Lịch sử luôn là đề tài yêu thích của Oscar trong nhiều năm, từ thời phim câm của D.W.Griffith đến những phim được đề cử giải Phim hay nhất năm nay. Hơn nửa số phim từng đoạt giải Oscar Phim hay nhất từ trước tới nay là những phim hoặc tái hiện những sự kiện lịch sử như Schindler’s list, Titanic, hay gần đây nhất là The King’s speech, hoặc lấy những sự kiện lịch sử làm nền cho câu chuyện hư cấu, như Forrest Gump hay Cuốn theo chiều gió.
Những quân bài lịch sử chính trị
Năm nay, lịch sử được tái hiện qua góc nhìn chính trị ở phân nửa các bộ phim được đề cử giải Phim hay nhất, từ câu chuyện trăn trở của "người cha nước Mỹ" Abraham Lincoln về vấn đề nô lệ giữa cuộc nội chiến (phim Lincoln của đạo diễn Steven Spielberg) đến cái nhìn hài hước giễu cợt về vấn đề nô lệ da đen (Django unchained của đạo diễn Quentin Tarantino, năm đề cử), từ cuộc giải cứu sáu nhân viên ngoại giao Mỹ bị mắc kẹt ở Iran sau một cuộc bạo động bằng một kế hoạch "làm một bộ phim giả" (phim Argo của đạo diễn Ben Affleck) đến cuộc truy tìm trùm khủng bố Osama Bin Laden (phim Zero dark thirty của đạo diễn Kathryn Bigelow).
Zero dark thirty (Ba mươi phút sau nửa đêm, năm đề cử) được làm với phong cách giả tài liệu một cách nghiêm túc, chân thật, mô tả cuộc truy lùng manh mối trùm khủng bố Osama Bin Laden của CIA thông qua việc tra tấn tù binh và con tin đã làm dấy lên cuộc tranh luận về vấn đề đạo đức cũng như hợp pháp trong các chiến thuật chống khủng bố của Mỹ.
Argo (bảy đề cử) đang được yêu thích nhất mùa giải năm nay sau khi đã gom hàng loạt giải thưởng điện ảnh "tiền Oscar", trong đó đáng chú ý là giải Quả cầu vàng bởi cách kể chuyện duyên dáng, hài hước nhưng cũng nghẹt thở về cuộc giải cứu con tin "y như phim Hollywood". Tuy nhiên, Argo khó lòng đoạt giải Oscar Phim hay nhất khi mà các thành viên bảo thủ của viện hàn lâm vẫn chưa sẵn sàng ghi nhận tài năng của Ben Affleck (Ben Affleck không được đề cử cho giải Ðạo diễn xuất sắc nhất).
Ứng cử viên "chính trị" còn lại Lincoln (12 đề cử) của đạo diễn Steven Spielberg có vẻ như là một chọn lựa an toàn của viện hàn lâm, khi bộ phim này được kể với lối kể chuyện truyền thống quen thuộc của Spielberg, không có đột phá, nhấn mạnh vào tâm tư của tổng thống Lincoln trước những quyết định làm thay đổi lịch sử nước Mỹ qua diễn xuất tuyệt vời của nam diễn viên Daniel Day Lewis (hứa hẹn sẽ nắm chắc giải Nam diễn viên xuất sắc nhất).
Không chỉ trong hạng mục Phim hay nhất, tại bảng đề cử Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc nhất, hai ứng cử viên sáng giá cũng xoay quanh đề tài chính trị: War witch (Phù thủy chiến tranh) của đạo diễn Canada mang nửa dòng máu Việt Kim Nguyễn và No đến từ đạo diễn Chile Pablo Larrain. Ðặc biệt, ba trong số năm phim tài liệu dài được đề cử cũng đều xoay quanh vấn đề chính trị.
Tình yêu đặc biệt
Cũng ở hạng mục Phim hay nhất, đối lập với sự khô khan của những bộ phim đề tài chính trị là những tác phẩm về tình yêu rất đặc biệt: mối tình già trong Amour (Tình yêu, năm đề cử) của đạo diễn Áo Michael Haneke, và mối tình của đôi trai gái "có vấn đề về tâm lý" trong Silver lining playbook (tám đề cử) của đạo diễn David O.Russell.
