Đề cập đến những mặt được và chưa được vừa qua của mùa giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam, ông Vũ Tiến Thành cho rằng VPF dù rất nỗ lực trong việc xây dựng hình ảnh cũng như tích cực tìm nguồn tài trợ cho công tác tổ chức thi đấu cho 3 giải V-League, Hạng Nhất và Cúp quốc gia, nhưng so với yêu cầu chung của các CLB cũng như người hâm mộ thì vẫn còn xuất hiện không ít hạn chế khiến cho việc điều hành còn lúng túng, nhiều lúc chưa có sự ứng xử tốt, còn mang tính đối phó với phản ứng từ phía CLB cũng như các thành viên dự giải khác. Đơn cử gần nhất chính là các cuộc họp lấy ý kiến các CLB trong tháng 8 vừa rồi về việc dừng, hủy hay tiếp tục mùa giải 2021 còn rất nhiều bất cập khi người điều hành luôn đưa ra những vấn đề mang tính áp đặt, thể hiện tư duy của mình đứng trên các đội bóng, gây ra những tranh cãi, phản ứng không đáng có để lại dư luận không tốt.
Becamex Bình Dương và Hà Nội FC trong trận đấu đầu mùa giải |
VPF |
Theo ông Vũ Tiến Thành, điều đó chỉ là 1 trong những việc cho thấy ứng xử chưa hay của VPF và nhìn rộng ra thì còn rất nhiều điều trái khoáy khác xuất hiện trong quá trình diễn ra giải đấu, nhưng do ngoài quy chế bóng đá chuyên nghiệp, quy định kỷ luật của VFF và điều lệ giải ra, những người điều hành còn rất lúng túng khi có những biểu hiện cụ thể muôn hình vạn trạng từ thực tế nhưng thiếu cơ sở để xử lý. Từ đó đã dẫn đến có hiện tượng lờn thuốc, tạo ra những phát ngôn, hành vi thiếu văn hóa, coi thường các thành viên khác trong giải, Ban điều hành giải hoặc cả VPF.
Ông Thành nêu ví dụ như chuyện có một chủ tịch CLB V-League có chân trong ban chấp hành VFF công khai chửi trọng tài sau trận đấu hay một trợ lý HLV của 1 đội bóng phía Nam phản ứng gay gắt với những hành vi khó coi, hết sức phản cảm nhưng không hiểu giám sát báo cáo kiểu gì mà không xử lý, mãi đến khi dư luận lên tiếng và vòng đấu sau diễn ra thì mới có án. Những ứng xử thiếu văn hóa như vậy tồn tại như một thách thức mà VPF hoặc không dám đụng đến hoặc phải chờ “ngâm cứu” rất lâu mới có ý kiến theo ông Thành là do thiếu một bộ quy tắc ứng xử quy định rõ trách nhiệm, quyền hạn của từng thành viên tham dự giải (từ chủ tịch CLB, giám đốc điều hành, trưởng đoàn, HLV, cầu thủ, bác sĩ cho đến y tế,lái xe.. từ ban điều hành giải, giám sát, trọng tài cho đến ban tổ chức các sân, lực lượng phục vụ cho công tác tổ chức trận đấu..). Nếu có những quy tắc đó với các quy định rành mạch, rõ ràng, đầy đủ thì sai đến đâu xử đến đó, dứt khoát sẽ không để tồn tại những hình ảnh phản cảm trên sân. Thế nên ông Vũ Tiến Thành đề nghị VPF cần xây dựng ngay bộ quy tắc ứng xử cho mùa giải mới.
Ông Vũ Tiến Thành khi là HLV đội Sài Gòn FC nay là Chủ tịch CLB Phố Hiến |
Khả Hòa |
Cần phải phân chia lại quyền lợi hỗ trợ cho CLB trong việc bản quyền truyền hình và khai thác bảng quảng cáo trên sân. Ông Vũ Tiến Thành cho rằng VPF nên tạo điều kiện cho CLB có thể từng bước sống được với các nguồn thu từ bóng đá, bắt đầu là bản quyền truyền hình và bán bảng quảng cáo, nên để các CLB tự khai thác với những quy định vừa đảm bảo quyền lợi hình ảnh cho VPF nhưng cũng không để các CLB bị thiệt thòi. Ông Thành cho rằng khi đề cập đến vấn đề này VPF thường kêu khó vì những ràng buộc từ nhà tài trợ chính cho giải, nhưng chính điều đó VPF lại chèn ép lại các CLB là không thỏa đáng. Ông Thành đề nghị cần có một cuộc họp riêng về câu chuyện kinh tế bóng đá này để giải bài toán hài hòa quyền lợi của đôi bên càng sớm càng tốt, không để các CLB cứ mãi bị chèn ép phải "phục vụ” cho những lợi ích của VPF trong khi lợi ích của mình gần như chẳng mang lại tác dụng tích cực nào.
