụng phương pháp mới, đảm bảo khách quan, độc lập, vô tư, không can thiệp khác với cách làm trước đây phải xin ý kiến, trao đổi, cân qua cân lại.
Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan trao đổi tại buổi công bố triển khai đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương năm 2022 |
nguyên vũ |
Ông Võ Văn Hoan cũng thẳng thắn chỉ ra thực trạng “đu đưa, đùn đẩy” của sở ngành, địa phương khiến doanh nghiệp thấy choáng, thậm chí đến người chủ trì cũng không hiểu mục tiêu, hướng giải quyết là gì. “Doanh nghiệp cần sự rõ ràng, được hoặc không được”, ông Hoan nói và nhấn mạnh ngoài vấn đề pháp lý thì thái độ, trách nhiệm khi tiếp nhận phản ánh của doanh nghiệp là điều rất quan trọng.
Trao đổi thêm về lĩnh vực đất đai, ông Hoan nói rằng trách nhiệm không chỉ của Sở TN-MT mà còn liên quan đến quy hoạch, giao thông, đầu tư… Lãnh đạo TP.HCM cho biết nhiều doanh nghiệp chia sẻ với TP.HCM khi hồ sơ bị trễ, trong khi đối với họ "thời gian là tiền bạc, một ngày chậm là tiền tỉ đổ ra, cơ hội đầu tư mất đi mà không có cơ hội khác để nắm bắt lại”.
Dự kiến tháng 3.2023 mới công bố kết quả nhưng Phó chủ tịch Võ Văn Hoan đề nghị các sở ngành, địa phương phải thay đổi từ bây giờ và thường xuyên điều chỉnh.
Đánh giá 25 sở, ngành
Ông Đào Minh Chánh, Phó giám đốc Sở KH-ĐT TP.HCM cho biết sẽ khảo sát khoảng 15.000 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; trong đó có 8.000 doanh nghiệp khối địa phương và 7.000 doanh nghiệp khối sở, ngành; số lượng phiếu khảo sát dự kiến khoảng 29.000 phiếu.
Đối tượng được đánh giá gồm 22 địa phương và 25 sở, ban, ngành (16 sở chuyên ngành, Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao, Ban Quản lý Khu Nông nghiệp công nghệ cao, Ban Quản lý An toàn thực phẩm, Cục Hải quan, Cục Thuế, Bảo hiểm xã hội, Ngân hàng nhà nước chi nhánh TP.HCM và Công an TP.HCM).
Phó giám đốc Sở KH-ĐT Đào Minh Chánh cho biết sẽ đánh giá dựa trên 8 chỉ số |
nguyên vũ |
Việc đánh giá thông qua 8 chỉ số thành phần: tính minh bạch và tiếp cận thông tin, tính chủ động và hiệu lực, chi phí thời gian, chi phí không chính thức, cạnh tranh bình đẳng, hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, thiết chế pháp lý và an ninh trật tự, vai trò của người đứng đầu sở, ban, ngành và địa phương. Riêng khối địa phương sẽ đánh giá thêm chỉ số tiếp cận đất đai và ổn định trong sử dụng đất.
Về phương pháp, ông Chánh cho biết thực hiện khảo sát trực tuyến và phỏng vấn trực tiếp tại doanh nghiệp. Hiện đơn vị tư vấn đã bắt đầu khảo sát và dự kiến hoàn thành đánh giá, công bố báo cáo kết quả DDCI năm 2022 vào tháng 3.2023.
Đối với chỉ số tiếp cận đất đai, đại diện Sở TN-MT TP.HCM nói rằng sẽ áp dụng nhiều biện pháp để cải thiện chỉ số này dù không dám hứa trước sẽ thay đổi được ngay bởi lẽ lĩnh vực đất đai còn nhiều khó khăn, bất cập về pháp lý. Hiện UBND TP.HCM đang kiến nghị Trung ương các giải pháp khắc phục các bất cập.
Bà Cao Thị Ngọc Dung, Chủ tịch Hội Nữ doanh nhân TP.HCM, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Vàng bạc - Đá quý Phú Nhuận (PNJ) cho rằng không nên kỳ vọng sẽ có kết quả chính xác ngay trong lần đánh giá đầu tiên nhưng nếu không có điểm bắt đầu thì không có kết thúc, và đây cũng là cơ hội để thấy mình còn gì chưa đạt để thay đổi.
Bình luận (0)