Nghịch lý quyền lực

06/01/2010 22:57 GMT+7

Quốc hội là cơ quan lập pháp lập hiến, có quyền lực cao nhất trong nền dân chủ nghị viện. Vậy mà ở Afghanistan và Canada lại đang xảy ra chuyện quốc hội bị cơ quan hành pháp điều khiển - một nghịch lý quyền lực không phải chưa từng xảy ra, nhưng rất hiếm.

Tại Afghanistan, Tổng thống Hamid Karzai không cho phép các dân biểu được nghỉ đông mà phải họp tiếp trong khi ở Canada, Thủ tướng Canada Stephen Harper lại không cho Quốc hội họp như dự kiến mà buộc phải nghỉ cho tới sau khi Thế vận hội mùa đông kết thúc vào cuối tháng 2. Các vị dân biểu đều phải chịu vì trong hiến pháp ở cả hai nơi đều có điều khoản cho phép người đứng đầu chính phủ làm như vậy. Ông Karzai trong cả nhiệm kỳ trước chưa hề sử dụng quyền này, nhưng giờ không có sự lựa chọn nào khác vì nhu cầu nhanh chóng được phê chuẩn nội các mới. Vị tổng thống này muốn thành lập xong chính phủ trước khi Hội nghị quốc tế tài trợ cho Afghanistan họp ở Anh vào cuối tháng này. Nếu không có được chính phủ mới thì việc tranh thủ nguồn viện trợ tài chính từ bên ngoài sẽ rất khó đối với ông Karzai vì các đối tác sẽ hỏi họ bỏ tiền ra ủng hộ chính phủ nào đây. Họ không thể không tự hỏi như vậy vì ông Karzai tại vị được nhờ gian lận bầu cử.

Trong khi đó, ông Harper lại không muốn Quốc hội họp để tránh phải điều trần về những việc liên quan đến sự can dự của Canada ở Afghanistan, về vai trò quá nhỏ nhoi của chính phủ tại Hội nghị về bảo vệ khí hậu trái đất mới rồi ở Đan Mạch, về thực trạng kinh tế và tài chính đất nước. Vị thủ tướng này cần thời gian để bố trí lại nhân sự sao cho giành được đa số ở Thượng viện, hy vọng dùng đa số này để cứu sống chính phủ thiểu số ở Hạ viện. Hồi tháng 12 năm ngoái, ông Harper cũng đã sử dụng phương cách này để tránh cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm do phe đối lập khởi xướng. Ở cả hai trường hợp, cơ chế dân chủ có lúc tự phơi bày nghịch lý của nó.

Thảo Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.