Gặp người phụ nữ sau 13 năm bị bán sang Trung Quốc - Kỳ 1 : Bọt bèo nơi xứ người

06/01/2010 14:39 GMT+7

Sau 13 năm cơ cực làm vợ xứ người, một ngày cuối năm 2009, từ ngôi làng hẻo lánh bên đất Trung Quốc, chị Phương lần về được Việt Nam và quyết tìm gặp lại kẻ đã lừa bán mình năm nào…

Hành trình bị lừa bán

Người phụ nữ trạc tuổi 40, da sạm đen, thẫn thờ tìm đến gặp nhóm PV Tiền Phong. Những người thân của chị ở phố Minh Khai, Hà Nội có lẽ cũng khó nhận ra đó là Phương, cô gái Hà thành trắng trẻo mất tích cách đây 13 năm.

Người chị gái đi cùng nói: “Nó trắng ra nhiều rồi, nhìn thấy thay đổi từng ngày. Hôm mới về đen lắm, tóc tai bù xù, không ra hồn người”.

Dằng dặc thời gian tha hương, chị Phương không thể quên cái ngày kinh khủng cuối năm 1996. Cô bạn cùng cơ quan tên Thoa rủ chị lên Lạng Sơn thăm một nhà máy giấy. Thoa nói sẽ xin cho chị vào làm công nhân ở đấy, việc nhẹ nhàng mà lương cao hơn hẳn xí nghiệp granito Nam Thắng chị đang làm.

Vừa tới bến xe Lạng Sơn, Thoa đã mất hút. Phương đang ngơ ngác thì có người xưng là em gái Thoa đến đón. Cô này cùng một nhóm người lạ hoắc dẫn Phương theo lối mòn men rừng.

Đi mãi không thấy nhà máy giấy, Phương hỏi, không ai trả lời. Họ thúc lưng chị đi mau chân. Chị mới giật mình, bị lừa bán sang Trung Quốc rồi, muốn hô cứu nhưng đường rừng đêm ai nghe, lại kè kè theo sát nhóm người lạ mặt khống chế...

Bị nhốt trong gian nhà nhỏ kín bưng, lúc chị đi vệ sinh cũng có người bám gót. Một tháng bị nhốt chặt, ăn những bữa cơm kỳ quái toàn đồ khô, da chị nhuốm màu rờn rợn.

Mấy lần chị nghe lỏm được chuyện có người đến muốn mua mình, rồi bị đưa ra ngoài cửa để khách xem mặt. Và cuối cùng, món tiền 3.200 tệ được đút vào túi cô em gái của Thoa.

Một ngày cuốc bộ mỏi nhừ đầu gối qua mấy cánh rừng heo hút, Phương được đưa đến một ngôi làng nghèo xơ xác bên vách núi. Một căn nhà đắp đất với mảnh sân toen hoen có người đàn ông trạc tuổi 45 khoác cái áo bông cũ nát ngồi sẵn bên bậu cửa.

Mấy người cộc lốc vài câu tiếng Hoa, Phương không nghe được, nhưng chị hiểu rằng mình đã là vợ của người đàn ông mặc áo bông.

Cuộc sống cơ cực, không nguôi nhớ nhà

Ngày đầu sống cùng một người xa lạ, Phương sợ co rúm! Một tháng ròng chỉ ở nhà, ăn cháo và không được ra ngoài. Nhưng mãi rồi những câu tiếng Hoa của chồng cũng thành quen. Cầm cuốc, cấy lúa, tra ngô, chị quần quật làm tuốt…

Lặng lẽ làm vợ, lặng lẽ sống, tiếng Việt lâu rồi không dùng đến, có nói cũng ngắc ngứ. Chị sinh đứa con đầu lòng, nó lẫn lộn giữa hai thứ tiếng của mẹ và của bố, trong cái nghèo xơ xác gần như không có liên lạc với thế giới bên ngoài của ngôi làng nhỏ.

Anh chồng thực ra cũng hiền lành. Hồi mới đầu, chỉ vài lần chị định trốn, và tại không hiểu anh ta nói gì, nên bị ăn tát, nhưng mãi rồi cũng nên thương.

Không nguôi ngoai ý định trốn về Việt Nam, chị lẻn ra nương viết thư gửi về quê. Tháng nào cũng viết, cũng gửi, nhưng không thấy phản hồi. Nghe nói trong làng có mấy chị người Việt cũng bị lừa bán sang đây làm vợ, mà chị chẳng thể gặp họ.

Mấy năm làm dâu xứ người, sinh thêm một thằng con trai nữa, chị Phương mới biết chồng mồ côi từ nhỏ. Để có tiền mua vợ, anh ta đã bán hết ruộng vườn.

Ngoài ngôi nhà rách nát, anh ta chỉ còn chưa đầy một sào đất cày cấy. Nương không có kênh mương tưới tiêu, mỗi năm chỉ trồng được một vụ chính, được hai bao lúa, một bao ngô.

Lúc nông nhàn, chị cùng các con lên rừng đào củ về bán, cũng chỉ được dăm ba đồng vặt. Cả nhà lại đi chặt mía thuê. Tất tật tính ra khoảng một ngàn tệ (khoảng 2,7 triệu đồng tiền Việt) cho một năm sinh hoạt. Vợ chồng, con cái mặc những chiếc áo rách màu cháo lòng, xà phòng giặt nơi đây là món đồ xa lạ.

Đã có lần em gái Thoa mò đến nhà chị Phương. Hồi đó chị mới sinh cháu đầu lòng được tám tháng. Ả đến tỷ tê, rủ Phương đi nơi khác hòng bán chị một lần nữa.

Chị Phương uất ức nghẹt thở, nhưng không thể làm gì kẻ đã bán mình, vì vướng đứa con còn nhỏ. Song nghĩ cuộc sống cơ cực, chị định buông xuôi. Cô ta còn nói: “Chồng chị chỉ cần con thôi, chị đến nơi khác sướng hơn, tội gì!”.

Hôm đó, chồng chị biết chuyện, hầm hầm cầm dao đuổi mụ đàn bà buôn người ra khỏi nhà.

Những cái Tết đến rồi đi lúc nào không hay ở cái làng kỳ lạ. Không ai đến chơi nhà ai, không đêm giao thừa, không bánh chưng, không tiếng thơ xuân trên đài, chị lay lắt nhớ bố mẹ già và con phố Minh Khai có cơn mưa bụi thân thương của thời con gái...

Theo Nhóm PV / Tiền Phong

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.