Cả Hoàng Anh Gia Lai và Viettel đã có mùa giải 2021 chơi tốt |
VPF |
Cũng đề cập đến quyền lợi của CLB, ông Thành yêu cầu VPF phải đối xử công bằng trong việc xây dựng hình ảnh cho từng CLB, chứ không nên quá chú trọng vài CLB “mạnh vì gạo, bạo vì tiền” và xem nhẹ các CLB khác. Chẳng hạn như công tác truyền thông, thực tế các mùa vừa qua cho thấy VPF thả nổi cho đối tác của mình thích đơn vị nào thì lăng xê, làm hình ảnh cho đơn vị đó, còn các CLB khác mong ngóng có sự tương tác truyền thông để hình ảnh được nhiều người biết đến thì “năm thì mười họa” mới đuợc nhắc đến. Điều này khiến cho một số CLB đang cố gắng chuyển mình theo con đường chuyên nghiệp, muốn được tham vấn về công nghệ tổ chức từng trận đấu nhưng thiếu hỗ trợ từ VPF nên phải tự mày mò tìm hướng riêng của mình. Nếu VPF không chấn chỉnh lại những vấn đề này thì hình ảnh của các CLB trong giải sẽ thiếu đồng bộ và mất đi sức bật giúp hệ thống giải chuyên nghiệp mạnh mẽ hơn.
Do đại dịch covid, các CLB đều rơi vào hoàn cảnh khó khăn vì vậy ông Vũ Tiến Thành đề nghị VPF không nên thu lệ phí của 27 CLB (V- League là 500 triệu đồng, Hạng Nhất khoảng một nửa). Ông Thành cho rằng: “Tiền thu lệ phí của 27 CLB V-League và Hạng nhất theo tôi biết thực chất VPF thường dùng một phần để hỗ trợ lại cho VFF trong công tác quản lý chung, giống như “nộp tô” nhưng nên chăng cần phải xem xét lại vấn đề này một cách thấu đáo. Vì ngay Chính phủ, Nhà nước cũng còn xuất quỹ ngân sách để hỗ trợ lại cho người dân gặp khó trong dịch covid thì cớ gì VPF lại thu của các CLB”.
Sài Gòn FC thay HLV bị tuột lại trong thời gian đầu của V-League 2021 |
VPF |
Liên quan đến mùa giải mới, ông Thành đề nghị VPF nên cho quay lại cách đá vòng tròn 2 lượt cho tất cả các đội. “ Dù năm 2022, VPF đã đưa ra lịch dự kiến trong đó có cho biết chỉ có khoảng 150 ngày cho công tác tổ chức 3 giải đấu chuyên nghiệp quốc gia cũng như một số phương án, nhưng theo tôi nên đá vòng tròn 2 lượt cho công bằng. Thể thức 2 mùa gần đây chỉ mang tính tình thế và chưa thực sự công bằng với các đội. Dĩ nhiên VPF cần xây dựng khung thời gian hợp lý, một tuần chỉ nên đá 1 trận như các giải VĐQG hàng đầu của thế giới, trừ phi có những trận đá bù thì đưa vào giữa tuần, chứ không nên dồn toa sẽ vắt kiệt sức cầu thủ và làm cho giải đấu bị quá tải. Tôi nghĩ với những giải quan trọng có đội tuyển quốc gia đá như World Cup, AFF Cup thì dừng các giải chuyên nghiệp là đúng, nhưng với cấp độ U.23 đá vòng chung kết châu Á hay SEA Games thì có nên dừng các giải chuyên nghiệp hay không thì phải cân nhắc lại. Quan điểm của tôi nếu dừng giải trong thời gian các giải trẻ này diễn ra là sự lãng phí thời gian”. Ông Thành cho biết như vậy và cũng đề nghị VPF nên xem trọng hơn Cúp quốc gia, đừng tổ chức cho có như thể thức hiện nay khiến cho nhiều đội chưa đá đã muốn bỏ, mất hay. Ngay tên gọi của giải chuyên nghiệp, ông Thành đề nghị VPF nên làm như hệ thống các giải bóng đá chuyên nghiệp thế giới là phải dứt khoát gọi giải Hạng Nhất là V-League 2 như Nhật Bản có J.League 1, J.League 2 vậy.
Cuối cùng là công tác kiểm tra sân bãi trước mùa giải, ông Thành đề nghị VPF làm cho đàng hoàng, không nên xuê xoa, cả nể, nhất là chuyện mặt sân và hệ thống các phòng chức năng, khu kỹ thuật, dàn đèn.. tất cả phải theo chuẩn FIFA, AFC. Sân nào không đạt dứt khoát không cho tổ chức. Làm tốt chuyện này sẽ tránh rất nhiều hiện tượng xấu, nhếch nhác khi giải diễn ra mà quan trọng nhất là tránh chấn thương cho cầu thủ khi mặt sân không đảm bảo.
VFF TỪNG CÓ QUY TẮC ĐẠO ĐỨC NGHỀ NGHIỆP CHO CẦU THỦ, HLV VÀ TRỌNG TÀI BÓNG ĐÁ
Năm 2012, VFF từng ban hành quy tắc đạo đức nghề nghiệp cho cầu thủ, HLV và trọng tài bóng đá tham gia các giải thi đấu trong hệ thống thi đấu quốc gia và quốc tế gồm 5 chương và 15 quy tắc, trong đó cũng có quy tắc 4 nói về ứng xử có văn hóa như phải giữ gìn phẩm chất và uy tín nghề nghiệp, có thái độ ứng xử đúng mực, không có hành vi bất nhã, kích động, đe dọa đối với trọng tài, cầu thủ, HLV các đội bóng, thành viên BTC, giám sát, khán giả, đoàn kết, phối hợp chặt chẽ và tận tình giúp đở đồng nghiệp hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Bình luận (0)