Trong không gian ấm áp nơi đây, Lễ hội “Du học sinh chào đón năm mới 2010” đã chào đón những khuôn mặt rạng rỡ, rạng ngời sức sống.
Chia sẻ với Thanh Niên, nhiều bạn DHS chủ động đề cập đến ngày về phục vụ Tổ quốc khi kết thúc chương trình học. Nhiều dự định, trăn trở đã được nói ra nhưng hơn hết, là khát khao của tuổi trẻ muốn được góp công, góp sức cho đất nước ngày một phát triển
Tự hào nhưng đừng kiêu căng
Huỳnh Ngọc Linh (ĐH Royal Holloway, London, Anh Quốc) nổi bật giữa nhóm DHS đang tập trung trước cửa Văn Miếu. Trong suốt các hoạt động từ sáng đến tối, khả năng hoạt động của một cử nhân ngành Truyền thông đã được Linh phát huy tối đa.
Đại diện du học sinh thắp hương trước bàn thờ liệt tổ liệt tông - Ảnh: Lê Tùng |
Đầu năm 2009, Linh này từng làm đạo diễn sáng tạo cho chương trình giọng hát hay cho sinh viên VN tại Anh - Voice Up. Chia sẻ về vai trò của DHS tại nước ngoài, Linh nói: “Nếu các bạn nước ngoài thích thú với phong cách học của mình, yêu mến tính cách của mình thì họ sẽ có rất nhiều thiện cảm với đất nước VN. Mỗi DHS là một đại sứ nhỏ cho đất nước của mình. Đó cũng là niềm tự hào nhưng cũng là một thách thức rất lớn cho mỗi bạn DHS”.
Đôi mắt cùng hàm răng khểnh của Linh bỗng trở nên sinh động hẳn khi biết chúng tôi là phóng viên Thanh Niên. “Mình lại nhớ lại những kỷ niệm khi làm tình nguyện viên cho chương trình Duyên dáng Việt Nam của Báo Thanh Niên tổ chức tại Anh. Sự khen ngợi của bạn bè nước Anh và quốc tế về chương trình, về văn hóa VN khiến mình được vui lây. Cả nhóm tình nguyện viên cùng rưng rưng xúc động. Mong sao Báo Thanh Niên thêm lần nữa đưa Duyên dáng Việt Nam trở lại nước Anh”, Linh tâm sự.
Du học sinh chia sẻ cùng hoa hậu VN 2004 Nguyễn Thị Huyền - Ảnh: Lê Tùng |
Khẩu hiệu mà Linh luôn tâm niệm: Mỗi DHS là một đại sứ nhỏ cho đất nước của mình. Trên sân khấu của chương trình “Du học sinh chào đón năm mới 2010” do Đài Truyền hình VN tổ chức trong sân Văn Miếu, Nguyễn Bích Ngọc (ĐH Havard, Mỹ) đồng tình với Linh, nhưng nhấn mạnh: "Đừng kiêu căng, mình chưa là gì cả".
Trước khi trở thành sinh viên của 1 trường đại học lừng danh bậc nhất thế giới, Nguyễn Bích Ngọc từng là một trong những học sinh xuất sắc nhất Singapore nhận được giấy mời của ĐH Havard, cùng học bổng hơn 50.000 USD/năm. Ngạc nhiên hơn, kế hoạch du học nước ngoài được Ngọc và gia đình xác định từ… cấp 1.
Trở về VN đón năm mới, Ngọc chia sẻ: “Ở VN em luôn học giỏi nhất lớp. Lúc đấy cũng kiêu căng lắm. Khi đi du học mới thấy mình chưa là gì cả. Em sẽ còn phải cố gắng hơn rất nhiều”.
Trở về để cống hiến
Đó là nguyện vọng mà tất cả những DHS có mặt trong sân Văn Miếu chia sẻ trong chương trình "Du học sinh chào đón năm mới 2010". Với hầu hết các bạn, đó không phải là dự định, mà là đích đến chắc chắn của đời mình.
Tiếp xúc ngoài đời hay coi qua lý lịch, ít ai nghĩ Lê Anh Minh (sinh viên năm thứ 2, ĐH Kỹ thuật Worcester, Mỹ) mới có 19 tuổi. Học xong lớp 11 THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP.HCM, Minh học tiếp lớp 12 ở trường Saint Johnsbury Academy (Vermont, Mỹ). Hiện giờ, Minh vừa học đại học, vừa học bằng Master chuyên ngành Toán tài chính.
Tiết mục hát múa Vịnh xuân đất Tổ - chào mừng các du học sinh về quê ăn Tết - Ảnh: Lê Tùng |
Tại bang đang sống, cái tên Lê Anh Minh xuất hiện trong rất nhiều giải thưởng các cuộc thi toán toàn bang. “Năm 2010, tôi sẽ về VN làm việc tuy thầy giáo đã đồng ý để tôi làm nghiên cứu sinh ngay”, Minh chia sẻ
Đại diện từ nước Đức - nơi tập trung rất đông các bạn lưu học sinh VN ở Châu u, Trương Đức Cường (ĐH Tổng hợp kỹ thuật Berlin CHLB Đức) đang theo học tiến sĩ chuyên ngành Công nghệ thông tin tại ĐH Tổng hợp kỹ thuật Berlin. Tâm sự về những ngày mới sang Đức, Cường nói: “Tôi học được ở người Đức về sự tự hào với ngôn ngữ của họ. Đi làm các thủ tục, tôi nói tiếng Anh nhưng họ nhất định không chịu, bắt tôi phải sử dụng tiếng Đức”.
Lê Anh Minh theo học cùng lúc hai chương trình Đại học và Master Toán tài chính - Ảnh: Lê Tùng |
Khác với nhiều DHS khác tham dự chương trình "Du học sinh chào đón năm mới 2010", Cường từng có thành tích hoạt động khoa học ở trong nước trước khi du học, từng giữ vai trò lãnh đạo kỹ thuật trong hai đề tài nghiên cứu khoa học cấp nhà nước. Hiện công trình mà Cường góp công sức này được ứng dụng trong một số nhà máy, trong đó có nhà máy lát gạch Thạch Bàn.
Về nước để cống hiến, điều này được cảm nhận rõ hơn với Trịnh Minh Trang (Trường Glion, Thụy Sĩ). 13 tuổi, Minh Trang đã rời vòng tay ôm ấp của cha mẹ, khăn gói sang Thụy Sĩ bắt đầu sự nghiệp du học. Ít tuổi nhất tại lễ hội, Trang đã lên kế hoạch cho tương lai rất rõ ràng. “Sau khi học hết trung học tại Thụy Sĩ sẽ sang Anh theo học trung học phổ thông. Với em, nhỏ tuổi vẫn có thể du học tốt nếu quyết tâm. Quyết tâm cùng một mục tiêu rõ ràng mới có thể cống hiến”, Trang nói.
Lê Tùng - Thanh Thanh Lan
Bình luận (0)