Hơn 10g đêm ngày Chủ nhật, bé Nhi 6 tuổi đột nhiên gào toáng lên làm náo động cả nhà: “Mẹ hứa cho con đi sở thú bao nhiêu lần rồi mà không giữ lời hu hu... Mẹ nói xạo hoài… Con ghét mẹ lắm” làm chị Lan cả ngày lo tất bật cúng giỗ mệt nhoài càng thêm bực dọc. Dỗ thế nào bé cũng không chịu nín, còn nằm lăn xuống đất ăn vạ, chị Lan điên tiết phát cho bé mấy cái vào đít rõ đau, bắt bé lên giường ngủ... Nhìn con nằm quay mặt vào tường thút thít khóc, chị Lan cảm thấy áy náy và giận mình. Quả thực chị đã hứa cho bé đi sở thú nhiều lần nhưng chưa thực hiện được vì công việc quá bận.
Không ít bậc cha mẹ lâm vào tình huống như chị Lan, đã hứa với con điều gì đó nhưng lại không thực hiện được vì một số lý do khách quan có, chủ quan có khiến bé thất vọng và tổn thương. Để tránh rơi vào hoàn cảnh trên, những lời khuyên dưới đây sẽ hữu ích cho các bậc cha mẹ.
Tại sao cần giữ lời hứa với trẻ?
Một số lưu ý khác cho cha mẹ: • Khi không thể thực hiện lời hứa cũ, cố gắng giải thích với trẻ và đưa ra lời hứa mới (cần chắc chắn thực hiện). |
Khi cha mẹ và người xung quanh nhất quán, luôn giữ lời mình đã hứa với trẻ, trẻ sẽ luôn cảm thấy an toàn và thoải mái trong môi trường sống của mình. Điều này quan trọng trong quá trình phát triển và hình thành nhân cách của trẻ.
Phần lớn trẻ em học hỏi là nhờ vào việc “bắt chước” những người xung quanh trong đó quan trọng là người gần gũi với bé như cha mẹ. Cha mẹ luôn được trẻ xem là hình mẫu cho mọi hành động. Nếu cha mẹ luôn giữ lời hứa và trung thực thì trẻ cũng sẽ học được tầm quan trọng và giá trị của việc thực hiện một cam kết và dần định hình nhân cách trung thực, giữ lời đã hứa khi lớn lên.
Do vậy, để đảm bảo khả năng thực hiện lời hứa với trẻ, trước khi hứa điều gì đó, cha mẹ cần chắc chắn khả năng thực hiện và cố gắng giữ lời hứa để có được sự tôn trọng, an tâm và tin cậy nơi trẻ.
Làm gì khi không thể giữ lời hứa với con?
Phần lớn trẻ em rất dễ xoa dịu và sớm vượt qua khỏi nỗi thất vọng gây ra do cha mẹ không giữ lời hứa với chúng nhưng cho dù vậy, việc thất hứa chỉ nên diễn ra khi gặp trường hợp bất khả kháng chứ không nên lặp đi lặp lại.
Gặp tình huống không thể thực hiện lời hứa với trẻ, cha mẹ nên trung thực và công khai xin lỗi trẻ đồng thời giải thích lý do tại sao cha mẹ không thể thực hiện lời hứa với chúng.
Nếu việc thất hứa thường xuyên diễn ra, tốt nhất cha mẹ nên xem lại cách thu xếp thời gian của mình và xem lại lời hứa với trẻ có được đưa ra trong lúc cao hứng và tùy tiện hay không.
Không nên “hứa đại”, “hứa cho xong”
Một số phụ huynh “hứa đại” với con chỉ vì muốn được “yên thân” do chúng vòi vĩnh quá mức khiến cha mẹ mệt mỏi. Một số phụ huynh khác lại “hứa cho xong” để trẻ chấm dứt hành vi tiêu cực như khóc lóc, giận dữ, thất vọng, buồn rầu, ném đồ đạc, nản chí, thiếu kiên nhẫn... Lời hứa của cha mẹ lúc này được xem như “hành vi hối lộ” trẻ để trẻ chấm dứt hành vi tiêu cực. Điều này là cực kỳ nghiêm trọng, có thể phản tác dụng trong việc nuôi dạy trẻ vì khuyến khích chúng làm điều không tốt. Do vậy, cha mẹ không nên hứa để xoa dịu con trẻ khi chúng không ngoan.
Ngược lại, cha mẹ nên hứa và thực hiện lời hứa với trẻ khi chúng ngoan ngoãn, làm việc tốt, có thành tích tốt… Lời hứa lúc này là một phần thưởng cho trẻ, giúp trẻ nỗ lực hơn để dành được phần thưởng mà chúng mong đợi.
Thy An
Bình luận (0)