"Cô gái da cam" trên đất Mỹ

01/01/2010 00:40 GMT+7

(TNO) Võ Thị Minh An (ảnh, bên trái), cựu học sinh trường chuyên Lê Hồng Phong TP.HCM, không chỉ là một du học sinh giỏi mà còn là một sinh viên hoạt động xã hội tích cực trên đất Mỹ.

Lần đầu tiên sang Mỹ năm học lớp 11, An sống ở Los Angeles được một năm. Trong thời gian này, Minh An đã trở thành thông dịch viên cho tổ chức Spiral Foundation (một tổ chức phi chính phủ giúp đỡ người bị khuyết tật và nhiễm chất độc màu da cam làm đồ lưu niệm từ các vật liệu phế thải).

Tại đây, An đã đứng ra giúp đỡ tổ chức này bán các sản phẩm ở trong và ngoài trường, giúp họ tổ chức các buổi đấu giá tranh và một số hoạt động khác. Chỉ trong vòng 4 tháng, An đã giúp tổ chức gây quỹ được hơn 50.000 USD.

Năm 2009, Minh An đã đoạt giải thưởng "Knudson Churchill Scholarship Trust" vì những đóng góp lớn trong lĩnh vực truyền thông.

Ở mỗi nước, hoàn cảnh văn hóa, phong tục khác nhau. Vì vậy, vai trò của mỗi bạn du học sinh cũng khác nhau. Nhưng cái quan trọng nhất, theo Minh An, các bạn sinh viên nên tạo dựng một hình ảnh hoàn chỉnh hơn về Việt Nam trong mắt thế giới. Vì có rất nhiều người họ vẫn nghĩ về Việt Nam hoàn toàn sai lầm, thậm chí có người vẫn nghĩ rằng Việt Nam vẫn còn chiến tranh.
Võ Thị Minh An

Ở Mỹ, Võ Thị Minh An đã trở thành một trong những nhà ủng hộ mạnh mẽ nhất cho các hoạt động vì nạn nhân chất độc da cam Việt Nam. Minh An đã từng được mời diễn thuyết tại rất nhiều trường trung học tư thục và đại học tại Mỹ về cuộc sống của trẻ em chịu ảnh hưởng cả chất độc màu da cam.

An tâm sự, An chưa bao giờ làm công việc này ở Việt Nam. Thế nhưng, khi sang Mỹ, trước những thính giả là người nước ngoài, lại nói bằng ngôn ngữ thứ hai, Minh An không chỉ làm tốt mà còn để lại rất nhiều ấn tượng.

Nhớ lại những lần diễn thuyết trong năm 2009 vừa rồi, An tâm sự: “Cái khó của mình là An phải diễn thuyết về một vấn đề chính trị và nhạy cảm, trên một đất nước cũng đang tranh cãi về vấn đề này với Việt Nam. Bởi vậy, trong khả năng của mình, mục tiêu chính của An không phải là thuyết phục họ lên án chế độ Mỹ mà là để họ hiểu và chia sẻ hơn với cuộc sống của người bị nhiễm chất độc da cam ở Việt Nam”.

Để những câu chuyện và hình ảnh về các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam đến được với công dân Mỹ, Minh An đã phải vượt qua rất nhiều khó khăn, trở ngại. “Cái khó là những hình ảnh về chất độc màu da cam với những học sinh trung học Mỹ (từ lớp 9-12) chưa từng được nghe bao giờ, họ sẽ rất sốc. Bởi vậy, An phải lựa chọn hết sức kỹ lưỡng từ từ ngữ đến hình ảnh trong suốt quá trình diễn thuyết để tránh gây sốc và khó hiểu cho người nghe”.

Không chỉ vậy, Minh An còn tổ chức những buổi hội thảo, nói chuyện giữa các giáo sư người Mỹ về chủ đề này.

Với các đối tượng này, Minh An lựa chọn cách tiếp cận khác hẳn: “Thời điểm này, vấn đề chính trị và vụ kiện bắt đầu được đào sâu hơn. Nên cái khó ở giai đoạn này là mình phải nói như thế nào để họ cảm thấy không phải tôi đang lên án đất nước, chế độ của các bạn. Lúc này, An cũng đồng thời giữ vai trò là một sinh viên, vì thế An cố gắng không đưa quá nhiều tranh luận chính trị vào câu chuyện của mình mà chỉ đưa ra những câu hỏi, gợi mở để các giáo sư phân tích”.

Thanh Thanh Lan

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.