Amour của Michael Haneke xoay quanh câu chuyện người vợ già yếu cầu xin chồng đừng đưa bà vào bệnh viện mà hãy chăm sóc bà ở nhà, và người chồng tan nát trái tim khi nhìn thấy vợ của mình ngày một yếu đi - một tình yêu đẹp lãng mạn "kiểu người già" đầy xúc động. Vui tươi hơn là câu chuyện tình trong Silver linings playbook của hai con người "có vấn đề về tâm thần" - một chàng trai hoàn toàn mất tự chủ, dễ bị kích động sau khi phát hiện vợ ngoại tình, và một cô gái trẻ nghiện tình dục sớm trở thành góa phụ. Họ tìm thấy nhau, chàng trai muốn nhờ cô gái chuyển thư kết nối lại với vợ cũ của anh, để rồi một ngày kia cả hai nhận ra rằng khi bên nhau, họ bắt đầu thay đổi để trở nên tốt đẹp hơn, và họ cảm nhận được sự chấp nhận của người kia với sự "không hoàn hảo" của mình.
Trong hạng mục hoạt hình ngắn, hai bộ phim gây ấn tượng mạnh cũng xoay quanh câu chuyện tình yêu: những "mâu thuẫn" trong cuộc sống vợ chồng, được mô tả bằng hình ảnh "chồng dưới vợ trên" trong phim hoạt hình stop-motion Head over heels và "yêu từ cái nhìn đầu tiên" để rồi "định mệnh đưa hai trái tim đến bên nhau" trong Paperman (bộ phim hoạt hình ngắn chiếu trước phim hoạt hình Ráp-phờ đập phá).
Và những mảnh đời kỳ lạ
Life of Pi (Cuộc đời của Pi, 11 đề cử, trong đó có đề cử Phim hay nhất) của đạo diễn Lý An chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên và Kon Tiki (đề cử Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc nhất) của đạo diễn Na Uy Joachim Ronning dựa trên một sự kiện lịch sử, trùng hợp thay, đều xoay quanh cuộc phiêu lưu lênh đênh giữa đại dương. Nếu Kon Tiki là một phim phiêu lưu mạo hiểm ca ngợi lòng quả cảm và ý chí của con người trước thiên nhiên, thì Cuộc đời của Pi còn có những lớp lang nói về tín ngưỡng, tôn giáo và định mệnh.
Cũng không kém phần rình rang gây chú ý trong mùa giải năm nay là số phận nhiều trắc trở của người tù khổ sai Jean Valjean trong bộ phim nhạc kịch Les miserables (Những người khốn khổ, tám đề cử), mà nữ diễn viên Anne Hathaway trong vai Fantine gần như được tin chắc sẽ đoạt giải Nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất.
Trong khi đó, câu chuyện về cuộc đời của cô bé da màu 6 tuổi Hushpuppy khi đối mặt với sự chết dần mòn vì bệnh tật của người cha nóng tính của em, và cơn lũ tàn phá vùng em sống bởi băng tan trong bộ phim Beasts of the southern wild (Quái thú miền nam hoang dã, năm đề cử) đang râm ran trở thành "ngựa lội ngược dòng", đặc biệt là khi cô bé 9 tuổi Quvenzhané Wallis - được đề cử giải Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất - trở thành nữ diễn viên nhỏ tuổi nhất được đề cử giải thưởng này.
Nhiều phim tranh giải Oscar đã và sẽ đến Việt Nam Lễ trao giải năm nay diễn ra lúc 16g Los Angeles ngày 24-2 (7g Việt Nam ngày 25-2) tại nhà hát Dolby - trước đây là nhà hát Kodak vừa được đổi tên năm 2012. Đây là lần đầu tiên nam diễn viên hài Seth MacFalane đảm nhận vai trò dẫn chương trình. Trong các phim được đề cử Oscar Phim hay nhất, Những người khốn khổ và Cuộc đời của Pi đã được trình chiếu rộng rãi tại Việt Nam, còn các phim Django unchained, Lincoln, Silver linings playbook và Zero dark thirty đã có kế hoạch phát hành tại Việt Nam trong tháng 3. Bốn trong năm phim được đề cử Phim hoạt hình hay nhất đã được chiếu ở Việt Nam. |
Theo Phan Xi Nê \ Tuổi Trẻ
Bình luận (0)