Ly kỳ bảo vật Việt Nam : Ông thợ thêu giữ bộ nghiên mực của vua

03/01/2010 23:35 GMT+7

Sau hàng chục năm cất giữ gần như bí mật, vừa qua, ông chủ một hiệu thêu ở TP Huế đã quyết định công bố với PV Thanh Niên bộ nghiên mực quý của Hoàng đế Khải Định đang được gia đình ông sở hữu.

Ở Huế, nhiều người không còn lạ với hiệu thêu Đức Thành, trên đường Phan Đăng Lưu, một khu phố buôn bán có từ lâu đời với nhiều hiệu buôn nổi tiếng của cả người Việt lẫn người Hoa và trước đây còn có cả Chà và (Ấn Độ). Hiệu thêu Đức Thành được xem là cái nôi của nghề thêu tay xứ Huế và bản thân nghệ nhân Lê Văn Kinh cũng chính là lão thợ thêu cung đình có công gìn giữ, phát huy và truyền dạy nghề thêu truyền thống. Thế nhưng tại ngôi nhà cổ này còn là nơi dừng chân của nhiều báu vật chốn hoàng cung xưa.

Bộ nghiên mực hoàng đế

Báu vật thuộc hàng độc nhất vô nhị hiện nay trên cả nước mà gia đình ông Kinh đang sở hữu chính là bộ nghiên mực rồng 5 móng của Vua Khải Định. Theo lời ông Kinh, bộ nghiên mực này do chính Vua Khải Định ân sủng ban tặng cho ông ngoại của ông là Tham tri Bộ Lễ Nguyễn Văn Giáo (hiệu Chí Thành, một vị quan triều Nguyễn).

Chiếc nghiên mực Lưỡng long tranh châu bằng đá đen, được chạm khắc rồng 5 móng, vật ngự dụng của hoàng đế triều Nguyễn vẫn còn nguyên vẹn. Đồng bộ với nó còn có thỏi mực cổ đựng trong khay gỗ mun. Theo như quan sát của chúng tôi, ngoài chất liệu bằng đá đen vô cùng quý hiếm, nó còn được chạm khắc tinh xảo hình hai con rồng ẩn trong mây đang tranh một viên trân châu.

Tương truyền, những vật dụng được trang trí rồng 5 móng là quy ước chỉ dành riêng cho nhà vua. Các hàng vương tôn, quan lại nếu có ân sủng được sử dụng biểu tượng rồng cũng chỉ giới hạn 4 móng trở xuống. Những ai may mắn được ban tặng các bảo vật thuộc hàng ngự dụng (chỉ có vua sử dụng) thường phải đi kèm với một loại văn bản để làm chứng cứ, tương tự như một dạng giấy chứng nhận bây giờ. Nếu không có loại sắc chỉ ban tặng đính kèm người sở hữu có thể bị tịch thu hoặc bị trừng trị vì xem như có âm mưu tạo phản.

Theo ông Kinh, trước đây khi giao bảo vật này, ông ngoại của ông cũng có giao bản sắc chỉ do Vua Khải Định ban tặng. Thế nhưng, sau này chiến tranh loạn lạc, qua nhiều lần di chuyển, do lũ lụt và mối mọt, tờ sắc chỉ đã bị hư hỏng, rách nát, đến nay đã không còn.

Chiếc nghiên mực Lưỡng long tranh châu bằng đá đen đựng trong khay gỗ mun - ảnh: Bùi Ngọc Long

Giữ được báu vật nhờ... bỏ quên

Ông Kinh cho biết, ông ngoại của ông (tức Tham tri Bộ Lễ Nguyễn Văn Giáo) không có con trai, cho nên mặc dù là cháu ngoại nhưng ông được ngoại đón về nuôi trong nhà từ nhỏ và rất được ông ngoại thương yêu. Chính vì vậy, sau khi ông ngoại qua đời, những báu vật gia truyền này được giao cho ông thừa kế.

Trước đây, ông Kinh có một chiếc sập gỗ dùng để ngủ. Bên trong chiếc sập, ông đã bí mật cất giữ nhiều bảo vật của gia đình như cổ vật kim chi ngọc diệp (cành vàng lá ngọc), những bộ ấm trà cổ, thẻ bài của ông ngoại bằng ngà voi... và bộ nghiên mực rồng. Năm 1975, cũng như nhiều gia đình ở Huế, cả gia đình ông đã bỏ nhà chạy vào Nam. Khi trở về, nhà đã bị cạy cửa phá tung, rất nhiều đồ đạc của cải đã bị lấy cắp sạch. Thế nhưng, rất may, chiếc sập do bên ngoài trông cũ kỹ, bụi bặm nên không bị kẻ gian để ý. Và tất cả bảo vật bên trong may mắn vẫn còn nguyên.

Sau đó là một thời kỳ căng thẳng, nhiều gia đình có của cải đều bị Nhà nước kiểm kê và trưng thu. Thế nhưng, nhờ vừa giải phóng ông đã tham gia ngay vào hợp tác xã nên đã không bị chính quyền kiểm kê. Đến giai đoạn những năm 80 của thế kỷ XX, thời kỳ đất nước vô cùng khó khăn, gia đình do túng thiếu đã phải bán tháo nhiều thứ quý giá để lấy tiền sinh sống. Và thêm một lần nữa những báu vật này may mắn sót lại vì không ai biết giá trị nên không mua chúng.

Trải qua bao thăng trầm của đời sống, lịch sử đến nay dù đã bước sang tuổi 84, ông Kinh vẫn cẩn thận gìn giữ những báu vật gia truyền này, dù không ít lần những người buôn bán đồ cổ cũng đã đánh hơi tìm tới ngỏ ý muốn mua. “Bán rồi tiêu cũng hết, giữ như thế thì sau này con cháu còn có cái để biết được về truyền thống gia đình”, ông nói. Cũng nhờ cách suy nghĩ ấy mà ông Kinh đã giữ được nhiều báu vật cho đất cố đô.

 Bùi Ngọc Long

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.